Nếu xét về tầm ảnh hưởng tại châu Âu, Chelsea với hai chiếc Cup C2 (năm 1971 và 1998) chẳng thể nào sánh bằng Barcelona (1 Cup C1 1992, 4 Cup C2 các năm 1979, 1982, 1989, 1996, và 3 Cup C3 năm 1958, 1960, 1966). Nhưng cứ hễ đụng nhau, hai CLB như "nước với lửa", luôn đem đến những bất ngờ khó tin nhất.
270 phút xúc cảm trái ngược cho lần đầu tiên
(Bán kết Cup Hội chợ - tiền thân của Cup UEFA, mùa bóng 1965/1966, lượt đi: Barca 2-0 Chelsea, lượt về: Chelsea 2-0 Barca, play-off: Barca 5-0 Chelsea)
Gallego - trụ cột của Barca mùa bóng 1965/1966. |
Thời điểm này thuộc về giai đoạn tương đối "trầm" trong lịch sử Barcelona. Đáng kể nhất trong đội hình của họ chỉ là trung vệ tài năng Gallego. Nhưng, bằng hai bàn của Fuste và đội trưởng Zaldua, Barca dễ dàng cho Chelsea đo ván 2-0 trong lượt đi. Đáng chú ý, cầu thủ nổi bật bên phía đội khách là Terry Venables, người về sau làm HLV giúp Barca vào chung kết Cup C1 năm 1986, và đưa đội tuyển quốc gia quê hương lọt tới bán kết Euro 1996.
Tuy giành lợi thế ở lượt đi, nhưng lượt về trên đất Anh lại là một trận cầu hết sức tệ hại cho đại diện Tây Ban Nha. Sau khi cầm hòa thành công trong hiệp một, Barca bỗng dưng để thủng lưới hai lần trong vòng 7 phút, tất cả đều đến từ các pha phản lưới nhà của Gallego và Reina.
Kết quả hòa 2-2 chung cuộc buộc hai đội phải đá một trận play-off. Và may mắn đã thuộc về Barca khi lá thăm giúp họ được chơi trên sân nhà. Chẳng bỏ lỡ cơ hội bằng vàng, đoàn quân của HLV người Argentina, Roque Olsen, đè bẹp đối thủ đến từ nước Anh bằng một chiến thắng "5 sao", nhờ công Rife (2 bàn), Zaldua, Fuste và Zaballa.
Vào chung kết một cách ngoạn mục, Barcelona xuất sắc thắng tiếp Zaragoza với tổng tỷ số 4-3, dù đã thua trước 0-1 ở lượt đi trên sân nhà. Đó là lần thứ 3 họ nâng cao chiếc Cup Hội chợ và trở thành một trong 4 CLB đoạt nhiều Cup C3 nhất (cùng Juventus, Inter Milan và Liverpool).
Lần thứ hai, Barca ngược dòng ngoạn mục
(tứ kết Champions League mùa bóng 1999/2000, lượt đi: Chelsea 3-1 Barca, lượt về Barca 5-1 Chelsea)
Trung vệ Lebouef của Chelsea (trắng) vào bóng với Kluivert trong trận đấu năm 2000. |
Ở thời điểm đó, Barca của HLV Louis Van Gaal mạnh khủng khiếp. Đoàn quân xứ Catalan "cuốn trôi" mọi địch thủ như Arsenal, Porto, Fiorentina, Hertha Berlin trong hai vòng đấu bảng đầu tiên, với thành tích cực kỳ thuyết phục: 9 thắng, hòa 3. Nổi bật lên là phong độ chói sáng của cặp tiền vệ siêu việt, Rivaldo - Figo.
Tuy nhiên, điều mà Van Gaal và các học trò chẳng ngờ tới là một cái bẫy đã dành sẵn cho họ trong chuyến chuyến hành quân tới Stamford Bridge, tối 4/4/2000. Bị cuốn vào thứ chiến thuật phòng thủ chặt kết hợp phản công cực nhanh do HLV Vialli "lập trình", Barca lộ rõ điểm yếu về tâm lý. Hậu quả là lưới của đội khách bị rung lên tới 3 lần chỉ trong vòng 9 phút của hiệp một, bởi Zola (30') và Flo (34', 38'). Nhưng dù sao họ cũng vớt vát được chút thể diện. Figo đi bóng tuyệt đẹp trước khi dứt điểm tung lưới thủ môn Chelsea ở phút 64, đem lại hy vọng nhỏ nhoi lật ngược tình thế ở lượt về.
Hạ gục một trong số ít đội hàng đầu châu Âu lúc đó, HLV Vialli và các học trò hồ hởi ra mặt. Nhà cầm quân trẻ này cũng thừa hiểu sức tấn công khủng khiếp của Barca một khi được chơi tại Nou Camp, nhưng là một người Italy, ông tự tin vào những kiến thức phòng ngự thu hoạch được sau nhiều năm chinh chiến tại Serie A. Trong khi đó, sự lựa chọn dành cho gã khổng lồ Catalan không chỉ là "phải thắng lượt về", mà còn là "phải thắng thật đậm". Nhiều chuyên gia đã đoán trước 60% khả năng Chelsea đi tiếp, còn các nhà cái thận trọng hạ thấp tỷ lệ đặt cược dành cho đội bóng Anh.
