Làng thương vợ bấy lâu nay được nhiều người nhắc đến chính là thôn Công Lương, xã Thủy Vân, Hương Thủy, cách TP Huế khoảng 8 km về phía đông. Con đường dẫn vào làng phải đi qua một cánh đồng lúa rộng mênh mông. Tuy nhiên trên cách đồng ấy để tìm được bóng dáng của một người phụ nữ là điều không hề dễ dàng. Hình ảnh người phụ nữ nông thôn với chiếc nón lá lọ mọ trên đồng ruộng đã được thay bằng cảnh lao động chăm chỉ của những người đàn ông trai tráng.
Anh Dũng vừa làm cỏ dưới ruộng lúa vừa giải thích với những người lạ vô tình đi ngang qua thắc mắc: “Các chú tìm phụ nữ trên đồng à, ở đây có đốt đèn tìm cũng không thấy người đàn bà nào ra ruộng đâu. Phụ nữ ở đây làm việc khác, chỉ có cánh đàn ông chúng tôi ra ruộng đi cấy thôi. Nhiều người phụ nữ ở làng này thậm chí còn không biết ruộng nhà mình ở đâu, dài rộng ra sao".
Hỏi vì sao vùng quê mình không thấy phụ nữ ra đồng làm ruộng, anh Dũng chia sẻ: “Ở làng này từ bao đời nay người phụ nữ không phải làm những công việc vất vả, việc đồng áng cánh đàn ông chúng tôi đều đảm nhận hết. Người phụ nữ không ra đồng trở thành truyền thống của làng rồi. Bởi vậy cánh đàn ông chúng tôi chẳng ai dám bắt vợ mình ra đồng đâu vì như vậy là làm mất đi truyền thống của làng và cũng xấu hổ với những người xung quanh nữa”.
Đi sâu vào làng Công Lương, ghé một quán hàng tạp hóa bên đường hỏi chuyện cô Lê Thị Gái (64 tuổi), cô khẳng định chuyện đàn bà ở đây không phải làm việc đồng áng là có thật. Bản thân cô cũng như ba người chị em trong nhà cũng chưa bao giờ phải đụng tay đến việc ruộng đồng. Cô chia sẻ thêm: “Phong tục này có từ lâu lắm rồi. Tui thấy mình may mắn vì được làm dâu nơi đây để có được cái diễm phúc không phải làm việc đồng áng gì”. Những người phụ nữ ở làng này chỉ ở nhà chăm lo việc lặt vặt trong gia đình và làm thêm những công việc nhẹ nhàng khác như chằm nón, bán bánh lọc hay chăn nuôi...
Cũng không phải vì được chồng gánh vác những công việc nặng mà những người phụ nữ nơi đây bỏ bê chuyện công việc gia đình. Trái lại họ càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với chồng con bởi vậy những họ luôn chăm lo chu đáo những công việc trong gia đình và tìm kiếm những công việc làm thêm khác nhẹ nhàng hơn để phụ giúp chồng. Sau những mùa vụ ở đồng ruộng cánh đàn ông trong làng Công Lương lại đổ xô lên TP Huế đi làm thợ nề, đạp xích lô, lái xe ôm để trang trải cuộc sống. Những người phụ nữ trong làng dù không ra đồng nhưng cũng làm thêm nghề chằm nón, hoặc chiều chiều lại rong ruổi trên những gánh hàng rong với bánh nậm, bánh bèo, bánh lọc...
Đối với nhiều người, lấy được chồng ở làng Công Lương giống như gặp được vận may phúc đức. Họ xem đó như là một đặc ân mà mình có được nên cũng cố gắng chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái sao cho thật tốt để xứng đáng với tình cảm của chồng dành cho mình.
