Sau thời gian sinh con gái, Lê Phương trở lại diễn xuất và liên tục xuất hiện trong ba phim: Xin chào hạnh phúc, Khúc mưa và Thương con cá rô đồng. Trong đó, Thương con cá rô đồng dài hơi nhất với vài tháng bấm máy ở Đồng Tháp và ngoại ô TP HCM. Một lần nữa, nữ diễn viên vào vai nghèo khổ, nhiều nước mắt. Bộ phim đang phát sóng trên VTV3, lúc 14h thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
- Tại sao chị chọn đóng phim dài tập ‘Thương con cá rô đồng’ sau thời gian nghỉ sinh con?
- Sau khi sinh bé Bông, tôi muốn trở lại phim ảnh với thần thái sắc sảo, sang trọng và hiện đại, để hình ảnh mình được khác đi và mới mẻ hơn. Thương con cá rô đồng không đáp ứng được mong muốn này. Tuy nhiên, bộ phim thuyết phục được tôi bởi đề tài gia đình, vai diễn chất lượng để tôi có thể tự tin "chào sân" khán giả sau hai năm ở ẩn. Lúc ngỏ lời mời tôi, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường nói tôi cứ suy nghĩ, nhưng khi nghe anh tóm tắt câu chuyện tôi nhận lời ngay. Tôi nghĩ những câu chuyện về tình thâm luôn hiển hiện đâu đó trong đời thường. Tôi tin khán giả sẽ dễ dàng đồng cảm và đón nhận bộ phim.
- Nhiều diễn viên phim truyền hình hay phải tốn kém tự sắm sửa quần áo, phụ kiện, đầu tư tạo hình của mình. Chị thì sao?
- Không riêng Thương con cá rô đồng mà hầu như phim nào tôi cũng tự lo phục trang. Tôi không nhớ đã chi bao nhiêu tiền cho khoản này, nhưng ước chừng tôi đã chuẩn bị khoảng 100 bộ đồ cho các giai đoạn của vai Thương trong Thương con cá rô đồng. Thường, cát-xê mỗi phim đủ tôi chi trả cho quần áo, xe cộ, ăn uống, không dư nhiều. Nhưng tôi tự thấy mức lương hiện tại của mình ổn, đủ cho tôi sống tử tế với nghề. Tôi chọn vai không phải vì chảnh, mà vì tôi không có sức làm nhiều. Nhận phim nào tôi tập trung làm thật tốt, không bon chen tham lam để rồi cái nào cũng nửa vời, mờ nhạt.
Thương con cá rô đồng có bối cảnh thập niên 1990. Tôi đã lên mạng tìm hiểu phong cách ăn mặc của người miền Tây vào thời điểm đó, rồi gửi hình ảnh cho đạo diễn xin ý kiến. Tôi may một ít đặc trưng, rồi cùng mẹ đến các chợ đồ cũ để lùng hàng bổ sung thêm, rồi tự giặt ủi, chụp lại gửi đạo diễn chọn lựa. Đó là một trong các công đoạn chuẩn bị cho vai diễn mà tôi thích nhất khi bắt đầu một vai diễn mới. Tôi thích cảm giác đi tìm quần áo phụ kiện cho nhân vật, lọc đường dây kịch bản, suy nghĩ cách thể hiện. Nhiều năm làm nghề, tôi có thói quen hễ đi chợ, ghé shop thấy ưng bộ nào là mua trữ để đó. Nhà tôi luôn có nhiều bộ đồ tôi chưa bao giờ mặc, nhưng cần cho công việc là kiểu nào tôi cũng có.
Với vai Thương, ban đầu tôi nghĩ nhân vật không cần nhiều quần áo vì cô ấy vốn tiết kiệm, tiền kiếm được đều dành dụm lo cho các em nên sẽ không sắm sửa, để ý đến bản thân. Tôi trao đổi với phục trang là không để Thương thay đồ quá nhiều vì như vậy sẽ không đúng với tính cách của nhân vật. Nhưng đạo diễn mong muốn vai Thương sau khi lên Sài Gòn đi làm có tiền, gây dựng được sự nghiệp thì nên cho cô ấy xinh đẹp hơn. Tôi thấy hợp lý và cũng nên để Thương mới mẻ hơn trong cảm nhận của khán giả nên đã đầu tư thêm khá nhiều trang phục. Cứ mỗi lần lên đoàn tôi tha một ít. Đến ngày phim đóng máy, tôi có thể mở shop quần áo được luôn! (cười)
- Bộ phim quay ở Đồng Tháp và ngoại thành TP HCM. Đi quay xa, dài ngày dưới thời tiết nắng nóng có gì khó khăn cho chị?
- Tôi là gái miền Tây nên đã quá quen với khí hậu dưới đó. Cái nắng, cái gió miền Tây không quá xa lạ với tôi. Có những ngày, lịch quay từ trên xuống phân đoạn nào cũng có vai Thương, tôi quay từ sớm đến khuya, không lúc nào được nghỉ. May mắn là sau hai năm trở lại, tôi chỉ mong muốn được làm việc nên cảm thấy điều đó thật dễ dàng. Tất nhiên, hôm nào quay quá nhiều cảnh xung đột, tâm lý nặng, tôi cũng mệt. Còn hôm nào chỉ có một vài cảnh quan trọng là tôi dư năng lượng, nhảy múa, vui đùa với cả đoàn.
