Chơi tem từ năm học lớp 6 trong dịp tình cờ thấy nhóm bạn lúi húi bên các con tem trong giờ giải lao, đến nay ông Huệ (64 tuổi) đã có hơn nửa thế kỷ sưu tầm tem và bì thư thực gửi. Trong hàng trăm nghìn con tem của ông Huệ có 2 bộ tem quý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tem "Đội Hoàng Sa" thế kỷ XVII-XVIII có người lính lực lưỡng, tay cầm chèo, tay cầm tù và bằng ốc biển để thổi. Trên tem còn in tên phủ Thuận Hóa cùng lịch hoạt động của Đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 mới về. Tem "Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ" mệnh giá 100 đồng, in năm 1988 có hình bản đồ Việt Nam gắn liền với các vùng biển đảo. Trong đó 1/4 thân tem in cận cảnh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng dòng chữ "Đại Nam nhất thống toàn đồ". Bộ tem in hình Anh hùng Mạc Thị Bưởi gồm 4 tem được cho là đắt giá nhất Việt Nam hiện nay (khoảng 500-600 USD). Một trong những con tem dính liền với bì thư thực được cho là rất quý, thể hiện ý nghĩa lịch sử. Lá thư này từ Thủ tưởng phủ gửi cho Ủy ban hành chính Khu Tả Ngạn vào năm 1958. Thực hiện chủ trương tiết kiệm, Ủy ban hành chính Khu Tả Ngạn đã lộn ngược bì thư làm chiếc bì mới gửi về Viện Huân chương của Thủ tướng phủ. Ngoài bì thư còn có dấu tuyên truyền "Quyết thanh toán nạn mù chữ trong năm". Tem in hình Hồ Chủ tịch được Bưu điện Liên khu V phát hành trong những năm 1951-1952. Con tem được dán lên bì thư xếp bằng giấy báo gửi từ đơn vị phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ vào Thủ tướng phủ. Bên ngoài được tận dụng mặt trắng phía sau của một công văn. Gần chục năm nay ông Huệ gây dựng câu lạc bộ tem tại Trường THCS thị trấn Núi Sập. Ông biến con tem thành dụng cụ trực quan sinh động để giúp các em học tập tốt. Bản đồ Việt Nam được ông Huệ ghép từ những con tem. Bản đồ thế giới được ghép bằng tem, vị trí nước nào được gắn tem nước đó. Với hơn nửa thế kỷ sưu tầp tem, ông Huệ được mọi người gọi là "vua" tem miền Tây. Phong Khê