Tọa lạc ở phía tây bắc Iran, Kandovan là một trong những ngôi làng kỳ lạ nhất thế giới. Nhìn từ xa, nó trông như một bãi đá khô cằn rải bên sườn núi. Thế nhưng đến gần, bạn sẽ nhận ra đây thực chất là một ngôi làng tồn tại từ hàng nghìn năm qua, hiện là nơi sinh sống của hơn 600 người dân. Một số ngôi nhà ở đây đã ít nhất 700 năm tuổi và vẫn có người sinh sống. Làng thuộc tỉnh Đông Azarbaijan, gần Osku và Tabriz, Iran. Trải qua thời gian dài sau đợt phun trào của núi lửa Sahand (hiện ngủ đông), mưa, gió, nắng... khiến tro, mảnh vỡ và dung nham núi lửa đông cứng lại hình thành những hang động nhỏ mà con người có thể sống được. Rồi người dân sống gần đó biến nơi đây thành nhà của họ, với phần mái có hình nón bằng đất đá tích tụ. Hiện nó đã là một ngôi làng du lịch hút khách. Bên trong nhà trang trí theo phong cách truyền thống của người Ba Tư như trải thảm thổ cẩm... Một số căn trở thành homestay dành cho du khách muốn trải nghiệm cuộc sống của người địa phương. Đặc biệt, có một loại nước khoáng ở làng được nhiều người cho rằng rất tốt, đồng thời là phương pháp chữa bệnh thận. Dạo một vòng quanh làng, bạn sẽ bắt gặp những quầy bán gia vị đủ màu sắc hay tiệm bán đồ lưu niệm nằm nép mình trong đá núi. Kandovan giúp người dân tiết kiệm được kha khá chi phí, nhờ khả năng cách nhiệt tốt của đá núi lửa mà họ không cần lo ngại vấn đề thời tiết. Người dân không cần lắp máy sưởi hay điều hòa nhiệt độ. Trẻ em đang vui đùa trên khoảng sân gần trường học. Ở Kandovan còn có nhà thờ Hồi giáo, trường học và nhà tắm công cộng. Tên gọi Kandovan có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư, "Kando" có nghĩa là "tổ ong", do hình dạng của những ngôi nhà tại đây trông giống như chiếc tổ ong khổng lồ được thiên nhiên ban tặng. Vi YếnVideo: Great Big Story