![]() |
Một nhóm bạn trẻ hướng dẫn những người bạn nước ngoài tham quan TP HCM. |
"Mình có một ít tiền để dành nhưng rất mê đi du lịch. Thế là vác balô đi, hết tiền thì làm thêm dành tiền cho lộ trình sắp tới...", Kevin, anh bạn Tây balô tâm sự với Khánh Như (ĐH KHXH&NV TP HCM). Nghe qua cứ tưởng tâm sự giữa hai người bạn quen nhau đã lâu, thật ra Khánh Như là một "môn đồ" của "lang thang học". Những ngày đầu chập chững vào TP HCM học đại học, nhóm của Khánh Như vốn khoái đi lang thang, la cà đây đó nên đã chọn khu phố Tây (quận 1, TP HCM), nơi nhộn nhịp ngày đêm với hàng trăm người đủ quốc tịch làm "trung tâm" luyện thêm ngoại ngữ.
Tiếng Anh bập bõm, ban đầu cả nhóm chỉ dám "hello". Dần dà, những câu chuyện sau hai tiếng "xin chào" ấy cứ dài, dài ra thêm và phố Tây không chỉ trở thành "trung tâm ngoại ngữ". "Chuyện Kevin làm thêm ở mỗi nước bạn ấy đến lấy tiền cho chặng đường du lịch sau, khiến mình thấy rằng giữ đam mê và dám thực hiện đam mê của mình là điều không phải ai cũng dám làm và chịu làm", Khánh Như tâm sự. Thường xuyên đến phố Tây, Như quen được nhiều người, nhiều bạn, thêm bao nhiêu là câu chuyện "xuyên quốc gia". Vốn ngoại ngữ của Như cũng từ đó mà ra. Tuy nhiên, quan trọng hơn là không chỉ ngoại ngữ mà Như đã tự tin, dạn dĩ và biết thêm nhiều điều mới mẻ hơn”.
"Vâng! Ông bà có thể cùng giăng lưới, câu cua với nông dân, cùng sinh hoạt với người dân miệt sông nước...", nghe Ngọc Bảo trò chuyện với hai du khách người Anh về vùng quê Việt ít ai nghĩ rằng Bảo chỉ mới là sinh viên năm thứ nhất (Khoa kinh tế, ĐH Quốc gia TP HCM). Chỉ mới cách đây non hai tháng, mỗi khi dùng tiếng Anh là Bảo lại ấp úng, đỏ mặt. Bảo đã tận dụng thời gian rảnh sau giờ học làm "hướng dẫn viên miễn phí" cho những vị khách của mình. Đạp xe đi vòng vòng, rồi dắt những người bạn mới ăn uống, mua sắm... Đó cũng là cách để Bảo học trên đường đời.
Còn nhóm bạn của Hương Thủy (ĐH Khoa học Tự nhiên) lại chọn cách học "nhẹ nhàng" hơn. Chiều chiều, Thủy và một vài cô bạn rủ nhau ra công viên 23-9, vừa thả bộ vừa tập thể dục nhẹ, gặp du khách đang nghỉ chân hoặc đi ngang qua là cả nhóm lại làm quen, trò chuyện... Và những câu chuyện hè phố đầy thiện cảm với du khách luôn là tài sản quý cho nhóm.
Ngọc Bảo khoe: "Nhiều du khách nhiệt tình giúp mình về phát âm, từ vựng mới ngoài sách vở. Và tất nhiên có cả những câu chuyện ngoài sách vở mở mang thêm nhiều điều...".
Thùy Trang, hướng dẫn viên công ty Innoviet, vốn gắn bó với phố Tây từ hồi sinh viên năm 2 cho biết: "Với bọn mình, học ở trường chưa đủ mà ngoài xã hội có nhiều điều để học". Những năm tháng vừa học vừa làm, ngoài khả năng ngoại ngữ lên vùn vụt, Trang còn học được nhiều về tự tin, kỹ năng giao tiếp và cả cho công việc của mình. Mới ra trường được vài tháng, Trang đã rất tự tin với vai trò một hướng dẫn viên cừ khôi.
Cũng từ những người Việt trẻ năng động như Bảo, Toàn, Khánh Như, chỉ sau năm tháng khám phá Việt Nam, Jason, chàng trai Úc, đã có tám người bạn Việt Nam rất thân; sẵn sàng hướng dẫn những người bạn ấy về ngôn ngữ, văn hóa đất nước mình. Ngược lại, Jason có thể học tiếng Việt, văn hóa Việt, biết phở bò, bún bò, cao lầu, mì Quảng, chuối chiên... rồi gửi gắm tâm sự, thậm chí thăm nhà, tổ chức sinh nhật chung với các bạn... Giờ thì TP HCM trở thành thành phố yêu thích của Jason và tháng mười một tới, anh dự định trở lại thăm những người bạn dễ thương cũng như giới thiệu với cha mình một TP HCM sống động.
Giữa một thành phố ồn ào, năng động, những tín đồ của "lang thang học" đã thật sự trở thành hình ảnh là lạ, hay hay cho du khách. "Họ rất đàng hoàng và đáng yêu. Với họ, mình vừa biết thêm về Việt Nam và các bạn ấy cũng có thể biết nhiều hơn về nước Pháp của mình. Các bạn ấy rất ấn tượng", một chàng trai Pháp tâm sự về những bạn trẻ của phố Tây.
(Theo Tuổi Trẻ)