Sau bài thể dục buổi sáng, từng đoàn học viên đồng phục tề chỉnh, xếp hàng vào lớp học, vác cuốc ra rẫy trồng điều hay vào xưởng may, xưởng mộc. Vào trường, không còn những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm” nữa, mọi sinh hoạt của học viên đều phải tuân theo thời biểu đã được định sẵn, không được sai lệch, không được có biểu hiện cá nhân.
![]() |
Học viên đã qua giai đoạn cắt cơn, chờ chuyển trường (TT Bình Triệu). |
|
Lặng lẽ có lẽ là một tính cách hiếm thấy nơi những con người đã một thời “quậy tưng” cả nhà cả xóm này, nhưng lại là nét thường gặp ở hầu hết các học viên trong trường cai nghiện. Hỏi gì trả lời nấy, mấy cô gái cứ cắm cúi xuống cái máy may, rổ hạt điều, thoáng cười nhẹ khi PV Tuổi Trẻ hỏi về cuộc sống tập thể.
“Đông người thì cũng thường xuyên cười nói, ca hát, đánh cầu lông, cũng có tivi, karaoke... nhưng ở đây đâu thể nào gọi là vui được. Mình làm mình chịu thôi”, một cô bé còn rất trẻ lạnh lùng đáp. Mấy cậu con trai ngẩng lên khỏi bàn máy buông một câu đùa: “Ngoài đời, mấy ngã tư còn đèn xanh đèn đỏ không chị?”. Không có tiếng cười nào sau câu đùa ấy cả, câu chuyện bỗng đi vào ngõ cụt. Ừ, cuộc sống ở đây làm sao mà vui được khi tứ phía đều là những tường rào, song sắt, bảo vệ canh gác, khám xét chặt chẽ mỗi khi ra vào.
Trên tường phòng sinh hoạt đội ở TT Nhị Xuân có một câu khẩu hiệu: “Xử lý đúng là tốt. Nhưng để không phải xử lý còn tốt hơn nhiều”. Một cô gái nằm sấp trên giường, bặm môi viết trong lúc những người khác giặt quần áo, lau nhà. Hỏi mãi, cô mới hé môi cho biết không phải mình viết thư về nhà mà là đang... chép phạt vì đã vi phạm kỷ luật. Hình thức chép phạt 20 lần một bản tự kiểm với một người mới học hết lớp 2 quả là nặng nề.
Các giáo dục viên cho biết họ phải mất nhiều thời gian suy nghĩ khi định ra hình thức xử lý kỷ luật với từng người khi có vi phạm. Để tất cả những người đã từng quan niệm “vui chơi bất cần thân thể” này luôn lễ phép “chào thầy, chào cô”, tự giác tuân theo một kỷ luật, lại là kỷ luật sắt, quả không hề đơn giản.
Đạt, một trong những học viên thuộc vào hàng “xịn” nhất của TT Nhị Xuân, học giỏi và không bao giờ vi phạm kỷ luật, tâm sự rằng nếu bây giờ được về nhà, em sẽ “lớn” hơn những người bạn cùng tuổi 20 với mình nhiều lắm. “Vì em đã biết được tới hai cuộc sống: một là phá hỏng những gì tốt đẹp, hai là làm lại từng chút từ số âm”. Đạt lại... “triết lý” tiếp: “Thật mà, em đã học được rất nhiều ở đây chứ không chỉ là cai nghiện. Nhưng... giá như đừng nghiện, đừng phải đi cai nghiện thì tốt hơn. Từ bé em mong ước trở thành kiến trúc sư, nhưng biết bao giờ mới được đến trường đây...”.
“Không để thời gian trống, không để học viên có thời gian suy nghĩ, mơ tưởng về ma túy...” đó là nguyên tắc ở tất cả các trường cai nghiện. Lịch học tập, sinh hoạt vì thế ken kín suốt ngày, suốt tuần. Hết giờ học, lao động thì đến sinh hoạt chung, tập thể thao, văn nghệ. Phòng giáo dục - tư vấn luôn bận rộn để soạn thảo các chương trình học tập cho học viên, liên kết với các trường để mở các khóa đào tạo liên tục.
Cao Chí Long có cái đầu đinh và đôi mắt rất lì, nhưng trong hơn ba năm cai nghiện tại Nhị Xuân đã lấy được bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ kỹ thuật viên tin học và chứng chỉ Aptech. Long bảo như vậy là còn thua xa cô em gái ở nhà vừa mới lấy bằng đại học ngành công nghệ thông tin. “Nhưng mà nếu ba năm rồi em không vào đây, không cai nghiện chắc giờ đã mắc bệnh AIDS, chắc vẫn còn mù tin học và vẫn cứ là một đứa đã bỏ học từ lớp 11”, Long nói rất thật lòng.
Ở các TT Đức Hạnh, Trọng Điểm, cánh tay của nhiều học viên vằn vện hình xăm trổ, có cánh tay vẫn còn rất rõ những u cục mang dấu kim tiêm. Những cánh tay như vậy đang gồng lên cầm cây bút viết từng chữ trong lớp học, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ trong xưởng thợ, hăm hở vác trên rẫy về bó mụt măng, rổ rau xanh, cắt gọt rửa từng cái lá bổ sung vào bữa ăn chiều...