Nhưng, bóng đá luôn đi liền với hai chữ bất ngờ, và yếu tố này càng được đẩy cao hơn trong cặp đấu Barca - Chelsea. Cái hàng phòng ngự dày đặc mà Vialli bố trí đã bị chọc thủng tan hoang ở trận lượt về, bởi sự di chuyển liên tục của các kỹ thuật gia chủ nhà. Rivaldo và Figo đưa Barca dẫn 2-0 sau 45 phút thi đấu. Chelsea bất ngờ le lói hy vọng bằng bàn gỡ của Flo phút 60. Nhưng cú đánh đầu hiểm hóc của Dani phút 83 đã san bằng tỷ số 4-4 hai lượt. Thậm chí lẽ ra đội chủ sân Nou Camp chẳng cần đến hiệp phụ nếu Rivaldo không bỏ lỡ quả phạt đền ở cuối trận.
Tuy vậy, bằng một quả 11m khác phút 99, siêu sao người Brazil đưa Barca dẫn 4-1 lượt về, trước khi Kluivert kết thúc một chiến thắng hoàn hảo cho đội nhà 5 phút sau. Chelsea trở về với thực tại sau hai tuần "trên mây".
Đáng chú ý, ăn mừng cùng Barca lần đó còn có trợ lý của HLV Van Gaal, người sau này chính đội bóng xứ Catalan nhớ mãi cho tới ngày hôm nay, Jose Mourinho.
"Người Đặc Biệt" (phải) thời còn làm trợ lý bên cạnh Van Gaal. |
Dấu ấn Mourinho trong cuộc chạm trán thứ ba
(Vòng hai Champions League mùa 2004/2005, lượt đi: Barca 2-1 Chelsea, lượt về: Chelsea 4-2 Barca)
Hai trận gặp nhau mùa trước hầu như ai cũng biết. Do quá hiểu Barca khi còn là trợ lý ở CLB này, Mourinho áp dụng chiến thuật thận trọng ở Nou Camp lượt đi và ông suýt thành công với bàn đá phản của Belletti phút 33. Nhưng kể từ lúc Maxi Lopez vào sân phút 64, hàng thủ 4 người của Chelsea lập tức bị rối loạn bởi phải đối phó với quá nhiều mũi tấn công nguy hiểm. Đích thân tiền đạo trẻ người Argentina dũng mãnh xâm nhập vòng cấm đối phương sút hạ thủ môn Petr Cech gỡ hòa 1-1 ở phút 67. Chỉ 6 phút sau, một cú sút khác do Maxi Lopez thực hiện xuyên chéo khu vực 16 m50 của Chelsea, vô tình biến thành đường chuyền thuận lợi cho Eto'o đang lao tới như tên bắn, ấn định tỷ số 2-1 trận lượt đi.
Chiến thắng của Barca khiến các nhà bình luận, giới chuyên môn và HLV tại châu Âu thán phục, vì Chelsea đương là đội bóng khó khuất phục nhất. Hầu hết đều nghĩ Barca với hàng công cực mạnh sẽ bảo vệ được thành quả trong lượt về, chỉ trừ một người, Jose Mourinho.
Mất Drogba, tiền đạo số một, do nhận thẻ đỏ lượt đi. Vắng Robben, cầu thủ chạy cánh không thể thay thế, do chấn thương. Mặc kệ. Nhà cầm quân gốc Bồ Đào Nha đưa vào sân 11 học trò, và ra lệnh xông lên khi đối thủ chưa kịp ổn định đội hình cũng như tâm lý, để ghi liền 3 bàn trong 19 phút đầu do công Gudjohnsen (8'), Lampard (17'), Duff (19'), bằng thứ "vũ khí" hết sức giản đơn: tận dụng tối đá mọi sai sót của hàng tiền vệ Barca và tung những cú chọc khe "chết người".
Ronaldinho gỡ lại hai bàn cho đội khách, nhưng quả đánh đầu ở phút 76 của John Terry đã kết thúc sớm cuộc phiêu lưu của thày trò HLV Rijkaard. Còn Mourinho thêm một lần lừng lẫy tiếng thơm.
Xen giữa hai lượt trận là cuộc tranh cãi có một không hai trong lịch sử khi Mourinho tố cáo Rijkaard "ăn giơ" với trọng tài Anders Frisk. Nhưng dù thế nào kết quả trên sân vẫn khẳng định đội xứng đáng đi tiếp là Chelsea.
Không phải nhờ tiền nhiều hơn, Chelsea vượt qua Barca năm ngoái bằng cái đầu của Mourinho. |
Các cặp đấu vòng 16 đội Champions League mùa này:
Chelsea - Barcelona
Real Madrid - Arsenal
Werder Bremen - Juventus
Bayern Munich - AC Milan
PSV Eindhoven - Lyon
Ajax - Inter Milan
Benfica - Liverpool
Rangers - Villarreal
(Lượt đi ngày 21 và 22/2/2006, lượt về ngày 7 và 8/3. Đội đứng trước phải đá lượt đi trên sân nhà)
(Theo VnExpress)