![]() |
Ảnh minh họa. |
“Con không đi học nữa đâu, ba mẹ có ai thèm xem tập vở của con đâu, con khoe điểm cao cũng không thèm xem, con kể chuyện trong lớp cũng không thèm nghe”. Lời nói trong tiếng khóc tức tưởi của bé Diễm Châu, khiến chị Hiền (quận 10, TP HCM) sững người. Hai vợ chồng nhìn nhau mà không hiểu vì sao con bé thường ngày ngoan ngoãn đến như vậy bỗng nhiên trở chứng.
Đã cho bé học qua chương trình lớp 1 nên khi con nhập học chính thức, anh chị yên tâm để bé tự học. Những ngày đầu, thấy con khoe những điểm 10, anh chị lại càng tin vào sức học của con mình nên chỉ ừ hử cho qua chuyện rồi lại lao vào công việc của mình. Suốt mấy ngày liền dỗ dành mà con vẫn không chịu đi học, anh chị đến trường tìm hiểu mới biết, trong lớp học con mình bị lớp trưởng bắt nạt, các bạn không chơi cùng nên bé rơi vào trạng thái xấu như vậy. Lúc này, anh chị mới hối hận. Chị Hiền sụt sùi: “Giá như mình không tham công tiếc việc, dành thời gian nói chuyện với con thì đã biết cách giúp con vượt qua được sự cô đơn ấy”.
Trường hợp của bé Diễm Châu tuy xảy ra trong một gia đình nhỏ nhưng đã trở thành “mô hình” phổ biến hiện nay. Sự bận rộn, lo toan đã khiến các bậc làm cha mẹ dành quá ít thời gian để lắng nghe, động viên con mình.
Trinh, ĐH KHXH&NV, tiết lộ: “Khi nói chuyện với người bạn thân, cô ấy chỉ đơn giản là nhìn và im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng lại mỉm cười nhưng lại khiến mình tự tin, tâm sự hết những vướng mắc mình đang gặp”.
Thạc sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết nghe không đơn thuần là hoạt động của thính giác mà còn là sự tập trung của tình cảm và các giác quan để nắm được ý đằng sau lời nói. Những thông điệp không lời này được thể hiện bằng khá nhiều giác quan. Cử chỉ, nét mặt, thái độ... đều mang thông điệp phi ngôn ngữ.
Do đó, muốn hiểu một cách chính xác nội dung mà người nói truyền tải, người nghe phải tập trung, hướng toàn bộ sự chú ý, quan sát của mình vào cuộc đối thoại. Trong một buổi tư vấn tình cảm tuổi mới lớn, Hoàng L., sinh viên năm nhất ĐH Mở TP HCM, tỏ ra hết sức ấm ức: “Rõ ràng, tôi đã chiều theo ý bạn gái mình nhưng cô ấy lại càng giận dỗi hơn”. Hỏi ra mới biết, trong buổi tiệc sinh nhật của cô bạn gái cùng lớp, bạn gái của L. muốn về trước nhưng vẫn bảo L. ở lại vui cùng các bạn. Phần nghe lời bạn gái, phần không muốn bạn bè mất vui nên L. hồn nhiên... ở lại, để người yêu ra về một mình.
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, đôi mắt là nơi biểu hiện hành động phi ngôn ngữ một cách cụ thể. 90% thông tin ngoại cảnh phản ánh qua ánh mắt nên đây chính là giác quan biểu hiện cảm xúc thay thế cho lời nói nhiều nhất. Tuy nhiên, lắng nghe không phải và không thể là hành động một chiều mà nó diễn ra song phương, có sự tương tác giữa người nghe lẫn người nói. Điều này đòi hỏi các bạn trẻ khi muốn thể hiện thông điệp của mình, ngoài lời nói, còn phải biết kết hợp cả những điệu bộ phi ngôn ngữ để người tiếp nhận thông tin nắm được vấn đề một cách cụ thể nhất.
“Sau đối thoại, lắng nghe phải là một hành động đúng mực”, thạc sĩ Võ Văn Nam nhấn mạnh. Ông lý giải, đó là khi đã nắm được thông tin và ý muốn của người nói, người nghe phải xử lý thông tin đó đúng với tình cảm của mình và đúng với quy chuẩn đạo đức của xã hội.
Đặc biệt, khi phải truyền tải lại thông tin tiếp nhận từ việc lắng nghe, người truyền tải thông tin cũng phải cố gắng thể hiện đầy đủ những thông điệp mà mình đã tiếp nhận. Trong đời sống hiện đại, kỹ năng lắng nghe trở thành đòi hỏi quan trọng trong quá trình gắn kết giữa những con người trong xã hội.
(Theo Người Lao Động)