![]() |
Trong phòng vô trùng, cán bộ y tế không đeo găng tay. |
Hơn 90% số bàn tay của nhân viên y tế có chứa hơn 200 nghìn con vi khuẩn. Bàn tay của một hộ lý thường xuyên tiếp xúc với dịch tiết, bệnh phẩm chứa nhiều vi khuẩn nhất, tiếp đến là tay của bác sĩ, nhân viên điều dưỡng... Đó là kết quả điều tra của Bệnh viện Chợ Rẫy - TP HCM đối với 77 bàn tay của nhân viên y tế.
Bà Trần Thanh Hiền, cán bộ hưu trí đến châm cứu tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi, TP HCM, là một trong những nạn nhân của đôi bàn tay "bẩn" các nhân viên y tế. Bà kể: "Cách đây khoảng nửa tháng, tôi bị một số lông mi trên mi mắt trái mọc đâm ngược vào bên trong rất khó chịu. Tôi đến khám tại phòng khám mắt thì thấy bác sĩ (BS) dùng tay (không đeo găng) lật mí mắt tôi lên, soi đèn và xem xét một chút. Sau đó BS thực hiện nhổ bỏ một số sợi lông mi mọc ngược rồi kê đơn thuốc... Một ngày sau chưa thấy bệnh giảm mà mắt còn bị sưng tấy, khó chịu hơn. Tôi lại đến khám ở phòng khám tư gần nhà thì được biết mình không chỉ bị "lông mi quặm" như chẩn đoán của vị BS ở BV mà còn bị đau mắt đỏ. Tôi nghi chính cái tay của ông BS khám cho tôi hôm ấy đã là nguồn lây bệnh mới vì trong suốt thời gian khám bệnh tại phòng khám cho từ 3-5 người, tôi chẳng thấy BS rửa tay hay thực hiện sát trùng tay gì cả".
Bệnh viện Nhi TW trong những ngày này đang quá tải bệnh nhân. Do thời tiết giao mùa, các bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp gia tăng đặc biệt. Các phòng khám của BV chật cứng bệnh nhân. Các BS ngồi tại phòng khám không đội mũ, không khẩu trang và không găng tay khám cho hàng chục cháu trong một buổi sáng. Bàn tay của BS sờ nắn trên người bệnh nhân này rồi bệnh nhân khác. Cứ như thế mà không hề rửa tay. Ai dám chắc những đứa trẻ đến đây khám bệnh có thể lại không mắc thêm bệnh mới.
![]() |
Y tá đang tiêm cho bệnh nhân cũng không đeo găng tay. |
Theo Lao Động, tại phòng khám cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, những người bệnh máu me bê bết do tai nạn giao thông được đưa đến. Những thầy thuốc trong ca trực ấy thăm khám cho bệnh nhân rất nhanh và đưa ra những quyết định kịp thời như mổ cấp cứu, hồi sức... Bệnh nhân này vừa ra, bệnh nhân khác lại tới và bàn tay người thầy thuốc không có lúc nghỉ ngơi. Có khi máu của bệnh nhân vô tình dính vào tay BS và được chuyển tiếp đến một người bệnh khác. Nếu như không may đó là máu của người nhiễm HIV thì hậu quả thật khôn lường. Ở các phòng khám tư nhân, việc phòng hộ của nhân viên y tế còn bị coi thường hơn. Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân nhưng nhân viên y tế không hề đeo găng tay chứ chưa nói đến chuyện đội mũ, đeo khẩu trang.
Không biết có phải do quá đông bệnh nhân hay do sự lơ là của các thầy thuốc mà việc bảo hộ lao động trong ngành y đang có chiều hướng bị coi nhẹ. Ngoài chiếc áo blouse trắng khoác hờ, gần như hầu hết các BS hay y tá ở các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ những quy định về an toàn, bảo hộ lao động như phải đội mũ, đeo khẩu trang... khi tiếp xúc với người bệnh. Một bệnh có thể coi là nhiều nguy cơ lây lan như các bệnh đường hô hấp thì tại phòng khám của Viện Tai mũi họng TW có một số BS nội soi mũi, họng cho bệnh nhân không đội mũ, không có khẩu trang. Phòng tiêm của Khoa Khám bệnh - BV Nhi TW cũng vậy, các y tá khi tiêm cho bệnh nhân đều dùng tay trần.
Các thầy thuốc không ai khác chính là những người hiểu biết kỹ nhất về sự lây truyền của bệnh tật nhưng họ đang chủ quan với sức khoẻ của chính bản thân mình và của nhiều người bệnh khác.
Ngay quy định đơn giản nhất là cán bộ y tế chỉ mặc trang phục y tế trong BV, nghiêm cấm mặc trang phục y tế ra ngoài BV đã không được thực hiện. Các thầy thuốc vẫn mặc áo trắng "vượt rào" BV để đi chợ, mua sắm, ăn trưa... Còn các quy định khác về đội mũ, đeo khẩu trang, đeo găng tay có vẻ như chỉ được thực hiện nghiêm túc trong phòng mổ.