![]() |
Chiếc nhẫn bị đập méo đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ vợ chồng. Ảnh: China Daily. |
Nghi lễ ly hôn ra đời cách đây khoảng một năm do cựu doanh nhân Hiroki Terai khởi xướng. Người đàn ông này đã dành hẳn một ngôi nhà lớn ở Tokyo để phục vụ lễ trên. Từ sau đó, có khoảng 25 cặp vợ chồng đã tổ chức một buổi lễ với tất cả sự trang trọng và hoành tráng giống như khi cưới để đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ gắn bó bấy lâu. Nghi lễ này sẽ diễn ra trước khi hai người đệ đơn xin ly dị. Để tổ chức buổi kỷ niệm ngày kết thúc cuộc sống vợ chồng tại ngôi nhà ly hôn, mỗi cặp đôi phải trả khoảng 600 USD.
Anh Fujii, doanh nhân 33 tuổi, và vợ là cặp đôi mới nhất vừa tổ chức lễ này. Họ gặp nhau ở gần ngôi đền Sensoji thuộc khu vực Asakusa truyền thống của Tokyo rồi sau đó mỗi người ngồi trên một chiếc xe kéo tới ngôi nhà đặc biệt trên. Bạn bè và người thân của vợ chồng anh đi bộ theo hai chiếc xe tới dự lễ. Anh Fujii và vợ sẽ dùng búa đập nát chiếc nhẫn cưới như để chấm dứt sự ràng buộc hôn nhân. Trên đầu chiếc búa có gắn một chú ếch. Trong văn hóa của người Nhật, ếch là biểu tượng của sự thay đổi. Doanh nhân 33 tuổi trên cho biết: "Bằng việc đặt dấu chấm hết cho cuộc sống vợ chồng, chúng tôi muốn tạo ra sự khởi đầu thật vui vẻ và mang tới cho nhau cảm giác mới mẻ.
Khi tôi và vợ cùng đập nhẫn cưới, tôi cảm thấy mọi thứ đã chấm dứt thực sự, trái tim và tâm hồn tôi như được làm mới lại. Bây giờ thì tôi có thể có một cuộc sống mới và bắt đầu lại từ đầu".
Người đàn ông này chia sẻ, anh cảm thấy có trách nhiệm vì đã khiến cuộc hôn nhân đổ vỡ. Anh đã dành quá nhiều thời gian cho công việc, thường xuyên phải xa nhà và tiêu xài hoang phí vào những thú vui như ôtô mà không quan tâm tới vợ. Sau tám năm chung sống, giờ quyết định chia tay với chồng, vợ anh Fujii cũng không khỏi bùi ngùi. "Lúc nhìn thấy chiếc nhẫn bị đập méo đi, tôi đã tự nói với bản thân mình vâng, điều này khiến tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm", người phụ nữ ấy tâm sự.
Theo China Daily, ông Terai được xem là người đầu tiên có sáng kiến tổ chức nghi lễ ly hôn ở Nhật. Sau lần chứng kiến một người bạn đau khổ vì hôn nhân tan vỡ, ông đã có ý tưởng trên nhằm giúp các cặp đôi thấy nhẹ nhõm hơn trước quyết định chia tay của mình. Ly hôn đang có chiều hướng gia tăng ở xứ Phù Tang. Năm 2008, có khoảng 251.000 cặp vợ chồng không còn chung sống. Một phần trong số này rời xa nhau do kinh tế khó khăn khiến họ không thể duy trì sự lãng mạn.
Bình Minh