Sau Tết, khi vẫn còn ngán thịt mỡ bánh tét, cộng thêm thời tiết Sài Gòn khá oi bức khó chịu, chắc chắn bạn chỉ muốn ăn những món ít béo. Sự kết hợp giữa khổ qua (mướp đắng) và cá thác lác thành món lẩu nóng hổi mà lại giải nhiệt là một ý tưởng không tồi. Đây vốn là bộ đôi thân thiết trong bữa cơm của nhiều gia đình nhờ khổ qua có tính hàn, kết hợp với chả cá thác lác dai dai nhai vui miệng. Tuy nhiên khi biến tấu thành món lẩu thì cách chế biến, chuẩn bị nguyên liệu phải công phu hơn.
Cá thác lác rửa kỹ, không nên xay nhuyễn mà cẩn thận cạo lấy phần thịt, bỏ xương rồi làm chả. Để át mùi tanh, bạn nên ướp bột nêm, tiêu, hành lá, ngò rí cho thơm, thêm quả trứng gà tùy thích. Nên chọn cá tươi để có độ dai sần sật.
Như nhiều món lẩu ngọt khác, rau ăn kèm chỉ đơn giản gồm tần ô (cải cúc), cải cay, thỉnh thoảng thêm mồng tơi. Điểm mấu chốt giúp nồi lẩu ngon hơn so với canh cá thác lác thông thường là ở nước lẩu được hầm kỹ từ xương heo tạo vị ngọt tự nhiên đậm đà. Khi nấu, bạn nên cho thêm đầu hành và nấm nếu ngại vị đắng của khổ qua. Tuy nhiên, món này phải ăn khi khổ qua chưa chín rục, còn hơi giòn và đắng thì mới đúng điệu.
Cùng lúc cho khổ qua và chả cá vào nồi nước lẩu đang sôi để các nguyên liệu chín đều. Lưu ý, không nên đậy nắp tránh làm đen khổ qua. Ăn đến đâu thì nhúng rau ăn kèm đến đấy để rau không bị nhũn. Chấm chả cá với nước mắm nguyên chất dằm ớt nếu bạn thích vị mặn rồi ăn với bún tươi cho no. Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức lẩu chả cá thác lác khổ qua ở các nhà hàng bán món ăn dân dã, một nồi có giá khoảng 160.000 đồng vừa đủ cho 2 người ăn.
Vi Yến