|
Lễ bế mạc SEA Games 23. |
Nguyên nhân chỉ vì có những đặc quyền mang tính gia đình mà ngay từ thuở ban sơ, những nhà tiên phong của tổ chức có tên Hội đồng SEA Games đã cho phép và sau nhiều năm vẫn không thay đổi.
Nhiều người chưa quên khi SEA Games tổ chức ở Indonesia, quê hương của môn pencak silat thì số bộ huy chương dành cho môn võ đặc trưng này rất nhiều. Đến khi Malaysia là chủ nhà, môn cầu mây - sản phẩm từ thế kỷ 14 của họ lại được ưu ái.
Khi đến Thái Lan, món võ Muay Thai lại “lên hương” và ở Philippines như năm 1989 và năm nay, môn võ gậy lại là thành phần của võ hội khu vực…
Cứ thế, những ưu tiên loại này còn kèm theo đặc quyền khác, chẳng hạn nội dung nào của các môn Olympic mà chủ nhà yếu thế, cự ly ở nội dung chạy, kể cả những đơn môn trong các nội dung bắn súng, bơi lội, TDDC… đều được chỉnh sửa theo ý chủ nhà.
Việc chỉnh sửa này đến nỗi có người đã đem câu chuyện vui "Cò và cáo mời nhau ăn cỗ" ra để mô tả cách vơ vét huy chương của cuộc chơi của vùng trũng này.
Chưa hết, những cuộc chơi trong khuôn khổ của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thường có quy định về số lượng và chất lượng trọng tài. Trong đó, các liên đoàn thể thao quốc tế có thực quyền ở việc mời và phân công trọng tài. Trái lại, tại các SEA Games, mọi sự đều do nước chủ nhà lo hết cho nên có biết bao trái khoáy đã diễn ra.
Kỳ SEA Games nào cũng tồn tại những kiện tụng không bao giờ thắng lợi của khách trước chủ nhà, và rồi người ta buộc phải chấp nhận thực tế này như một luật chơi mang tính khu vực. Năm nay anh kiện ở đây thì năm sau tôi lại kiện anh, cứ thế, cái vòng quay SEA Games không trừ một ai, nó lần lượt ban phát danh hiệu cho kẻ mạnh vì chỉ kẻ mạnh mới đủ sức tổ chức một kỳ SEA Games. Chỉ trừ một Brunei quá giàu có đã một lần thử lửa, còn những nước luôn đứng cuối bảng tổng sắp như Lào, Campuchia, nhất là Đông Timor, coi như không bao giờ ngóc lên nổi.
Lịch sử SEA Games đã để lại một lệ làng như thế, và đã ăn sâu trong tiềm thức của tất cả. Chính điều này đã khiến một số quốc gia bắt đầu tỏ ra không mấy mặn mà với SEA Games. Rõ nhất là Thái Lan, vì có tiềm lực mạnh nên họ đã hướng tầm mắt vào những cuộc chơi mang đẳng cấp châu lục, song với những quốc gia chưa có tiềm lực như vậy, làm sao bây giờ?
“Olympic hóa” Sea Games, tại sao không? Đi tiên phong trong lối suy nghĩ này, đã có cây bút nêu chính kiến, hãy làm lại từ đầu, hãy dũng cảm để “Olympic hoá” sân chơi SEA Games rồi đi theo con đường lớn. Bởi lẽ chỉ có thế, Đông Nam Á mới nhanh chóng tiếp cận những thành tích cao hơn ở đấu trường châu lục và thế giới, như chính tuyên ngôn ban đầu của phong trào SEA Games.
Còn nếu không, hãy tổ chức SEA Games như những festival văn hoá thể thao. Ở đấy sẽ có những giai điệu và vũ điệu đẹp của Đông Nam Á, kết hợp với những cuộc thi đấu mang tính thượng võ và đặc trưng cho văn hoá thể chất của những người dân mang trong mình dòng máu của các thổ dân Malayo Pilinesien khi xưa. Bên cạnh đó sẽ thiết lập lại một hệ thống thi đấu mang đúng tinh thần Olympic.
Và đến lượt mình, việc trải qua các thời kỳ đi tắt đón đầu và đi bằng hai chân (những môn chơi khu vực xen kẽ các môn Olympic) rồi vững vàng và có trọng tâm với nội dung Olympic đã khẳng định cách làm đúng của chúng ta. Nếu không, khi đã trưởng thành và có vị thế mới, TTVN có thể theo cái cách của người Thái Lan và tiến ra khỏi vùng trũng bằng những đạo quân tinh nhuệ hơn so với cách làm đại trà hôm nay. Không quên bạn bè khu vực nhưng chẳng vì thế mà tự cầm tù trong các môn thi không còn phổ biến, đó là cách suy nghĩ đúng đắn, bởi những con sông lớn đều phải đổ ra biển cả.
(Theo Tiền Phong)