- Sau hơn 8 năm kết hôn, cuộc sống vợ chồng chị hiện ra sao?
- Người ta nói cuộc sống gia đình có hai mốc quan trọng: 5 năm và 10 năm. Đây chỉ là mẫu số chung, còn phụ thuộc vào mỗi hoàn cảnh thực tế khác nhau. Nhưng tôi tin nếu gia đình ở mốc 10 năm đạt được điểm an toàn, đó sẽ là một cuộc sống bình yên và bền lâu.
Vợ chồng tôi còn hai năm nữa. Ai cũng bảo tôi đang hạnh phúc nhất. Điều đó đúng chứ, nhưng ngoài hạnh phúc còn có nhiều chuyện khó giải thích. Vợ chồng mở mắt ra mỗi sáng là nhìn thấy nhau, cuộc sống chung không tránh khỏi nhiều vấn đề. Nhưng tôi và chồng quá khác về quan điểm sống, lại khó chia sẻ với nhau và nhiều lần không tìm được tiếng nói chung. Tôi lại thẳng tính, luôn mở lòng mong muốn chia sẻ nên cảm thấy chơi vơi, lạc lõng suốt nhiều năm qua. Có những cặp vợ chồng có thể cãi nhau mỗi ngày nhưng ăn đời ở kiếp với nhau. Ngược lại, những chuyện không tháo gỡ được lại đi vào bế tắc, gây rạn nứt hôn nhân.
- Chị lo sợ điều gì nhất trong hôn nhân của mình?
- Đó là cảm giác "bão hòa" trong hôn nhân. Lỗi một phần do tôi, khi ngay từ đầu chấp nhận một cuộc sống gia đình trôi đi trong bình yên. Suốt hơn 8 năm bên nhau, tôi cứ nghĩ đơn giản là đi đâu hai vợ chồng cũng gắn kết bên nhau, giúp giảm thiểu rủi ro sẽ gặp. Nhưng 24/24h dính vào nhau kể cả chuyện riêng lẫn chuyện công việc làm chúng tôi không còn thời gian dành cho mình. Mọi thứ dần nhàm chán, vợ chồng không còn gì riêng tư để háo hức chia sẻ cho nhau. Rồi tự nhiên tôi muốn thoát khỏi cái đó, nhưng không dễ dàng và việc đó gây khó chịu cho chồng của tôi.
Vấn đề này tôi nhận ra khoảng ba năm nay và đang cố gắng dung hòa, thay đổi trước cột mốc 10 năm. Quan điểm của tôi là dù chuyện gì xảy ra, vợ chồng cần trao đổi với nhau, chứ đừng để người ngoài biết trước. Suy cho cùng, hôn nhân có thể đổ vỡ nhưng mức độ thiệt hại thế nào là do người trong cuộc.
- Chị giải quyết các vấn đề trong hôn nhân thế nào?
- Gần đây, vợ chồng tôi nhiều lần trao đổi, bắt đầu thay đổi, cứu vãn cái chung nhưng không biết đối phương chịu đến đâu. Mọi sự thay đổi vẫn cần có khuôn khổ nhất định trong một mái ấm gia đình. Tuy nhiên, tôi nghĩ phải cứu lấy cảm xúc bản thân trước tiên. Bởi một khi hết cảm xúc, tôi sẽ phá nát hết. Ai cũng vậy, khi mình cảm thấy mệt mỏi quá mà người kia không chịu hiểu thì mình không quan tâm đâu.
Ngay cả tình huống xấu nhất xảy ra, tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận. Miễn là mỗi người đã ý thức và cố gắng để mọi thứ an yên nhất. Tôi sợ nhất khi một người bước ra khỏi cuộc sống ấy mà bước chân nặng trịch và người đằng sau không thở được vì ngột ngạt, mệt mỏi. Kết thúc một mối quan hệ, người đàn ông dễ tìm một bờ vai mới, nhưng phụ nữ có phần khó khăn hơn khi trái tim đã bị tổn thương. Nhìn nhiều cặp đôi đổ vỡ, tôi mong vợ chồng tôi sẽ may mắn vượt qua được.
- Vợ chồng chị chăm sóc con trai thế nào?
- Hầu hết thời gian chúng tôi đều dành cho con trai. Nhưng công việc của tôi, không ai hát thay được. Tôi từng bàn với gia đình, nếu không cần thiết thì một người nên ở nhà với con. Tôi có thể có một êkíp theo chăm sóc nhưng con trai thì chỉ có một trong hai vợ chồng tôi mà thôi. Nhưng ông xã lại luôn nghĩ phải bên cạnh vợ mọi lúc nên tôi đang cố gắng thuyết phục anh ấy.
Anh Tuấn