Từ sáng sớm mù sương, cưỡi chiếc xe máy mới thuê của nhân viên bưu điện Mường Nhé (giá 200.000 đồng/ngày đắt gần gấp ba so với Sa Pa hay Đà Lạt) theo con đường công vụ dài gần 60 km, xuyên rừng từ Mường Nhé đi Tá Miếu nhiều đoạn đèo dốc và lầy lội, băng qua các bản người Hà Nhì: Chung Chải, Tả Cố Khừ (Sín Thầu), A Pa Chải... Vượt qua bốn con suối mùa khô nhưng nước ngập hơn nửa bánh xe. Nhiều đoạn từ Sín Thầu sang A Pa Chải, phải cầu cứu công nhân làm đường xúc ủi thông đường và thú vị nhất là cả nhóm cùng khiêng con ngựa sắt qua những cây cổ thụ to bằng hai vòng ôm án ngữ…
Trái với sự lo lắng của khách, những đoàn người phụ nữ Hà Nhì bản địa vẫn còng lưng gùi những bó củi to nặng nề nối nhau đi lầm lũi như trăm năm nay vẫn thế. Vành nón mây che sụp mặt và sắc phục lướt thướt, kham khổ của họ gợi nhớ những thước phim về một miền quê xứ nội Mông xa xăm… Người Hà Nhì phân công công việc cũng lạ: những gì có liên quan tới củi lửa đều do đàn bà đảm trách, kể cả gánh củi trên rừng về, còn đàn ông chỉ làm những việc “lớn lao” hơn, như: làm nương, săn bắt.
Cách Tá Miếu chừng 2 km, có cột mốc M3, đánh dấu biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều người đã lên cột mốc này. Nhưng cột mốc M0 là điểm mốc giữa Lào - Việt Nam - Trung Quốc mới là sự “thòm thèm” của nhiều người. Bởi họ từng đến đây ỉ ôi thuyết phục để được lên cột mốc M0 - điểm cực Tây mà chẳng đặng. Nhưng nhóm khách miền Nam đầu tiên may mắn nhận được cái gật đầu của đồn trưởng 317...
Sáng sớm, cơm nắm muối vừng và ít lương khô, nước uống được chuẩn bị, theo chân hai chiến sĩ biên phòng: Dương Mạnh Long và Ngô Văn Nghi "hành quân". Những ngọn đồi cỏ tranh cháy rụi, băng qua những đường mòn nối những dãy đồi trùng điệp, chốc chốc, từ những đỉnh đồi cao nhìn về thung lũng xa, bản Tá Miếu lạc chìm trong sương mù. Gió núi không đủ xua đi cái bức bối của mùi rễ tranh cháy từ chiều hôm trước.
Những hiểm nguy có thể gặp phải trong hành trình đó là: rừng còn nhiều thú dữ như heo rừng, gấu, cọp và đặc biệt, trong rừng già này còn là địa bàn hoạt động của phỉ, lục lâm thảo khấu. Những câu chuyện về dân biên giới đi miên man lạc rừng sang rừng nước bạn bị bắt giữ làm đoàn cẩn trọng hơn, phải tìm lần theo những đường ranh thuộc địa phận Việt Nam được “đánh dấu” bằng nhát dao chặt và vết sơn đỏ trên những thân cây.
Dùng bữa và dừng chân bên bờ suối có nhiều đàn trâu, bò nhởn nhơ gặm cỏ. Thấy bóng người, chúng lập tức chạy xô đến. Người dân ở đây nuôi trâu thả trên đồi, cứ mỗi tháng lùa về cho uống nước muối một lần để chúng nhớ bản mà về, không đi lạc sang biên giới. Ven khe suối, có nhiều dấu chân thú rừng. Mùa khô, suối cạn, nhưng nước trong, mát ngọt. Hương cây rừng và tiếng chim ríu rít, tiếng vượn hú dưới thung sâu, sự trong lành hoang dã ở đây làm cho những vết xước, đau cơ của vài người tạm lắng dịu...
Theo sống núi rậm, những dây leo chằng chịt. Đường biên Việt - Trung được chia theo lối phân thủy. Nước dội xuống sống núi, chảy về hai bên là thuộc hai quốc gia phân định rạch ròi. Một bước chân vô tình giẫm qua biên giới bạn đều có thể bị quy tội xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.
Đến xế chiều, ở đỉnh cao trên 1.800 m, bạt ngàn gió, cột mốc xây lát đá rực lên trên tán lá xanh. Hành trình một ngày vất vả chinh phục cực Tây, trước giờ phút sung sướng tột cùng ấy, có người quăng gậy ôm hôn cột mốc “thiêng liêng”, có người lùi ra xa chiêm ngắm, chụp ảnh, người nhảy mừng vui sướng nhưng không dám “dzô” hết chai rượu gạo Tá Miếu mang theo vì nghĩ đến đoạn đường xuống bản còn xùng xình.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)