- Từ đâu mà anh thích chơi bản thảo?
![]() |
Họa sĩ Lê Thiết Cương. |
- Đó là năm 1986, lúc ấy tôi mới hơn 20 tuổi nhưng đã quen với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Một lần nhà thơ Trần Dần đến thăm nhà ông Đặng Đình Hưng (bố của NSND Đặng Thái Sơn) nhưng không gặp, ông ấy có viết mấy chữ để lại “Hôm nay, gậy (Trần Dần) đến thăm ổi (Đặng Đình Hưng) nhưng không gặp...”, rồi qua nhà tôi. Tôi thấy nét chữ của ông Trần Dần rất lạ, không hẳn đẹp nhưng mang tinh thần hội họa và tôi đã giữ lại cho đến ngày nay. Bạn bè là nhà văn vẫn thường tặng tôi những bản thảo của họ và tôi cũng thường tặng lại bạn bè những bức phác thảo tranh của mình.
- Và bức tranh đầu tiên của anh lấy cảm hứng từ bản thảo tác phẩm văn học như thế nào?
- Chỉ cách đây một năm, khi nhà văn Nguyễn Việt Hà nhờ tôi làm design cho cuốn tiểu thuyết Khải huyền muộn của anh. Tôi đọc bản thảo và cảm nhận nó giống như lớp lớp các văn bản chồng chéo lên nhau. Tôi đã vẽ bìa cho cuốn sách đúng như những gì mình cảm nhận và từ đó vẽ bức tranh bản thảo đầu tiên. Bản thảo là cái mà bạn đọc không được nhìn thấy, nó bị gạch chéo, tẩy xóa, sửa chữa rất nhiều lần. Ở góc độ nào đó, bản thảo cũng giống với tác phẩm hội họa vì nó là độc bản. Cũng từ đây tôi nhen nhóm ý định mở triển lãm về bản thảo.
- Vậy sao anh không trưng bày hết số bản thảo mình có được mà chỉ là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà?
- Bản thảo là cuộc trưng bày của những người bạn. Tôi cũng chỉ chọn ngẫu hứng một số trang bản thảo trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa và Tuổi hai mươi yêu dấu chứ không phải toàn bộ tác phẩm. Tôi có nhiều bản thảo hay nhưng có lẽ phải đợi đến dịp khác mới chia sẻ với mọi người.
- Tại sao lại là hai cuốn đó?
- Cơ hội của chúa là tiểu thuyết đã đưa tên tuổi của Nguyễn Việt Hà đến với đông đảo công chúng. Độc giả đã biết nhiều về tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp nhưng chưa ai đọc Tuổi hai mươi yêu dấu và tác phẩm này đã được in ở Pháp. Bản thảo của Tuổi hai mươi yêu dấu rất gần với hội họa và tôi nghĩ nhiều độc giả muốn đọc tác phẩm này.
- Còn những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan có mối quan hệ thế nào với những trang bản thảo?
- Cũng giống như công việc của nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn có một tấm ảnh đẹp cũng phải chụp rất nhiều, sau đó mới chọn ra cái đẹp nhất. Lần này chúng tôi không đưa ra ảnh hoàn thiện mà ảnh ở dạng âm bản.
(Theo Người Lao Động)