Vũ Thị Hương và các đồng đội ở tuyển điền kinh sẽ ăn ở tại Palembang. Ảnh: NT. |
Nơi ăn chốn ở của VĐV Việt Nam tại Indonesia là vấn đề khiến Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này lo lắng nhất. Tại Jakarta, nước chủ nhà không xây dựng làng VĐV nên các đội tuyển tới tham dự sẽ phải trú tại các khách sạn rải rác khắp thủ đô. An ninh tại các khách sạn này khá tốt, luôn phải kiểm tra an ninh khi ra vào. Tuy nhiên, tình trạng tắc đường ở Jakarta cũng rất đáng lo ngại dù rằng phía Indonesia cam kết sẽ cử xe dẫn đoàn cho các đội tuyển khi di chuyển từ khách sạn tới địa điểm thi đấu. Sự phân tán nơi đóng quân của các đội cũng khiến việc quản lý trở nên khó khăn hơn, nhất là trong điều kiện đường sá thường xuyên ùn tắc ở Jakarta.
Khác với thủ đô, ở Palembang, làng VĐV được xây dựng nhưng với quy mô quá nhỏ, so với số lượng VĐV của các đội. Với đoàn Việt Nam, chỗ ở tại làng VĐV chỉ đáp ứng được 12/17 đội tuyển. Những đội còn lại phải ra ngoài tự lo nơi ăn chốn ở. Thậm chí, nước chủ nhà còn đề ra phương án điều hai tàu quân sự tới gần làng VĐV - vốn tọa lạc ở gần biển, cho đủ chỗ ngủ của VĐV. Tuy vậy, kế hoạch này của Indonesia gặp phải sự phản đối quyết liệt của các đoàn.
Quy mô nhỏ nhưng cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt của làng VĐV tại Palembang cũng rất thiếu thốn. Một phòng ở gồm hai căn phòng nhỏ được kê tổng cộng 6 chiếc giường cùng một nhà vệ sinh rất nhỏ. Đây chính là sự lo ngại lớn nhất của ông Thành, vì điều kiện ở chật chội có thể ảnh hưởng tới thể lực và kết quả thi đấu của các VĐV.
Ăn ở khó khăn nhưng việc đi lại của các VĐV cũng không hề dễ dàng. Nếu đi bằng đường bộ, di chuyển từ thủ đô tới Palembang cần tới trọn một ngày. Hành trình phải trải qua hai lần phà vượt biển để di chuyển từ đảo Java tới Sumatra. Với đường không, mỗi ngày có 10 chuyến qua lại giữa hai thành phố nhưng số lượng hạn chế vì máy bay nhỏ. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc đi lại khó khăn của đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei là láng giềng của Indonesia trong khi những quốc gia còn lại đều có đường bay thẳng từ nước họ tới Jakarta hay Palembang.
Chỉ có Việt Nam và Myanmar chịu thiệt thòi nhất khi di chuyển VĐV tới Indonesia. Do không có đường bay thẳng, đoàn thể thao Việt Nam sẽ phải trải qua chuyến đi được cho là khá vất vả. Xuất phát từ Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất, các VĐV Việt Nam sẽ phải transit tại Singapore. Từ quốc đảo sư tử, đoàn mới có thể bay tới Jakarta và tiếp tục hành xác trên chuyến bay nội địa Jakarta - Palembang. Trong chuyến đi khảo sát tiền SEA Games, trưởng đoàn Lâm Quang Thành phải mất tới 14 tiếng đồng hồ cho việc đi lại. Ông Thành xuất phát từ Hà Nội lúc 8h và chỉ có mặt ở Palembang vào 22h cùng ngày. Trong tình thế khó khăn, rất may, đoàn thể thao Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của Vietnam Airlines. Theo đó, hãng hàng không quốc gia sẽ bố trí một chuyên cơ bay thẳng từ Hà Nội tới Palembang trong đợt di chuyển quân lớn nhất trước ngày khai mạc. Ông Thành cho biết đã tính toán rất kỹ càng để bố trí các đội đi trên chuyến chuyên cơ này, căn cứ theo các môn thi đấu ở Palembang, lịch thi đấu, số lượng VĐV của từng đội... Các đoàn còn lại bắt buộc chấp nhận khó khăn, di chuyển theo kế hoạch cũ với hai lần transit.
