12 năm trước, ông Huỳnh Đức Khiển, bà Lê Thị Huệ cùng người dân xóm đầu cầu Cẩm Lệ, thuộc thôn Cẩm Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng phát hiện dưới nền Trường Tiểu học Cẩm Bắc có những hố chôn tập thể. Ông Khiển cùng bà con đã tổ chức khai quật và tìm thấy 82 bộ hài cốt, sau đó đem lên Nghĩa địa đồi Đá Trắng an táng.
![]() |
Ông Huỳnh Đức Khiển đang khai quật hài cốt tại thôn Cẩm Bắc. |
Theo người dân địa phương và những cán bộ lão thành cách mạng thì, hầu hết những bộ hài cốt đào được là của những người từng hoạt động cách mạng bị giặc Pháp bắt đưa vào Đồn Cẩm Lệ tra tấn dã man rồi chặt đầu quăng xuống hố chôn tập thể… Giờ đây 77/82 ngôi mộ tìm thấy 12 năm trước bây giờ đã mất hết dấu tích…
Sau giải phóng, nhiều người dân địa phương đã quay về dựng nhà trên vùng đất trống xung quanh Đồn Cẩm Lệ. Trong số đó có nhà của ông Huỳnh Đức Khiển, nằm sát một trong 2 lô cốt của Đồn Cẩm Lệ.
Đồn Cẩm Lệ được quân Pháp xây dựng vào năm 1947, nơi đây khét tiếng khắp vùng là tàn bạo. Những người hoạt động cách mạng hoặc nghi là cán bộ cách mạng trong vùng đều bị giặc Pháp lùng bắt, sau đó đưa về đồn giam giữ.
Chúng tra tấn rất dã man, sau đó thủ tiêu bằng cách bắn hoặc chặt đầu. Hòng khủng bố tinh thần một cô gái mà chúng bắt được, bọn ác ôn đã chặt đầu một cán bộ Việt Minh rồi lấy cái đầu mang dọa cô gái nhưng cô nhất quyết không khai nửa lời.
Không khuất phục được người phụ nữ trẻ, chúng đã giết cô ném xuống hố chôn chung với cái đầu của người đồng đội... Hầu như tất cả những người bị chúng giết đều bị hất xuống hố chôn tập thể. Những hố chôn này nằm xung quanh và sát tường của lô cốt cách đầu cầu Cẩm Lệ chừng 50m.
Ông Khiển tiếp tục thu lượm thì nhận được những thông tin, sau nhà của ông, sát lô cốt có 7 người bị chôn chung một hố, trong số đó có một nữ giao liên mới 16 tuổi. Cô gái này rất kiên trung, bị địch tra tấn dã man mà vẫn không hé răng khai báo nửa lời. Chúng đã giết cô và chôn chung với 6 cán bộ Việt Minh khác.
Được sự đồng ý của chính quyền, ông Khiển quyết định khai quật thử. Sáng 30/2/1995, trước sự chứng kiến của bà con lối xóm, ông Khiển cùng bà Lê Thị Huệ đã tiến hành đào nền nhà, đoạn gần sát lô cốt để kiểm chứng.
Đào đến độ sâu 1,2m thì ông Khiển phát hiện có nhiều xương cốt không còn nguyên dạng trong tầng đất đen. Sau khi đã rà soát hết xương cốt, ông Khiển khâm liệm cẩn thận số hài cốt tìm được vào 7 hòm gỗ, hương khói chu tất, rồi dùng xe bò chở lên Nghĩa địa đồi Đá Trắng an táng.
Sau đó, ông Khiển còn được biết, dưới nền nhà ông Mai Châu cũng có một bộ hài cốt của một nữ du kích tên Lê Thị Thương, quê ở xã Cẩm Nam, huyện Hòa Vang, bị giặc Pháp giết lúc 22 tuổi. Ông Khiển đến nhà ông Mai Châu thuyết phục ông Châu cho khai quật.
Lúc đầu, ông Mai Châu cho rằng, gia đình ông đang sống yên ổn, không biết ai mâu thuẫn gì với gia đình ông mà dựng lên chuyện có hài cốt trong nhà làm xáo trộn sinh hoạt gia đình.
Ông Khiển kiên trì giải thích và cam kết sẽ tự bỏ công, bỏ kinh phí ra để khai quật, sau đó phục hồi nguyên trạng căn nhà thì ông Châu mới đồng ý.