Lý giải về chuyện phụ nữ làng Công Lương chẳng bao giờ phải ra đồng làm những công việc chân lấm tay bùn. Bà Dương Thị Lạc, 73 tuổi, một cao niên trong làng cho biết: “Lý do không phải vì phụ nữ ở đây lười nhác không muốn ra đồng phụ giúp chồng mà vì cánh đàn ông trong làng không muốn người vợ của mình phải làm những công việc đồng ruộng vất vả. Tất cả mọi công việc ruộng đồng đều do cánh mày râu chăm lo. Phụ nữ trong làng chỉ việc ở nhà lo cơm nước, chăn nuôi lợn gà, nuôi dạy con cái và làm những công việc nhẹ nhàng khác”.
Nhận xét về những người đàn ông trong làng hầu hết phụ nữ nơi đây đều chung quan điểm, đó đều là những người chồng, người cha mẫu mực. Họ ít khi rượu chè, luôn chăm chỉ làm ăn và đặc biệt là... rất thương vợ!
Bà Lạc cho biết thêm: “Tôi vốn là người làng Phú Hồ nhưng lấy chồng tại làng Công Lương. Trước khi lấy chồng ở nhà tôi cũng phải làm công việc đồng áng như bao phụ nữ khác cùng quê, nhưng từ khi lấy chồng ở làng Công Lương tôi không còn làm đồng nữa. Ở Công Lương, đàn ông không cho phụ nữ ra đồng và làm việc nặng, bao đời nay đã vậy rồi nên chị em phụ nữ chỉ biết làm theo và coi như đây là cái phúc của mình”.
Nói về việc thương vợ, nhiều thanh niên trong làng đều mỉm cười vì họ không biết vì sao làng lại có tên là làng thương vợ bởi họ cho rằng việc yêu thương vợ là tình cảm đương nhiên. Danh xưng “làng thương vợ” là do mọi người ở các làng khác đặt cho làng Công Lương vì thấy cánh đàn ông ở đây việc gì cũng dành làm thay vợ.
Truyền thống này từ bao đời nay của làng là như vậy rồi nên không ai muốn làm mất đi truyền thống ấy. Ông Hồ Quang Chắc, 74 tuổi, chia sẻ thêm: “Thực ra làng được gọi là làng thương vợ không có gì là kỳ lạ đó là chuyện hằng ngày mà mọi người trong làng này đều thấy rất bình thường. Truyền thống của làng từ việc cày cấy và chăm bón cây lúa cho đến ngày thu hoạch đều do đàn ông trong làng đảm nhận. Phụ nữ trong làng không phải không làm việc nhưng họ làm những công việc khác nhẹ nhàng hơn để chăm lo cho gia đình.”
Ông Chắc nói: “Tôi sống đến từng này tuổi rồi chuyện cơm canh không ngọt trong gia đình ở làng này không phải là không có. Thế nhưng vì làng được mọi người đặt cho cái tên “thương vợ” nên chuyện vợ chồng bất hòa với nhau cũng vì thế mà dần dần được làm lành vì không ai muốn làm mất đi cái truyền thống của làng. Vợ chồng tôi nhiều lúc cũng bất hòa với nhau nhưng tôi nghĩ mình thương vợ nên mình để trong lòng và gắng nhịn để mọi chuyện yên đẹp. Vợ của tôi đến nay về làm dâu ở làng này cũng hơn 40 năm ấy vậy mà có khi nào phải đụng tay đến đồng ruộng mô. Nhà có 7 sào ruộng một tay tôi làm ra cả đó.”
Ông Trương Hữu Chi, Trưởng thôn Công Lương, khẳng định: “Đây là nét truyền thống, là “thương hiệu” có cả trăm năm nay rồi, chẳng ai muốn thay đổi cả”.
Để minh chứng, ông Chi từ tốn: “Là vợ chồng chung sống với nhau nhiều năm tất nhiên không tránh khỏi có lúc cơm không lành, canh không ngọt. Nhưng mọi chuyện chỉ có vậy thôi rồi đâu lại vào đó cả. Ở làng Công Lương có 300 hộ nhưng tất cả đều sống rất hạnh phúc, chưa bao giờ có chuyện chồng đánh vợ và đặc biệt hơn là từ lúc làng thành lập đến nay chưa hề có cặp vợ chồng nào phải ra tòa ly hôn”...
Theo Pháp Luật Việt Nam