Sim thật, người mua … ảo!
“Xin chúc mừng ông Nguyễn Văn Thắng, số điện thoại 0903311143 là người đã trúng đấu giá số điện thoại 0919377777 với mức giá 200 triệu đồng!”, đêm 14/4, trong lúc người dẫn chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bình Thuận xướng lên tên của người chiến thắng trong cuộc mua đấu giá thì trong hậu trường ban tổ chức… vã mồ hôi hột. Nhân viên trực điện thoại xác minh địa chỉ người trúng đấu giá thì tên của ông Thắng đã “biến” thành ông Khải nào đó lạ hoắc. Mặc cho nhân viên điện thoại kiên nhẫn nhắc lại chi tiết cuộc gọi của ông Thắng và ý nghĩa của chương trình nhưng người đàn ông tên Khải vẫn khăng khăng “không thấy, không nghe, không biết” gì hết.
Một buổi đấu giá (hình mang tính minh họa). |
Cái sim số thứ hai: 0919466666 được bán với mức giá cuối cùng 170 triệu đồng, ban tổ chức cũng không tìm được ông giám đốc công ty TNHH tại TP HCM đăng ký mua, địa chỉ mà ông cung cấp cũng là địa chỉ “ma”.
Tình huống dở cười dở khóc trên đã xảy ra trong chương trình “Phan Thiết - Khúc tình ca”. Bà Lê Trinh, Giám đốc Công ty Babi, đơn vị phối hợp tổ chức cho biết Ban tổ chức đã rất cẩn thận kiểm tra địa chỉ của người trúng đấu giá trước khi nêu tên nhưng vẫn không … thoát. Mới đây (ngày 2/6), tỉnh Khánh Hoà tổ chức chương trình “Vì người nghèo” trong đó có bán đấu giá hai số điện thoại 0988797979 và 0983679999 của công ty Viettel. Hai khán giả trúng đấu giá đầu tiên sim số này (một sim 70 triệu đồng, một sim 62 triệu đồng), sau khi được xướng tên cũng đã “hô biến” không tìm ra tông tích.
Đùa cả với nỗi đau
Linh mục Phan Khắc Từ, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam TP HCM, kể chương trình “Chúng ta không vô cảm” hồi đầu năm 2005 bán đấu giá tác phẩm “Khát vọng” làm bằng đá rubi, trị giá khoảng 300 triệu đồng và 12 tác phẩm gốm phục chế đời Lý, Trần, Lê… Ban tổ chức cũng đã bức xúc trước một số người đấu giá xạo. “Nhiều người nói mua rất cao nhưng cuối chương trình thì lại từ chối mua những tác phẩm đã trúng đấu giá!”, linh mục cho biết.
Chương trình “Giai điệu tình thương” do Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam kết hợp với Đài truyền hình TP HCM tổ chức nhằm gây quỹ chăm lo cho người nghèo thành phố. Trong số vật bán đấu giá có một kỷ vật của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Minh Triết mà bí thư được tặng cách đây khá lâu. Ai cũng cảm động trước tấm lòng bí thư và hiện vật đáng trân trọng này. Một người tự xưng là lãnh đạo của một tỉnh miền Tây đấu giá qua điện thoại. Khi được công bố đã thắng đấu giá với giá 40 triệu đồng, ông này gọi điện thoại “cáo lỗi” vì việc đặt giá mua cao chỉ là trò cá cược với người hàng xóm và ông chỉ là một viên chức bình thường ở TP HCM.
“Rất nhiều người kém văn hóa đến mức xem làm từ thiện như một cách để tiếp thị tên tuổi của mình”, bà Lê Trinh nhận xét. Trong chương trình đấu giá sim điện thoại ở Bình Thuận, khi không tìm được chủ máy của số điện thoại 0903311143, ban tổ chức đã đề nghị một nhà hàng ở tỉnh này (trước đó bỏ giá để mua 172 triệu đồng, đứng ưu tiên thứ hai) mua thì bà chủ nhà hàng này cũng đã nói “không” chỉ vì thời điểm đó chương trình truyền hình đó đã… kết thúc.
