Rừng lim đầu nguồn đã bị triệt hạ. |
Lúc đó là hơn 4 giờ chiều, trên trục đường chính của xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định), hàng trăm học sinh đang giờ tan trường. Bên vệ đường, nông dân cặm cụi phơi lúa. Bất ngờ, một chiếc Honda 67 chở 2 súc gỗ còn tươi rói lao vút qua. Người đàn ông điều khiển chiếc xe lạng lách liên tục kia có khuôn mặt bặm trợn, lạnh như tiền, rồ ga phóng về hướng thị trấn Tăng Bạt Hổ. Một phụ nữ vừa nép vào gốc cây ven đường tránh chiếc xe, giận dữ nói: "Tụi nó ngày nào cũng chở gỗ lậu. Chạy bán sống bán chết, không xem tính mạng người khác ra gì...".
Đến vùng rừng đầu nguồn xã Bok Tới, một nhóm người đang trên đường đi "săn" gỗ. "Tụi tui ở xã Ân Nghĩa. Thường ngày không có việc gì làm nên vào rừng... kiếm chút cháo !". "Các anh không sợ kiểm lâm à?". "Tít tận trên này kiểm lâm nào lên tới. Lâu lâu mới chạm (mặt) một lần, nên anh em tụi tui đi vô tư lắm!...".
Đi được hơn 10 km, thấy một toán người khác vác những súc gỗ đi ra. 7 giờ tối, trên trục đường vào cửa rừng ở các xã Bok Tới, Ân Tường Tây, Ân Sơn, hàng chục chiếc Honda 67 chạy vào. Tầm 1 giờ sáng, những chiếc xe ấy lại lần lượt lao ra. Sau yên xe là hai ba súc gỗ. Họ nhanh chóng mất hút trong màn đêm tĩnh mịch ở vùng cao.
Số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân cho biết, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay đã có đến 352 vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện và xử lý, gần 300 phương tiện vận chuyển gỗ các loại bị thu giữ; hơn 75 m3 gỗ, khoảng 2.000 kg than hầm và nhiều vật dụng khác bị tịch thu... Dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn không giảm bớt được nạn phá rừng. Cũng theo Hạt Kiểm lâm Hoài Ân, trên địa bàn huyện hiện có gần 500 "lâm tặc" thường xuyên xâm hại đến rừng đầu nguồn. Họ tổ chức thành từng nhóm khai thác và tiêu thụ.
Anh Nguyễn Hùng Cường, cán bộ cơ động của Hạt Kiểm lâm Hoài Ân nói: "Có những làng hầu hết thanh niên trai tráng đổ xô vào rừng, lùng sục đốn hạ những cây gỗ quý. Xã Ân Nghĩa có 147 đối tượng, xã Ân Tường Tây có 69 đối tượng... Trong khi cán bộ của hạt chỉ có 16 người, phụ trách quản lý hơn 52.000 ha rừng. Hạt cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con tự giác bảo vệ rừng nhưng tình hình chưa mấy khả quan...". Việc khai thác tràn lan của "lâm tặc" đang làm cho rừng ngày càng suy kiệt. Ông Nguyễn Văn Bổ - Hạt trưởng cho biết: "Phẩm cấp của rừng đang dần suy giảm. Diện tích rừng lớn, "lâm tặc" lại nhiều nên cán bộ của hạt dù đã làm hết sức mình vẫn không thể nào ngăn chặn triệt để".
Đường dây vận chuyển gỗ trái phép của "lâm tặc" ở Hoài Ân khá tinh vi và hiện đại. Khi vận chuyển, "lâm tặc" sử dụng điện thoại mẹ bồng con, vùng nào có sóng thì dùng cả điện thoại di động liên lạc với nhau. Ông Bổ cho biết: "Không chỉ vậy, một tên chở gỗ còn có năm sáu tên khác dẫn đường. Lực lượng kiểm lâm đi đâu, làm gì, chặn chốt ở vị trí nào bọn chúng đều biết hết... Để đối phó hiệu quả, lực lượng kiểm lâm ít ra phải được trang bị những phương tiện tương tự, nhưng hiện tại cả hạt chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại di động, không có một máy bộ đàm nào. Danh sách những đối tượng xâm hại rừng chúng tôi nắm trong tay, rừng bị phá chỗ nào chúng tôi cũng rõ nhưng bất lực về biện pháp chế tài bởi chúng tôi chỉ có nhiệm vụ bắt và xử phạt. Xử phạt rồi họ lại tiếp tục phá. ưGiao rừng cho họ tự quản lý thì họ lại hờ hững. Chỉ còn cách là “nằm vùng” canh giữ...".
Trước thực trạng rừng đầu nguồn đang từng ngày bị xóa sổ, chính quyền địa phương đã vận động các "lâm tặc" cam kết từ bỏ việc phá rừng. Đồng thời, ngành kiểm lâm cũng đã liên hệ với một số cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản và trồng rừng để giải quyết việc làm lâu dài cho số đối tượng này. Thiện chí là vậy nhưng trên thực tế, những cánh rừng ở Hoài Ân vẫn cứ tiếp tục bị triệt hạ.
Chủ tịch xã Ân Nghĩa Lê Văn Sơn tâm sự: "Xã vừa mới nhận thi công 3 công trình thủy lợi ở địa phương, kêu gọi những người trong độ tuổi lao động tham gia làm với tiền công gần 30.000 đồng/ngày. Có người không đi, có người đi làm được vài ngày rồi bỏ. Họ lại lén lút vào rừng...".
Theo Thanh Niên, quá trình chở gỗ đi tiêu thụ của "lâm tặc" cũng đã gây ra nhiều tai nạn. Nghiệp dư thì sử dụng xe thô sơ. Chuyên nghiệp sử dụng xe tự chế với tốc độ cao, những chiếc xe này đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Bệnh viện Hoài Ân bức xúc: "Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những ca cấp cứu lúc nửa đêm. Nạn nhân là người đi đường bị gãy tay, gãy chân do băng nhóm chuyên chở gỗ lậu húc vào. Có trường hợp bị dập lá lách".
Những băng nhóm khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép ở Hoài Ân như băng Trung “lé” (xã Ân Đức), băng Thanh Bé (Ân Tường Tây), băng Đỗ Dự (thị trấn Tăng Bạt Hổ)... vẫn đang ngang nhiên hoạt động.