Giao lưu qua net có thể giúp cân bằng đời sống tâm lý, đáp ứng phần nào nhu cầu thể hiện bản thân và sau khi lên mạng, nhiều người cảm thấy “rất ép-phê, vì đã tâm tình, kết bạn, giải stress một cách thoải mái”...
Nhờ “ông tơ” net, đã có không ít đôi lứa tìm được một nửa rất ưng ý và đi đến hôn nhân. Ngày 11/3 vừa qua là ngày cưới hạnh phúc của bạn A. ở Nha Trang với người quen qua mạng. A. sống khá khép kín, tình nguyện lên vùng Khánh Sơn dạy học. Có vẻ như tương lai không mấy sáng sủa, vậy mà A. đã bản lĩnh vượt qua khó khăn của cuộc sống và những định kiến từ sự chia ly của cha mẹ để cùng người ấy đưa tình yêu trên mạng của họ đến đích.
Bên cạnh kết thúc đáng trân trọng ấy, “nhịp cầu” này cũng có những mặt lệch lạc, dẫn đến hậu quả xấu. Người trên mạng thường không đúng như người thực nên nguy cơ gặp tình ảo thực dụng cũng dễ xảy ra. Sau 2 tháng chat với chàng sinh viên ở Vũng Tàu, một nữ nhân viên văn phòng “được” rủ ra Vũng Tàu dự tiệc sinh nhật, vì tiệc muộn nên phải nghỉ lại và sau một đêm thì... mất tất cả, chỉ còn ít tiền về xe. Nhân chuyện này, một chuyên viên tư vấn thổ lộ rằng khi lên mạng cũng... bị tấn công dữ lắm, nếu không làm tư vấn, không có một “bộ lọc” thì cũng khó phân biệt tình thật và tình giả. Ngay cả người đã lập gia đình cũng “vướng lưới”, có khi phải trả giá bằng danh dự và phẩm hạnh của mình.
Anh X. là một game thủ trung thành. Khi đi công tác xa, anh nhờ vợ chơi thay và... giới thiệu “bạn đồng môn ruột” kìm cặp giúp. Không hiểu được dẫn dắt thế nào mà vợ anh say game rồi... “say” cả người đồng hành chưa một lần gặp mặt, định bỏ tất cả để ra Hà Nội với người ảo trên mạng. Anh X. chỉ còn biết đấm ngực than trời chỉ vì mình mới ra cớ sự!
Người trên mạng thường "có vẻ" sâu sắc, bản lĩnh, khôn ngoan và đáng yêu hơn... người thật. Vì vậy, nhiều người cứ đắm chìm với net và cũng tự bốc mình thành một người rất hoàn hảo cho tương xứng. Chồng của chị U. mỗi tối làm việc trên vi tính 3-4 giờ liền. Khi cơ quan yêu cầu cập nhật kỹ năng thực hành vi tính, chị U. vào máy mới phát hiện anh có một cuộc tình. Theo lời chuyên viên tư vấn, chị không vội làm ầm ĩ và người chồng vẫn mải mê “làm việc” với “vi tính”. Một tối khuya, chị vừa khuấy cà phê mời chồng vừa nhẹ nhàng bảo: “Chúng mình cùng nói chuyện nhé!”... Anh U. hiểu chuyện gì xảy ra vội vàng phân bua và mở hết chat ra cho chị xem. Hóa ra, khi thì anh chỉ mới đôi mươi, khi thì đã nửa đời người chẳng khi nào thật như chính anh và “ký họa” tự sáng tác là một đấng mày râu tuyệt vời!
Trường hợp của chị B., bán buôn rất giỏi, có đến mấy cửa hàng; chồng làm nghề nhiếp ảnh, quay video. Ngại chồng vất vả, chị đề nghị anh ở nhà phụ giúp. Khá rảnh rỗi nên anh thường đi chơi đây đó rồi vào mạng. Hai con đã lớn nên chị cũng học sử dụng vi tính. Tình cờ biết nick của chồng, chị bí mật chat và cứ khen hết lời để rồi tá hỏa: Chồng chị tự nhận là người rất giỏi giang, một tay làm nên cửa nhà, tài sản ước hơn 5 tỷ (gấp 5 lần thực tế!). Chưa hết, “anh rất cô đơn vì có bà vợ xấu xí, hung dữ lại mắc bệnh hiểm nghèo, cần có một bạn nữ dịu dàng, biết chia sẻ, cảm thông...”.
Chị Y., nhân viên một trường mầm non, sau thời gian yêu qua net, thấy không thể thiếu nhau, chị và người ấy hẹn gặp ở một cây xăng. Theo dấu hiệu nhận mặt, chị thấy anh không như mình nghĩ và chỉ chừng thước rưỡi nên hoảng quá tắt điện thoại. Hai ngày sau chị mới dám liên lạc, dù trong lòng cũng buồn nhưng đành cáo bệnh xin lỗi và tạm biệt không hẹn ngày gặp lại.
(Theo Người Lao Động)