Trên con đường đi vãn cảnh chùa Hương, đoạn qua xã Đại Hưng (Mỹ Đức), du khách sẽ bắt gặp một cổng làng đồ sộ, ghi tên làng Trinh Tiết, mặt trong ghi làng Sêu. Bao đời nay, cả hai cái tên này đã gắn bó với người dân nuôi tằm dệt lụa bên bờ sông Đáy.
Tục lệ các thiếu nữ sắp lấy chồng nộp gạch đã tồn tại nhiều thế kỷ ở làng. Nhờ cách này, khắp ngôi làng cổ, hàng trăm ngõ hun hút đều được lát gạch sạch đẹp. Đến những năm 1940, khắp làng không còn đường đất nữa. Sau năm 1954, quy định nộp gạch, nộp mâm đồng bị bãi bỏ.
Năm nay 92 tuổi, cụ Đỗ Thị Loan còn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Mái tóc bạc phơ, răng mới rụng vài cái, cụ bâng khuâng nhớ về làng Trinh Tiết ngày xưa. Thuở ấy, làng nằm trong vùng chiêm trũng, ngày mưa đường lầy lội đến đầu gối. Khắp ngõ ngách đều phải bắc những cầu tre nhưng đi lại vẫn bị cách trở. Những ngày lễ Tết mà trời mưa thì người dân chỉ biết chôn chân trong nhà, không thể ra đình làng vui hội được. Nhiều năm liền, vào mùa khô rảnh rỗi, tất cả trai làng được huy động đào các con mương thoát nước và lấy đất đắp đường. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng là con đường lại lầy lội.
Đến một ngày, người làng sáng kiến làm đường gạch do những cô gái chuẩn bị lấy chồng đóng góp. "Cô lấy chồng xa phải đóng 2 mâm đồng để làng làm cỗ, cô lấy chồng gần thì nộp gạch. Chị gái tôi phải nộp 400 viên gạch. Sau đó đường đi lối lại đã lát hết nên con gái lấy chồng làng chỉ còn phải nộp 200 viên thôi", cụ Loan nhớ lại.
Trong trí nhớ của cụ Đào Thị Minh (87 tuổi), tục lệ này vẫn còn tới những năm 1940-1950. Dù nghèo đến mấy, các bạn đồng trang lứa với cụ Minh lúc lấy chồng đều cố lo được 200 viên gạch. Vài trăm gạch chỉ đáng giá mấy hào nhưng nhiều người phải chạy vạy khắp nơi. Đa phần thiếu nữ phải nộp gạch là con nhà nghèo, còn người nộp mâm đồng là con nhà giàu có điều kiện lấy chồng xa.
"Những cô nhà nghèo phải thức khuya dệt lụa mới có tiền mua gạch. Thời đó phân biệt giai cấp lắm. Con gái nhà giàu thì đắt chồng, con gái nhà nghèo ế lắm. Nhà tôi là bần nông. Trong khi các bạn được lấy chồng từ năm 16 thì tôi gần 30 tuổi mới có người rước. Ông ấy cũng nghèo như tôi", bà Minh chia sẻ.
Với người dân vùng khác, cái tên làng Trinh Tiết cũng gợi nhiều sự tò mò. Thuở trước, phù sa sông Đáy bồi thành một vùng đất màu mỡ nên người dân đã rủ nhau về đây sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa... Chẳng mấy chốc, nơi đây trở thành kinh đô của lụa tơ tằm với những phiên chợ Sêu sầm uất.
Con gái làng Sêu nổi tiếng trắng trẻo, xinh đẹp, lại đảm đang, tháo vát. Trong làng có thiếu nữ Trần Thị Thanh mang vẻ đẹp sắc nước hương trời. Chồng chết khi tuổi mới đôi mươi, bao nhiêu trai làng đến gạ hỏi nhưng bà quyết ở vậy nuôi con. Về sau, con trai bà trở thành tướng quân lập nhiều công trạng. Đến thế kỷ 11, vua Lý Thánh Tông du thuyền qua đây nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con thành tướng tài đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.
"Phải chăng vì lẽ đó mà có tục lệ gái trinh nộp gạch làm đường. Con đường làng trở thành nơi tôn vinh tiết hạnh cao quý đó của người con gái làng Sêu", bà Nguyễn Thị Ngân, bí thư làng, nói.
Cũng theo bà Ngân, thời chiến trong làng có nhiều phụ nữ góa bụa nhưng không đi bước nữa. Ngày nay, con gái làng Sêu vẫn luôn tự hào về truyền thống chung thủy của mình, không để xảy ra những chuyện tai tiếng.
Qua thời gian, những con đường gạch xưa bị xuống cấp. "Tôi còn nhớ như in những năm trước khi tôi đi bộ đội, khắp làng đều là màu gạch đỏ óng ả và phẳng phiu như rải chiếu. Những năm sau tôi về con đường làng bắt đầu sụt lún, mọc cỏ dại, do trong làng bắt đầu có những loại xe cải tiến phục vụ nông nghiệp", ông Nguyễn Văn Vượng, người trông đình làng Trinh Tiết, tiếc rẻ.
Hiện nay, nhiều đường làng Trinh Tiết đã đổ bê tông, tuy nhiên dưới lớp bê tông vẫn là con đường cổ từ xa xưa. Làng vẫn giữ lại một số ngõ bằng gạch, đôi chỗ được chắp vá bê tông để tiện đi lại.
Theo VnExpress