Sau khi tiến hành đào bới, đến gần khu vực giường nằm của con gái ông Mai Châu, ông Khiển phát hiện một bộ xương phụ nữ còn khá nguyên vẹn. Nhưng thật bất ngờ là một bộ xương mà có tới hai cái hộp sọ, theo kinh nghiệm của ông Khiển và những người cùng khai quật thì một hộp sọ là đàn ông và một là phụ nữ.
Tổ đào bới mở rộng phạm vi đào mà vẫn không thu lượm được gì thêm. Không còn cách nào khác, ông Khiển và những người khai quật đành sắp bộ xương với hai cái hộp sọ vào cùng một hòm gỗ và đưa lên Nghĩa địa đồi Đá Trắng an táng.
Qua hai vụ khai quật thành công, ông Khiển cùng bà con tiếp tục thu lượm thông tin về những người đã bị giặc Pháp giết hại và chôn ở khu vực Đồn Cẩm Lệ.
Họ nhận được thông tin rằng: Ông Bùi Đức Cảnh, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, là cán bộ Việt Minh, bị giặc Pháp bắt thủ tiêu chôn tại khu vực nhà vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Trưng và Trần Thị Hồ.
Vợ chồng ông Trưng, bà Hồ khi nghe thông tin này đã rất hăng hái tổ chức gia đình khai quật ngay nền nhà mình để tìm hài cốt. Sau khi đào bung nền nhà sâu hơn một mét, mọi người mừng rỡ phát hiện một bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn nhưng lại thiếu cái đầu.
Sau khi nghiên cứu hành động của giặc Pháp tại Đồn Cẩm Lệ, mọi người phán đoán, người xấu số bị chúng chặt đầu hất xác xuống trước rồi sau đó ném đầu xuống sau nên có khi đầu một nơi, thân một nơi. Từ nhận định đó, gia đình bà Hồ tiếp tục mở rộng khu vực khai quật. Quả nhiên họ tìm thấy hộp sọ nằm cách vị trí bộ hài cốt khoảng 50cm.
Sau đó, gia đình ông Trưng, bà Hồ tổ chức khâm liệm tử tế rồi đem mai táng tại Nghĩa địa Ông Ích Khiêm, xã Cẩm Bắc. Gia đình bà Hồ còn cho lập bia mộ khắc chữ "Liệt sĩ vô danh" cho người xấu số này.
Cuộc tìm kiếm hài cốt tại nhà ông Nguyễn Anh Tiềm số 313 Ông Ích Khiêm thuộc tổ 1B, An Hòa, phường Khuê Trung, Cẩm Lệ cách đầu cầu Cẩm Lệ chừng gần 100m là khá vất vả.
Theo thông tin bà con thu nhận được thì có một chị giao liên cho Việt Minh tên Nguyễn Thị Liễu khoảng 17 tuổi, bị giặc Pháp bắt về đồn. Sau khi khai thác không được, bọn Pháp thủ tiêu và chôn tại vị trí nhà ông Tiềm hiện nay.
Sáng 7/3/1995 âm lịch, sau khi hương khói, gia đình ông Tiềm tổ chức đào nhà mình lên để tìm hài cốt. Đào sâu tới gần 3m, ai nấy đều mệt lả mà vẫn không tìm thấy dấu tích gì của xương cốt khiến mọi người chán nản.
Ông Tiềm động viên: Đã đào tới đây rồi, mình đào thêm chút nữa kẻo lại ăn không ngon, ngủ không yên khi nằm trên xương người chết? Sau khi nghỉ ngơi ăn tối, ông Tiềm cho thắp đèn điện để tiếp tục cuộc khai quật.
Quả nhiên khi đào đến độ sâu khoảng 3,5m thì phát hiện một bộ hài cốt phụ nữ còn nguyên vẹn. Gia đình ông Tiềm khâm liệm chu đáo rồi đưa lên Nghĩa địa Ông Ích Khiêm an táng, ông Tiềm còn cho xây mộ và khắc một tấm bia bằng đá cẩm thạch ghi tên của người xấu số rất cẩn thận.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Hậu, anh ruột ông Tiềm, nhà kế bên cũng đã khai quật nhà mình và tìm được 3 bộ hài cốt theo kiểu bị chôn tập thể.
(Còn nữa)
(Theo Công An Nhân Dân)