Khoảng 3h sáng, bãi rác Nam Sơn được "tháo khoán" cho dân vào nhặt rác. Đám đông vội nhảy xổ vào các đống rác to như núi. Thỉnh thoảng lại có tiếng rú lên vì nhặt được những thứ giá trị.
Chị Hoà có lẽ là người may mắn nhất trong đám "vơ bèo, vớt bọt" khi vớ được chú mèo nặng chừng 8 kg.
Chó, mèo chết là "mặt hàng" đắt giá nhất, ai cũng nhanh tay, nhanh mắt giành lấy khi xuống bãi đầu tiên. Tóm được một chú xem như ngày hôm đó trúng mánh.
Con mèo đen mà Hoà nhặt được chắc đã chết khoảng 5 tiếng nên bụng bắt đầu trương. Chị khẳng định là nói đã ăn phải chuột dính bả nên ngộ độc mà chết.
Các loại chó, mèo chết, vì bất cứ lý do gì, cũng được "hoá giá" đồng hạng 7.000-9.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ mặt hàng này là dọc đường 35, Phổ Yên - Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Theo lời dân bản địa, có 3 người đàn ông chuyên thu mua chó mèo. Họ mua về làm sạch đem đi bỏ lại cho các quán bán thịt.
Họ đang chờ bảo vệ tháo khoán mở cửa cho vào bãi. |
Chủ quán mua về pha với thịt tươi đem bán. Đó là cách lãi nhanh nhất. "Một đêm chỉ cần vớ được một con là "ấm". Nhiều lúc cũng băn khoăn, nhưng mình không lấy thì thằng khác cũng chộp. Hàng trăm nghìn chứ có ít đâu", một người nhặt rác gật gù góp chuyện.
Dân nhặt rác háo hức, xuýt xoa về vận may của anh Tùng, mấy ngày trước. Trong khi xử lý một túi rác lớn, anh khều được chiếc điện thoại di động Nokia 8310.
Cứ tưởng là đồ bỏ đi, nhưng khi vể kiểm tra lại, nó còn ngon lắm. Anh Tùng thử mang ra cửa hàng ngoài đường. Nào ngờ, chủ cửa hàng "ra giá" 800.000 đồng.
Vận đỏ cũng đến với chị Hồng. Chị vớ được một chiếc ví trong đó có 500.000 đồng cùng giấy tờ tuỳ thân khác. Số giấy tờ được chị ưu ái gửi trả còn tiền chị giữ coi như tự thưởng cho mình.
Còn việc nhặt 10.000, 20.000, 50.000 đồng nằm lẫn trong rác thì hôm nào cũng có người "trúng thưởng".
Giờ đây, dân bới rấc quanh vùng không chỉ trang bị bao tải. móc sắt mà còn cả những bộ đèn soi hiện đại. Không ít người "đi làm" trên những chiếc xe máy trị giá cả chục triệu đồng.
Hải, người xã Bắc Sơn, vỗ yên chiếc Wave cáu cạnh, tự hào nói: "Chị tậu được nó là nhờ vào những thứ bỏ đi của dân thành phố đấy. Mỗi ngày kiếm sơ sơ cũng được 40.000-60.000 đồng"
Người chờ tràn ra cả phía ngoài cổng của Trung tâm quản lý rác thải. |
Mấy năm trước, Hải làm nghề hàng xáo, chồng đi bới rác. Nào ngờ thu nhập chồng lại cao hơn nên Hải bỏ hẳn nghề và sắm dụng cụ ra nhập vào "làng rác".
Không biết tại sao, những người đi xe máy như Hải lại được vào trước người đi xe đạp đến 30 phút. Thời gian đó là vàng, bởi các thứ ngon ăn đã bị họ nẫng mất.
Nghiễm nhiên, những người này trở thành tầng lớp "chiếu trên" và thu nhập cũng khá hơn các "đồng nghiệp" khác (họ chỉ khoảng 30.000-40.000 đồng/buổi).
Với vai một người muốn "lập bãi", PV Tiếp Thị & Gia Đình, dò hỏi cách thức và thủ tục làm ăn, anh Nguyễn Trọng, chủ thu mua đã gần 10 năm, "đe" trước: "Muốn kiếm ăn ở đây, phải tuân teo "lệ làng". Nguyên tắc số một là không được phá giá, dù chỉ mua đắt hơn 100 đồng. Nếu vi phạm luật chơi thì "bán xới" mà đi. Trước đây, có chủ đã bị đốt trụi cả lán thu mua vì dám "vượt rào" rồi đấy!".
Để thu mua được nhiều hàng, các chủ đã phải cạnh tranh khốc liệt. Người cung cấp móc, đèn, người thỉnh thoảng phát bánh mỳ, người thì ứng tiền trước... cho thợ bới. Điều tất yếu khi bới xong, họ phải bán lại cho chủ thu mua. Hai bên thành lập một mối quan hệ ràng buộc nhau.
Trọng "chốt hạ" một câu: "Muốn mở bãi, phải nói qua với ông Dững, ông Minh thổ địa ở đây một tiếng. Hàng tháng cũng phải nộp một ít phí để "quân" được vào bãi, còn bản thân mình mới có hàng mà mua".
Thế nhưng, việc bán lại hàng phải qua các "cai". Họ sẽ là người phân phối những mặt hàng cho các cơ sở tái chế và hưởng hoa hồng. Có 3 ông chuyên cai giải quyết những xung đột ở bãi. Họ là những anh chị có máu mặt trong vùng.
Đối với vùng quê nghèo cách trung tâm Hà Nội 45 km này, nhặt rác là công việc hấp dẫn. Chỉ cần một thanh sắt mài nhọn uốn cong, một bộ đèn rọi trị giá 40.000 đồng là có thể kiếm tiền thoải mái.
Thế nhưng cái giá phải trả cho nghề này là không rẻ chút nào. Hầu hết những người bới rác có thâm niên 3 năm trở lên đều bị bệnh viêm xoang, viêm mũi... Ngày nào cũng tiếp xúc với mùi hôi thối nồng nặc đã làm hỏng khứu giác của họ.
"Mấy hôm đầu đi làm, tôi nôn thốc nôn tháo vì mùi hôi thối, về nhà không ăn được cơm. Thế nhưng mãi cũng quen. Bây giờ thì không còn cảm giác", chị Kha tâm sự.
Điều đáng sợ nhất đối với họ là bị thương. Hai tháng trước, lúc mải nhặt rác, một thanh niên đã dẫm phải chiếc đinh gỉ 10cm đâm xuyên qua đôi ủng bảo hộ. Một chân bị cắt bỏ là kết quả bi thảm của 8 năm trời nhặt rác.