Bác sĩ Thái Vũ Dũng, phó khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết bệnh nhân nhập viện với tình trạng tai phải có lỗ rò chảy dịch gây viêm nhiễm và đau nhức.
Theo lời bệnh nhân, khoảng một năm trước, trong một lần ngoáy đường rò ở tai, ông đã làm gãy cây tăm nhang bên trong. "Tôi tưởng sẽ không sao nhưng gần đây bị đau nhức dữ dội".
Trong quá trình thăm khám và điều trị, các bác sĩ phát hiện vùng mô xơ trong đường rò bị nhiễm trùng do cây tăm nhang làm tắc, khiến dịch không có chỗ thoát, tràn ra ống tai gây sưng viêm. Bệnh nhân được phẫu thuật để lấy dị vật đồng thời làm sạch đường rò.
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Quang Phúc, phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tai Mũi Họng, cho biết đây là ca bệnh cực kỳ hiếm gặp và trường hợp người lớn đầu tiên mắc bệnh điều trị tại bệnh viện. "Thông thường các trường hợp biến chứng, nhiễm trùng, áp xe lỗ rò chỉ xảy ra ở trẻ em", ông Phúc nói.
Theo bác sĩ Phúc, rò luân nhĩ là dị tật bẩm sinh, người bị tật này sẽ có một lỗ nhỏ ở tai. Không có chức năng nghe nhưng lỗ này có thể thông vào bên trong như một đường ống tai phụ. Cấu trúc đường dò gồm các lớp biểu mô, nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã… nên ống này hay bị bít tắc gây nhiễm trùng.
Thông thường trẻ mắc tật này không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên số khác có thể bị nhiễm trùng gây áp xe, chảy mủ, biến dạng tai do chọt ngoáy. Người có đường rò luân nhĩ bẩm sinh nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò và tuyệt nhiên không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò.
Thiên Chương