Trong Lấy danh nghĩa người nhà, Tiêm Tiêm, Lăng Tiêu và Tử Thu là ba anh em không cùng huyết thống nhưng lớn lên bên nhau dưới sự nuôi dưỡng của hai người cha. Sau 11 năm vô ưu vô lo, ba người đối diện cảnh chia xa - một điều mà xưa giờ với họ là một viễn cảnh khó lòng xuất hiện. Thương bố Lý cực khổ kiếm tiền nuôi mình ăn học, Tử Thu chấp nhận theo bố ruột sang Anh. Còn Lăng Tiêu cũng đành gạt bỏ mâu thuẫn với mẹ ruột, sang Singapore để chăm sóc bà sau tai nạn. Chín năm Lăng Tiêu và Tử Thu đi xa, ba anh em không một lần gặp mặt, để rồi tới ngày tương phùng, giữa họ là khoảng trống xa lạ.
Ngày bé, người ta hay tưởng rằng tuổi 18 là đã lớn lắm rồi, hay mộng tưởng mình sẽ trở thành người này, sẽ làm những việc kia khi chạm ngưỡng 18. Tới khi 18 thật hoặc đã đi qua dấu mốc thành niên này, nhiều người mới vỡ lẽ 18 tuổi, mình hẵng còn non nớt lắm. Ở tuổi 18, trong khi số đông bạn bè chỉ trăn trở chuyện ôn thi, chọn trường, thì Tử Thu và Lăng Tiêu phải đối mặt thêm một lựa chọn đầy áp lực: ở lại bên những người không cùng máu mủ nhưng thương yêu mình hay trở về bên người ruột thịt nhưng cách biệt về tâm hồn. Với cả hai, đây là một gánh nặng, một chiếc áo quá rộng mà họ bất đắc dĩ phải khoác lên mình.
Thực tế với nhiều gia đình, việc con cái lên thành phố lớn học tập hay ra nước ngoài du học là chuyện rất bình thường. Học xong, những đứa con có thể trở về bên bố mẹ hoặc không, nhưng giữa họ luôn có sợi dây máu mủ ruột rà kết nối và ràng buộc. Gia đình của Tiêm Tiêm, Lăng Tiêu và Tử Thu thì khác. Họ vốn dĩ chỉ là người nhà trên danh nghĩa. Có lẽ, cả ba anh em và hai người bố đều lo sợ một khi Tử Thu và Lăng Tiêu rời đi, kết nối giữa họ sẽ phai nhạt dần. Dù thương như ruột thịt, bố Lý và Tiêm Tiêm cũng chẳng thể đòi hỏi Tử Thu hay Lăng Tiêu suốt đời suốt kiếp phải là người một nhà với mình. Trong lòng mỗi người ắt có nỗi ngại ngùng riêng.
Khi Lăng Tiêu và Tử Thu mới chuyển đi, ba anh em vẫn giữ liên lạc. Nhưng theo thời gian, những cuộc gọi, tin nhắn vơi dần rồi đến một ngày, chúng chỉ còn là một hình thức thăm hỏi xã giao vào mỗi dịp lễ, Tết, sinh nhật. Không còn vui đùa như xưa, những dòng tin nhắn viết rồi xóa, viết rồi xóa và sau cùng chỉ quẩn quanh những câu nói đơn điệu "Ăn cơm chưa?", "Giữ sức khỏe"... Dường như, cả ba người không muốn gây áp lực cho người kia và cũng là để giúp mình lảng tránh nỗi buồn chia ly.
Đúng như lời tự sự của Tiêm Tiêm, ba anh em giống như ba tinh cầu độc lập, bận rộn và bôn ba với cuộc đời riêng. Họ đã bỏ lỡ một khoảng dù không quá lớn của quãng đời đôi mươi bên nhau nhưng đủ khiến cả ba không còn bắt kịp cảm xúc, sở thích, nhu cầu của nhau nữa. Từng có những năm tháng tưởng như không gì không thể bộc bạch, ba nhân vật chính của Lấy danh nghĩa người nhà tới khoảnh khắc trùng phùng bỗng chốc rơi vào cảm giác khách sáo, gượng gạo, ngồi bên nhau không biết phải nói gì.
Môi trường sống và những biến cố, trải nghiệm trong chín năm qua càng làm cá tính của ba người thay đổi. Từ một cô bé lí lắc, vụng về, đi một bước có bố theo cùng, làm việc gì cũng có hai anh "hộ vệ", Tiêm Tiêm sau ngã rẽ ly biệt đã trở thành cô gái trầm lắng và đơn độc. Tử Thu lại giống như mắc kẹt ở quá khứ, vẫn hành xử như một cậu nhóc 17. Lăng Tiêu thì vốn đã già trước tuổi, càng thêm chững chạc và vẫn quen giấu cảm xúc thật trong lòng. Dung hòa tính cách với nhau ở hiện tại, tìm lại sự thân mật của thuở xưa là điều ba anh em đều khao khát nhưng loay hoay không biết làm thế nào.
Đối với câu chuyện của Tiêm Tiêm, Tử Thu và Lăng Tiêu, nói rằng vì trưởng thành nên phải lựa chọn và chia ly hay vì chia ly và lựa chọn mà buộc phải trưởng thành sớm đều có lý lẽ riêng.
Phong Kiều