Ở Việt Nam, loại cây này có tên phổ biến là tam giác mạch nhưng tên thường gọi ở Hàn Quốc lại là kiều mạch. Lễ hội hoa kiều mạch được tổ chức tại xã Bongpyeong, huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon từ ngày 4 đến 3/9. Trong khuôn khổ lễ hội, có các hoạt động văn nghệ, đọc thơ, đọc và bình luận tiểu thuyết, xem phim…
Hạt của cây kiều mạch có hình tam giác rất mát, tốt cho tiêu hóa, bài tiết. Người Hàn Quốc rất thích ăn mỳ làm từ bột kiều mạch. Không chỉ thế, hoa kiều mạch còn là loài hoa được nhắc đến nhiều trong văn chương Hàn Quốc, biểu tượng cho làng quê thành bình, thời thơ ấu gắn với đồng ruộng, nông thôn trong sáng, thơ ngây.
Tiêu biểu có tiểu thuyết “Khi hoa kiều mạch nở” của nhà văn Lee Hyo-seok, tác giả được nhớ đến với những bông hoa kiều mạch. Đây chính là tác phẩm tiểu thuyết đã đẩy văn học Hàn Quốc lên một tầm cao mới mà cho đến nay, tại địa điểm được đề cập đến trong tiểu thuyết, hàng năm người ta vẫn tổ chức nhiều liên hoan, lễ hội.
Bên cạnh sự phong phú về từ vựng, tiểu thuyết còn chứa đựng những câu văn được đánh giá là lời hay ý đẹp nhất của lịch sử văn học Hàn Quốc.
Chẳng hạn như con đường từ vùng Bongpyeong đến Daehwa dài 112 km đã được miêu tả rất thơ mộng: “Cất bước đi bên sườn núi lúc này, hơi thở của mặt trăng nghe như hơi thở của thú rừng, tưởng chừng có thể nắm lấy được trong tay. Dưới ánh trăng, những lá đậu, lá ngô càng thêm đượm xanh và còn kia là vườn hoa kiều mạch đang phủ khắp cả sườn núi. Những bông hoa bắt đầu hé nở dưới trăng nhìn như muối rắc khắp nơi, đem đến một cảnh đẹp thực cuốn hút lòng người.”
Cách đi: Xuất phát từ Seoul đi bến xe phía Đông đón xe đi Jangpyeong, hành trình mất 2 giờ 30 phút. Bắt xe buýt đến Bongpyeong và điểm cuối cùng là Nhà văn hóa Lee Hyo Seok.
Theo Thông tin Hàn Quốc