Tôi nhớ có phân đoạn một nhóm giang hồ rượt đánh em trai của tôi, tôi chạy theo la hét kêu cứu. Cảnh đó được quay đúng 12h giữa trưa nắng, bối cảnh lại không có bóng mát. Quay đi quay lại mấy lượt, một bạn diễn viên nam trẻ bị sốc nhiệt, mặt mày tái xanh, thở dốc, ói, phải vào trạm xá nằm. Trong khi tôi đã sinh hai bé, các bạn ấy chạy bao nhiêu, tôi cũng chạy bấy nhiêu mà vẫn tỉnh bơ. Cả đoàn phải công nhận tôi khỏe thiệt sự! (cười)
- Bí quyết nào để chị giữ được sức khỏe, sức bền như vậy?
- Tôi không có bí quyết gì đâu, chỉ đơn giản là phải biết chia sức cho công việc. Mỗi ngày, tôi xem lịch của mình có những phân đoạn nào để biết nên dồn sức cho cảnh nào. Hôm nào có phân đoạn quan trọng, tôi tập trung học thoại, không đùa giỡn, tranh thủ nghỉ ngơi giữa các phân đoạn không có mình. Cảnh nào cần thần thái mệt mỏi tôi xin quay cuối cùng để thể trạng đúng với nhân vật. Tôi rất sợ bị cảm hoặc khan tiếng, mất giọng vì phim thu tiếng trực tiếp nên luôn ý thức giữ gìn sức khoẻ. Được nghỉ sớm, tôi về khách sạn nghỉ ngơi ngay. Những ngày quay nặng, tôi ăn sáng đầy đủ, ăn thêm tinh bột, trái cây để có năng lượng mà cơ thể không bị nặng nề. May mắn, tôi có mẹ đi theo suốt hành trình, ăn uống ngủ nghỉ có người chăm lo.
- Trailer phim hé lộ vai diễn của chị nhiều bi kịch, có nhiều cảnh khóc, xô xát, bị đánh. Những điều này ảnh hưởng thế nào đến tinh thần và thể lực của chị?
- Các giai đoạn của vai Thương gần như luôn có xung đột và bi kịch. Có những trường hợp tôi chưa từng trải qua trong đời thực. Sau Gạo nếp gạo tẻ, đây chính xác là một vai diễn khó, vừa phức tạp về tâm lý vừa đòi hỏi sức khoẻ cho những cảnh quay xô xát, gào thét. Có những ngày, tôi không nói nổi vì khóc và la hét quá nhiều. Mỗi cảnh va chạm để lại một vài vết thương.
Chẳng hạn như cảnh bị đòi nợ, tôi bị hai bạn diễn nam đè xuống, giữ chặt chân tay, bóp cổ, kéo lê. Chân tay tôi trầy xước, đầu tóc, quần áo bê bết sình đất, miệng thì đầy cát. Quay xong cảnh đó, tôi phải tẩy trang, tắm gội rồi hoá trang lại từ đầu. Có hôm, tôi nằm xuống là không nhấc người lên nổi. Mỗi lần tắm, tôi lại thấy đau rát ở đâu đó. Nhưng tôi cảm thấy những điều đó xứng đáng để có được một vai diễn sinh động. Hôm nào đi quay về mà người nhẹ tênh tôi lại lăn tăn.
Tôi cho rằng trên trường quay mình làm 10 phần thì lên phim còn được 8-9 phần. Nếu mình làm 8-9 phần, lên phim chỉ còn 6-7 phần thôi. Nhiều khi đạo diễn đã cho qua cảnh nhưng bản thân thấy chưa đã, tôi xin được làm lại. Có lúc tôi cũng thấy ngại vì mình làm phiền mọi người nhưng tôi nghĩ nếu mình không cố gắng hết sức thì sau này ngồi xem phim sẽ hối tiếc lắm. Vậy nên mỗi khi đạo diễn muốn quay thêm hoặc cần diễn kiểu khác, tôi không ngại và rất hào hứng. Tôi rất biết ơn khi đạo diễn luôn nghiêm khắc và đòi hỏi cao với vai diễn của tôi.
- Nhìn chị trầy trật vì vai diễn như vậy, ông xã và con trai nói thế nào?
- Anh Kiên thật sự không thích tôi đóng vai nghèo khổ nữa, anh thấy tôi khóc nhiều và hay mệt mỏi mỗi khi đi làm về. Anh nói tôi tìm vai giàu, vai hài để mọi thứ tươi tắn hơn vì "Em khóc bấy nhiêu đủ rồi!". Con trai Cà Pháo thương mẹ lắm. Cô giáo nói với tôi là con rất sợ mẹ buồn. Con đang tuổi lớn nên tôi cũng tranh thủ gần gũi con nhiều hơn. Những ngày cuối tuần đoàn phim lên lịch quay dàn diễn viên nhí, tôi hay đưa con đến phim trường. Tôi muốn con vừa được vui chơi, tuổi thơ có thêm những trải nghiệm thú vị; vừa có thêm bạn mới, hiểu được công việc của mẹ. Tôi muốn con thấy ba mẹ vất vả lao động để con biết quý trọng cuộc sống no đủ mình đang có.
Phong Kiều thực hiện