“Có lúc tôi đã quên rằng để trồng được một cọng rau là khó biết bao”, Thanh - anh chàng vừa được bà ngoại thăm nuôi khi sáng - trầm ngâm bảo. Thanh đã có cả một tuổi thiếu niên sáng đi học, chiều phụ bà bán trái cây, rau quả ở chợ. Rồi Thanh làm quen với ma túy, đốt thành khói mỗi lần cả một gánh rau của bà...
Trong khuôn viên đội 3, TT Đức Hạnh có một câu lạc bộ mới được xây dựng bằng chính bàn tay của học viên. Mái lá, cột gỗ, từng không gian hình tròn, vuông, chữ nhật ngăn cách và nối nhau bằng những thảm cỏ, hình thức y như mấy quán cà phê sân vườn ở Sài Gòn.
Được trang bị tivi, đầu video, thực đơn giải khát dán trên bàn, CLB sẽ là chỗ giao lưu giữa các học viên nam nữ. Tối, cũng đèn màu nhấp nháy, nhạc, phim, từng nhóm rì rầm trò chuyện. Phải phấn đấu, phải đăng ký và chịu sự kiểm tra mới được đi giao lưu như vậy nên gương mặt ai cũng rạng vui.
Tính đến ngày 31/5, tổng số học viên đang cai nghiện tại 20 trường, trung tâm (thuộc Sở LĐ-TB & XH và Lực lượng TNXP TP HCM) là 31.300 người. Trong đó 15.500 người đã qua giai đoạn 1 (24 tháng tập trung bắt buộc).
Hiện có 6.208 học viên đang học văn hóa, 1.855 học viên đang theo học các nghề phổ thông. Trong đó có 6.229 học viên đã hoàn thành giai đoạn cai nghiện tập trung, đã có việc làm và thu nhập hằng tháng tại các trường và trung tâm... |
Tham dự một buổi sinh hoạt, thảo luận về giá trị sống ở đội 7, TT Nhị Xuân, câu hỏi “Hạnh phúc là gì?” được đưa ra thảo luận.
Giữa những thanh niên tuổi 20 mà những câu trả lời thu được thật đáng ngạc nhiên: hạnh phúc là khi ta sống vui vẻ, thanh thản; hạnh phúc là gia đình bình yên... Có một định nghĩa chưa đọc dứt câu đã khiến cả phòng ồ lên tán thưởng: hạnh phúc là được về nhà. Với những người đang nói chuyện đây thì còn hạnh phúc nào hơn thế nữa.
Họ kể về mình, những câu chuyện dễ đoán trước. Những buồn vui chợt đi, chợt đến của tuổi mới lớn; những rủ rê, mời gọi của bạn bè và thế là... đi. Đi thâu đêm suốt sáng, cứ về nhà là thấy buồn, là lại đi. Đến giờ thì... Niềm hãnh diện lớn nhất mà một học viên cai nghiện có thể khoe với khách lạ là: “Tôi mới được về phép”.
Để có được ba ngày phép về thăm nhà, các học viên phải đạt được vô số điều kiện: ở giai đoạn hậu cai, kết quả học tập, lao động tốt, chấp hành kỷ luật tốt... và còn phải vượt lên hàng chục người khác cũng tốt như thế. Anh em trong phòng, trong đội, các giáo dục viên trực tiếp quản lý phải bỏ phiếu kín để bầu chọn người xứng đáng được hưởng phép.
Sơn là một học viên rất nổi tiếng ở TT Nhị Xuân vì thành tích cai nghiện... quá nhiều lần và là học viên có “thâm niên” nhất: 55 tháng! Sơn nói chuyện rất hay: “Tất cả những gì chúng tôi nỗ lực ở đây là để được về nhà, lấy lại danh dự bản thân, niềm tin của gia đình. Vào trường rồi đứa nào cũng thấy thấm thía, biết mình được nhiều, mất nhiều. Hồi đó tôi đi cai nghiện mỗi lần vài tuần, mấy tháng, cảm giác thèm thuốc chưa kịp quên, mặc cảm chưa kịp mất nên... tái nghiện. Lần này ở đây mấy chục tháng đã quá sợ rồi. Cuộc sống tốt nhưng tự do thì mất, cơ hội làm lại cuộc đời, làm cho cha mẹ vui lòng một chút cũng mòn mỏi dần... Tôi thề rằng không bao giờ có lần cai nghiện sau nữa...”.
Sơn nói và tất cả cùng cười. Mấy anh giáo dục viên bảo một đặc điểm của những người nghiện ma túy là nói chuyện rất hay, rất ngọt ngào để đạt được mục đích, nhưng tôi tin rằng Sơn đã nói rất thật lòng.
Nguyện vọng của hầu hết học viên mà tôi tiếp xúc là: được hồi gia! Nguyện vọng thật chính đáng và rất thật như những bài học mà học viên cai nghiện đang ngày đêm “tụng, niệm”: lao động mới là cuộc sống; tự do mới là giá trị; hạnh phúc chính là về nhà...