Ngạc nhiên, thích thú
![]() |
Màn múa rối do chính những nghệ sĩ làng biểu diễn. |
Theo chân cô hướng dẫn viên của huyện xúng xính áo dài trắng thướt tha, đoàn khách Tây đến thăm ngôi miếu làng, nơi thờ Linh Lang đại vương. Cánh cửa miếu vừa được mở ra, pho tượng cổ tạc Linh Lang đang ngồi từ từ đứng lên chào trong sự ngạc nhiên của nhóm khách lạ. Sau khi thăm thú một số nơi, đoàn khách được đưa trở lại sân kho giữa làng, nơi đây một sân khấu đã sẵn sàng.
Trong khi những nghệ sĩ làng lên sân khấu biểu diễn múa rối thì khách thích thú ngồi vừa xem vừa thưởng thức những củ khoai lang luộc và uống nước chè xanh trong bát sứ nóng hôi hổi. Suốt cả buổi ở làng, du khách còn được tham gia đốt đèn trời, xem múa rối nước.
Thú vị nhất với khách vẫn là khi tới các lò tạc tượng, một nghề truyền thống của làng. Những vị khách không ngớt trầm trồ khi ngồi xem những người thợ dân dã của làng thể hiện sự tài hoa của đôi tay tạo ra những bức tượng gỗ đặc sắc. Nếu thích khách có thể đặt làm cho mình một bức tượng lưu niệm như ý. Làng còn mở cả shop bán tượng, đồ gỗ mỹ nghệ, tranh sơn mài do chính thợ làng làm.
Ông Đào Mạnh Tuân, trưởng Ban văn hóa xã Đồng Minh, phụ trách tổ dịch vụ du lịch, cho biết: “Làng Bảo Hà có nghề tạc tượng truyền thống từ thế kỷ 16 khi cụ tổ Nguyễn Công Huệ đem về truyền dạy. Danh tiếng bàn tay tài hoa của thợ tạc tượng Bảo Hà đã vang xa từ lâu. Đến khi ngành du lịch thành phố đưa Bảo Hà thành điểm đến của du khách nước ngoài trong tour “Du khảo đồng quê” thì làng nghề như sang trang mới”.
Hết bôn ba xứ người
Mới 7h sáng, từ những lò tượng quanh các ngõ xóm đã phát ra tiếng dùi đục gõ chan chát. Anh Túy, chủ lò tượng vào loại qui mô nhất nhì ở làng, tâm sự: “Trước đây ít khách lắm. Giờ mỗi tháng làm tới trên 20 pho tượng cỡ to và vừa, riêng loại tượng nhỏ khách du lịch thích mua làm quà lưu niệm thì bán rất chạy”. Anh Túy nói bây giờ các anh không chỉ đơn thuần là thợ tạc tượng nữa mà còn đóng vai nghệ sĩ biểu diễn cho du khách xem và họ mê tít.
“Trước đây quanh năm suốt tháng chúng tôi dắt díu nhau bôn ba xứ người tạc tượng kiếm sống. Giờ con cháu nó giỏi hơn nhiều, đứng lên làm chủ cả rồi, lại còn đón khách Tây nữa, vui lắm” - cụ Nguyễn Văn Nguôn, nghệ nhân cao tuổi nhất làng, năm nay 84 tuổi, cười rạng rỡ.
![]() |
Nghệ nhân làng tượng trổ tài. |
Cụ bảo tạc được một bức tượng mất rất nhiều công sức, từ khúc gỗ mít, sau khi đã vạt đi phần rác chỉ lấy phần lõi, người thợ phải đục đi đục lại, chỉnh sửa rất công phu mới tạc thành bức tượng. Tạc tượng không thể làm ẩu được, trông bức tượng không ra hồn thì chẳng ma nào đặt.
Nhờ đề cao chữ tín nên những lò tượng ở Bảo Hà đang dần khuếch trương nghề truyền thống của ông cha, tìm lại vóc dáng thời hoàng kim cách đây chưa xa. “Cả làng giờ có gần hai chục lò, tháng làm cả trăm pho tượng, vẫn chưa mạnh lắm đâu vì còn thiếu thị trường và vốn. Nhưng đúng là phát triển theo hướng làng nghề kết hợp du lịch thì quả hết sức độc đáo và hiệu quả”, trưởng thôn Nguyễn Văn Toán hồ hởi.
Đến nay hai tháng sau khi tour du lịch khai trương (ngày 28/11 âm lịch năm 2005), làng nghề đã thu hút hơn 20 đoàn khách từ các nước Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... đến tham quan. Lượng du khách nước ngoài đi nhỏ lẻ cũng khá nhiều. Tiếng lành đồn xa, gần đây nhiều đơn vị tổ chức tour đóng tại Hà Nội và TP HCM đã về làng liên hệ, đặt mối làm ăn.
(Theo Tuổi Trẻ)