Tại giải vô địch thế giới 2019, cũng là một trong những cuộc tuyển chọn cuối cùng cho Olympic, Thanh Tùng tập trung cao độ cho nội dung nhảy chống sở trường. Sau khi xuất sắc vượt qua vòng loạt để lọt vào chung kết dành cho 8 VĐV hay nhất, tuyển thủ đất Sài thành tiếp tục có một màn trình diễn có độ khó và chất lượng cao, đạt 14.633 điểm. Tuy chỉ đứng hạng 5 chung cuộc, niềm vui vỡ òa khi Tùng đoạt vé chính thức tới Olympic 2020.
Theo quy định, vinh dự này chỉ dành cho ba VĐV đứng đầu mỗi nội dung song Tùng được "đôn" lên vì cả nhóm ba VĐV giành huy chương đều giành vé từ trước. Như vậy, Tùng sớm gia nhập danh sách 98 VĐV nam hay nhất thế giới tranh tài ở kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản. Anh cũng mới là VĐV thứ hai của thể thao Việt Nam, sau kình ngư Huy Hoàng chinh phục được một suất tới Olympic, mà như giới chuyên môn đánh giá còn khó hơn cả đoạt HC vàng châu lục. Điểm số của Tùng tại giải vô địch thế giới thậm chí còn cao hơn cả điểm số từng giúp anh giành HC vàng châu Á cách đây hai năm.
Tấm vé chính thức tới Olympic này tiếp tục nối dài những chiến tích ngoạn mục liên tiếp, kết đọng cho cả hành trình 20 năm khổ luyện của cậu bé con nhà nghèo. Cái duyên TDDC đến với Tùng từ năm lên 4 tuổi, khi cậu thường theo anh trai, vốn là VÐV TDDC, đến nhà thi đấu. Khi đó, cậu bé sinh ra ở quận một, TP HCM rất thích thú và chủ động làm quen với các dụng cụ tập luyện. Dần dần, ban huấn luyện thấy Tùng nhanh nhẹn, khéo léo, nên nhận cậu vào tập lúc 5 tuổi.
Với năng khiếu bẩm sinh, sự cần cù, lại được các ông thầy giỏi chỉ dẫn tận tình, Tùng tiến bộ rất nhanh. Ba năm sau, Tùng có mặt trong danh sách đào tạo trọng điểm, được sang Trung Quốc tập huấn dài hạn. Sau chuyến tập huấn kéo dài 8 năm trên đất trên đất Trung Quốc, Tùng trở về và liên tiếp gặt hái thành tích cao nhất ở các giải trẻ trong nước lẫn quốc tế.
Năm 2013, trong lần đầu dự một giải đấu tầm cỡ quốc tế là Cup TDDC thế giới, Tùng đoạt ngay tấm HC bạc nội dung nhảy chống, một cột mốc quan trọng, mang tới nguồn động lực và sự tự tin lớn cho chàng trai 18 tuổi.
Tại SEA Games 2015, qua hai năm tích lũy và tăng tốc, anh chứng tỏ mình là một tài năng hàng đầu của TDDC Việt Nam khi đoạt hai HC vàng. Đến 2017, Tùng thật sự chạm đến đỉnh cao hiếm có, với tấm HC vàng ở Cup thế giới 2017, ba HC vàng SEA Games và đặc biệt là tấm HC vàng lịch sử tại giải vô địch châu Á.
2018 là một nốt trầm hiếm hoi với Tùng kể từ khi khởi nghiệp. Dù rất được kỳ vọng, thậm chí dự báo có thể tranh HC vàng ở nội dung "tủ" nhảy chống, song nhà đương kim vô địch châu Á thất bại đau đớn. Do chạy sai đà, có động tác giống nhau giữa hai lần nhảy, Tùng bị trừ điểm rất nặng, không lọt nổi vào chung kết. Sau thảm bại, Tùng quyết tâm trở lại trong chính năm tuổi của mình, với đích nhắm chính là lần đầu giành quyền dự tranh Olympic.
Mới 24 tuổi, Tùng có tới gần 20 năm khổ luyện trong 4 bức tường phòng tập, chiến đấu với các thiết bị dụng cụ lạnh lùng, với nguy cơ chấn thương đủ loại luôn thường trực. Động lực từ gia đình với ký ức tuổi thơ bên thùng bánh mì của mẹ và những cuốc xe ôm của bố giúp Tùng vươn lên. Luôn yêu thương ủng hộ con hết lòng nhưng bố mẹ Tùng phải bươn chải mưu sinh không có thời gian theo sát từng bước đi của con. Thật khó tin, bố mẹ mới chỉ có một lần đến theo dõi, cổ vũ con thi đấu khi giải vô địch quốc gia 2016 được tổ chức ngay tại TP HCM.
Giấc mơ Olympic của Tùng vừa trở thành hiện thực. Ngay phía trước, Tùng còn có cơ hội để đoạt những tấm HC vàng SEA Games 30, nơi đội tuyển TDDC nam Việt Nam nhiều lần chứng tỏ sự vượt trội.
Minh Thư