![]() |
Internet là nhu cầu cần thiết của lao động Việt tại Malaysia. |
Hoạt động 24/24 giờ, bến xe trung tâm Kuala Lumpur đặc biệt đông người vào thứ bảy và chủ nhật, cứ 15-20 phút, từng chiếc xe 25-50 chỗ rời bến. Những chuyến xe tốc hành nối đuôi nhau chạy về hướng Tampoi, Nilai, Kualang... Hành khách trên đó rất đông người lao động VN.
Chúng tôi có mặt tại chợ phiên Nilai vào tối thứ ba (mỗi tuần họp một lần, từ 18 đến 22h). Hàng quán nhộn nhịp đủ loại thượng vàng hạ cám, tiếng rao hàng thủ công xen lẫn tiếng máy cassette. Ở đây đối tượng chủ yếu là người Hoa kinh doanh, phục vụ lao động nước ngoài đang làm việc tại các công xưởng.
Từng nhóm lao động VN "đổ bộ" xuống chợ tìm đồng hương giao lưu và có cả lao động tranh thủ chạy chợ tìm mối kinh doanh trước khi "kết bạn bốn phương". Một nhóm lao động đang chuẩn bị làm quen, "đằng trai" mạnh dạn tìm cách tự giới thiệu: "Đồng hương Nghệ An ơi, Hà Tĩnh, Đồng Tháp đây nè". Nhóm khác rụt rè hơn, phải lấy sản vật địa phương vừa tiếp thị vừa lấy cớ làm quen bằng mì gói, thuốc lá, thuốc lào, sách báo cũ, rượu đế...
Nguyễn Thanh Tùng (Đồng Tháp) và Cao Văn Hùng (Hải Phòng) dẫn chúng tôi vào chợ, trong vòng vài giờ họ thay đổi đến hai lần quần áo thời trang vì "bộ đồ không bắt mắt".
Con đường từ chợ phiên vào nơi ở của lao động VN dài chỉ nửa kilomet mà có đến bốn điểm hò hẹn của những đôi trai gái: chợ phiên, dịch vụ Internet đầu thị trấn, công viên trước cửa vào khu lưu xá và khu vực cạnh chùa của người Hoa. Ở khu vực này có 1.000 nữ LĐ nhà máy, trong đó 300 lao động nữ VN thuộc các công ty Coopimex, Tracimexco và Lod. Vào giờ tan ca, hàng trăm lao động các nơi đổ về...
Khác với Nilan, Johor là nơi tập trung lượng lao động VN đông nhất ở Malaysia, ước chừng hàng chục nghìn lao động với trên 2.000 lao động nữ. Nếu theo phép tính "tình cảm" thì có 20.000 lao động nam đổ về đây như đi hội vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Tại Tampoi, con đường dọc hành lang vào thị trấn kéo dài hàng trăm mét là nơi tụ hội hẹn hò và tìm bạn của lao động VN. Nếu đánh lẻ thì vài lon nước ngọt, một ít bánh trái, còn đi làm quen tập thể thì khiêng theo cả thùng nước ngọt, mọi người trải chiếu hoặc chọn chỗ để hàn huyên hoặc kéo vào các điểm karaoke quanh khu vực.
Ở đây có hẳn những phòng hát karaoke cho lao động VN, cứ 2 sen/bài tiếng Việt. Bà chủ quán Malaysia gốc Hoa nói: "Tampoi rất ưa đĩa Việt, A Muối có bán cho tui 5 RM/ đĩa (20.000 đồng/đĩa)". Chợt nhớ trước khi đi có người đã nhờ mang một ít đĩa nhạc trẻ qua làm quà. Thèm được nghe tiếng Việt, thèm gặp đồng hương và nhu cầu tình cảm khiến lao động VN lặn lội hàng trăm kilomet tìm đến nhau.
Được phép của ban quản lý KTX, ngay thị trấn "Moa" (Mour), chúng tôi xin trọ một đêm tại phòng của năm cô gái thuộc Công ty điện tử ST. Vừa tới nơi đã nghe người phụ trách khu vực nữ lao động, chị Azit, kéo ngay một lao động VN mắng vốn với người đại diện công ty: "Tối qua, một cô gái đi ra ngoài KTX không xin phép...". Năm người khác cùng người của công ty trao đổi lời qua lại bằng tiếng Malaysia không làm người quản lý nguôi giận... Cuối cùng là viết giấy cam kết và xin lỗi.
Đêm “Moa” lạnh dù ban ngày nắng gắt, từ đây chỉ cách rừng vài kilomet, gió thổi ù ù. Năm cô gái phòng 321 được chia hai ca làm việc: ca 23h và ca 7h. Chỉ còn hai người ở nhà nên chúng tôi kéo nhau qua căn phòng khác để trò chuyện. Những cô gái ở độ tuổi 18-25 rất trẻ mà có vẻ buồn quá. Công việc ở nhà máy khá nhẹ nhàng (làm điện tử, ngày tám tiếng) với các cô đang tuổi bẻ gãy sừng trâu này. "Tan ca, về tụm với nhau, ôm cái tivi là hết... Thời gian rảnh chẳng biết để làm gì. Đứa nào có bạn thì đi "chat"... ngoài phố một chút rồi về. Nhớ nhà, hôm trước có một đứa trong phòng nhận tin ba mất, ngất xỉu liên tục, cả phòng ôm nhau khóc mấy ngày" - Bùi Thanh Hiền (quê Bắc Giang) kể. Bắt đầu là những câu chuyện về gia đình, bạn bè, hàng xóm cũ... dường như đã thành một thói quen. Nhưng rồi chẳng còn chuyện gì để nói (các bạn bảo thế) nên chuyện mỗi người thành chuyện chung của mọi người. Khi đổi đề tài qua chuyện tình cảm, ai cũng rôm rả nhưng cũng không được bao lâu.
Rạng sáng, chúng tôi lên đường đến một điểm KTX nữ khác, tại đây tập trung gần 50 lao động nữ của Công ty XKLĐ Tracimexco. Người môi giới Malaysia đưa chúng tôi đến thăm chỗ ở của người lao động, tình cờ chứng kiến một sự việc đau lòng khi hai nhân viên bảo vệ khu nhà đang chuẩn bị đạp tung một cánh cửa phòng của nữ lao động VN. Cánh cửa bị phá trong tích tắc và một lao động nam VN được bảo vệ áp giải ra khỏi phòng.