Nắm kẻ có tóc…
“Nguyên nhân cũng là do cách tổ chức chưa chặt chẽ!”, ông Nguyễn Thái Bình, người đã từng tổ chức bán đấu giá cho Hội bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi nhận xét. Các chương trình bị “gãy” vừa qua đều rơi vào trường hợp người tham gia gọi điện thoại mà không đến trực tiếp. “Nếu mời họ đến tận nơi thì chắc chắn không thể đấu kiểu đùa giỡn được. chính họ phải có trách nhiệm với lời nói của họ khi tham gia đấu giá!”, ông Bình nói.
Chị Ái Liên, đại diện công ty Viettel, cho Tuổi Trẻ biết một kinh nghiệm, nếu giá tăng vọt từ vài triệu đồng lên hàng chục triệu đồng sẽ xác minh chắc chắn thông tin về người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, chị cũng thú nhận là biết vậy nhưng làm không xuể. Nhiều trường hợp đã ghi âm lại giọng nói nhưng khi liên hệ lại vẫn bị người đó “chối phăng”. “Cách tốt nhất vẫn là nên gửi thư mời trực tiếp những người có khả năng tham gia đấu giá đến tham gia trực tiếp. Chỉ có như vậy mới tránh được những trường hợp đấu giá kiểu đùa cợt như vừa qua!”, chị Liên nói.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng những chương trình bán đấu giá này được đầu tư công phu, nghiêm túc; đối tượng thụ hưởng chương trình là những số phận không may. Dù vì lý do nào, việc mua đấu giá xạo cũng làm ảnh hưởng đến kết quả mua bán, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho nhà tổ chức và chính những người bất hạnh. Các thông tin xạo còn làm công chúng giảm lòng tin, các cuộc bán lần sau sẽ khó khăn. Cần có biện pháp xử lý, chế tài để ngăn chặn, răn đe những kẻ “đùa” vô tâm như vậy.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên khoa Dân sự, Đại học Luật TP HCM: "Không công bố trước biện pháp chế tài là thua!".
Tôi cho rằng đây chỉ đơn thuần là việc mua bán: một người đem tài sản ra rao bán ở nơi đông người cho nhiều người cùng trả giá. Ai trả cao thì mua được, thế thôi! Với bán đấu giá, trước khi diễn ra, giữa người bán tải sản và người tham gia luôn có một ràng buộc nhau về mặt pháp lý và người tham gia đấu giá ít nhất cũng phải biết có bao nhiêu người cùng trả giá với mình. Nếu trước khi bắt đầu cuộc mặc cả, người bán không thông báo hình thức chế tài thì khi người mua "trở quẻ" không mua thì họ cũng chẳng bị xử lý gì. Có chăng là dư luận xã hội sẽ lên án họ khi đem sự đùa cợt của mình phô diễn trong một chương trình có mục đích. Luật sư Lê Công Định, trưởng văn phòng Luật sư YKVN: "Bên bán có thể kiện ra toà!". Muốn "xử" những trường hợp này, ngoài việc dựa vào chế tài trong nội quy đấu giá, còn có thể căn cứ vào cơ sở của từng thoả thuận để xem việc trả giá như vậy đã đáp ứng được yêu cầu của người mua hay chưa. Nếu bên bán chấp thuận đề nghị của bên mua rồi thì có thể coi hợp đồng mua bán đã có hiệu lực kể từ thời điểm này. Khi đó, nếu bên mua từ chối mua thì bên bán có thể kiện ra toà. Ở các nước, luật pháp không can thiệp quá sâu vào thủ tục bán đấu giá. Tất cả đều do tổ chức bán đấu giá quy định. Ở nước ngoài hiếm khi xảy ra những trường hợp tham gia đấu giá kiểu bỡn cợt vì nội quy đấu giá rất chặt chẽ. Người nào nói mua rồi sau đó nói không mua nữa thì có thể bị bên bán kiện ra toà hoặc họ làm đúng thoả thuận đem hàng đến giao rồi "siết" tài sản của người mua để trả tiền món hàng đó... |