Nước chủ nhà Indonesia tổ chức ở hai địa điểm cũng khiến việc chỉ đạo, quản lý các đội trở nên khó khăn. BTC cho biết sẽ cung cấp 3 lần vé máy bay miễn phí giữa Jakarta và Palembang cho trưởng đoàn của các nước, những lần bay tiếp theo, sẽ phải tự túc kinh phí. Giá vé cho một lượt bay Jakarta - Palembang và ngược lại là 476 rupiah (tương đương 1,5 triệu đồng). 3 lần bay miễn phí này chủ yếu phục vụ cho các lãnh đội dự lễ khai mạc và bế mạc đại hội sẽ được tổ chức ở sông Musi bên cảng Kuto Besak, Palembang. Việc liên lạc giữa thành viên lãnh đội với trưởng đoàn sẽ chủ yếu được thực hiện qua điện thoại.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 26 Lâm Quang Thành (phải). Ảnh: Ngọc Thế. |
Tại SEA Games 26, đoàn thể thao Việt Nam gồm 857 thành viên, trong đó có 593 VĐV. Đây là kỳ SEA Games mà Việt Nam tham gia với lực lượng đông đảo nhất, với mục tiêu giành 70 HC vàng, nằm trong top đầu của bảng xếp hạng.
Trong kỳ đại hội tổ chức ở quê nhà, Indonesia đặt ra chỉ tiêu nhất toàn đoàn, Thái Lan cũng quyết có khoảng 100 HC vàng. Theo đánh giá của ông Thành, đối thủ lớn nhất cho ngôi thứ ba toàn đoàn của Việt Nam chính là Malaysia: "Thể thao Đông Nam Á đang dần có sự thay đổi, với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các môn thể thao giải trí. Tại kỳ SEA Games này, sự xuất hiện của các môn thể thao giải trí khiến việc dự đoán số lượng huy chương của các đối thủ khó khăn hơn".
Đoàn Malaysia tham dự SEA Games với hai thành phần khác nhau về kinh phí, một do nhà nước lo và hai là do các đơn vị tài trợ. "Số lượng bộ huy chương cho các môn thể thao giải trí rất lớn ở kỳ SEA Games này. Trong khi đó, Malaysia rất mạnh ở những môn này và đó là khó khăn cho việc tranh chấp vị trí trên bảng xếp hạng của đoàn Việt Nam", ông Thành nói.
SEA Games 26 được tổ chức đồng thời ở hai thành phố của Indonesia là Jakarta và Palembang. Trong khi Jakarta lần thứ ba là nơi diễn ra đại hội thể thao khu vực (sau các năm 1979, 1987, 1997) thì Palembang mới là lần đầu. Đây là lần thứ ba nước chủ nhà chọn địa điểm không phải là thủ đô để tổ chức SEA Games. Trước đó, Thái Lan quyết định chọn Chiang Mai và Nakhon Ratchasima làm nơi thi đấu cho các VĐV Đông Nam Á, vào các năm 1995 và 2007. Palembang là thủ phủ của tỉnh Nam Sumatra. Đây là thành phố lâu đời bậc nhất ở Indonesia với lịch sử truyền thống gắn với biển và nghề biển. Với diện tích 400 km2 và dân số gần 1,5 triệu người, Palembang là thành phố lớn thứ hai ở Sumatra và lớn thứ 7 của Indonesia. Đoàn Việt Nam gồm 42 đội tuyển, trong đó có 7 đội đi theo kinh phí xã hội hóa (dù lượn, patin, leo tường, bóng chày, bóng rổ, bowling, bơi nghệ thuật). Điền kinh là đội có thành phần tham gia đông nhất với 55 thành viên, với mục tiêu giành 8-10 HC vàng và giành chuẩn tham dự Olympic London 2012 cho Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương. Các "mỏ vàng" của Việt Nam vẫn tập trung vào các đội judo, bắn súng, karatedo, pencak silat, cử tạ, vật, wushu, taekwondo... Lễ xuất quân tham dự SEA Games 26 của đoàn thể thao Việt Nam sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 30/10. |
Ngọc Thế