|
Một góc làng chài Phù Vân. |
19h thứ bảy hàng tuần, bọn trẻ làng chài Phù Vân (dân cư tổ 7, thôn Lê Lợi, xã Phù Vân) í ới gọi nhau ra Quảng trường ngay trước Nhà văn hóa để nô đùa. Khoảng sân rộng thênh thang, sạch bong trong ánh đèn cao áp từ lâu đã trở thành sân chơi “hiếm quý” của những đứa trẻ nghèo làng chài. Xung quanh đó là trụ sở HĐND, UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Sở Nội vụ, Bưu điện tỉnh, phía bên ngoài là quốc lộ 1A ồn ào tiếng xe cộ. Chúng òa ra sân, đứa chèo cột cờ, đứa ngồi bệt xuống, đứa nắm tay nhau chạy tung tẩy. Em Nguyễn Văn Hoà vừa oẳn tù tì để chơi trốn tìm vừa nói: “Ngày thường phải học, cuối tuần chúng em mới được bố mẹ cho ra đây chơi, ở nhiều trên thuyền không có chỗ chơi, chán lắm”.
Ngày ngày, nửa buổi đi học, nửa buổi các em theo cha mẹ đi bắt tôm bắt cá. Mới lớp ba, lớp bốn nhưng đứa trẻ nào cũng rành nghề chài lưới. Em Hoàng Văn Mạnh, học lớp 4, khoe: “Thả lưới gần bờ hay đầu nguồn có nhiều tôm cá hơn. Hôm nào nước cạn, bọn em còn đi chao cua mò ốc, đưa cho mẹ đi bán kiếm tiền mua quần áo mới”. Những lúc rỗi rãi, chúng kéo nhau lên khu chợ chiều không bóng người ngay bên làng chài. Chúng đá bóng, nhảy dây, đứa nào cũng quần áo nhếch nhác, lấm lem, còi cọc so với cái tuổi. Có đứa đi tìm tòi, nhặt nhạnh những thứ bỏ đi xem có thể còn dùng được như nhựa, vỏ chai, ống bơ sắt để tích cóp đổi kiếm tiền.
Buổi tối lên đèn, đi vào con ngõ bên Nhà văn hoá ra làng chài, thấy nơi đây như một thế giới xa lạ hoàn toàn. Một bên là rải đèn cao áp sáng, một bên là những đốm sáng rời rẽ trong bóng tối. Một bên là những toà nhà kiên cố còn bên kia là những chiếc thuyền chài cũ kĩ, xơ xác. Tới chiếc thuyền của gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, phải cúi gập người xuống mới vào được bên trong. Giữa khoang ở chính chỉ rộng hơn 4m2 có tới bốn con người sinh sống. Đồ đạc bày biện chật chội, ngồi vào đâu như cũng va quệt. Chị Tâm rầu rầu nói: “ Mình sống thế nào cũng được, chỉ khổ bọn trẻ nhỏ. Cũng muốn chuyển lên bờ lắm nhưng kiếm cái ăn còn khó, móc đâu ra tiền để rời thuyền lên bờ. Khổ nhất là những ngày mưa gió, thuyền dột khắp chỗ. Bọn trẻ đang ngủ thì nước tong tong chảy xuống mặt, chúng lấy tay gạt nước mếu máo... sao bố mẹ lại đổ nước vào mặt con... Cố giấu, nhưng nước mắt chị Tâm bật ra rưng rưng rơi xuống, chị nói như mếu máo, không có chỗ hai vợ chồng đành đứng ngồi thay nhau căng áo tơi cho con ngủ”.
![]() |
Em Nguyễn Thịnh Khanh, học lớp 5, còi cọc so với các bạn cùng tuổi. |
71 hộ gia đình, 71 chiếc thuyền với 502 nhân khẩu. Nguồn “câu cơm” chính của những con người ít là hai đời, nhiều là bốn đời đã tồn tại trên quãng sông này là bắt tôm, bắt tép đổi lấy tiền lấy gạo mưu sinh. Kiếm cái ăn hàng ngày, cái học cho con trẻ là cả một nghiệp lớn chứ chẳng mấy ai dám mơ ước kiếm tiền lên bờ xây nhà. Thu nhập phụ thuộc vào những lần đi chài lưới, chao cua mò ốc. Hôm nhiều được hai chục, ba chục nghìn; hôm ít được năm, sáu nghìn nhưng không phải thoải mái để kiếm ăn. Sông chật người đông nên người trong xóm phải chia nhau ra từng khu một. Đời cha đời mẹ sống nghề chài, cả đời anh Bùi Trăng Tân cũng bám lấy nghề này. Anh nói: “Không làm nghề này thì biết làm gì để mà sống. Cũng có nhiều thanh niên xóm bỏ “chài” lên thành phố làm phu hồ nhưng phải giành giật, hôm có việc hôm không. Có người không giữ được mình lâm vào tệ nạn, có người bị tai nạn lao động mang tấm thân tật về nhà”.
Làng chài Phù Vân có gần 100 đứa trẻ trong độ tuổi đi học nhưng chỉ có 45 đứa đi học, còn đâu nghỉ hết ở nhà. Mặc dù tất cả các hộ trên thuyền đều thuộc dạng nghèo khó nhưng hầu như không có một chính sách nào giúp đỡ, hỗ trợ con em họ đến trường. Các em ở đây học đến lớp 7, lớp 8 là phải nghỉ học vì gia đình không đủ tiền đi học. Cả làng chài hiếm có đứa nào học học hết cấp Trung học phổ thông.
Hỏi chuyện học hành của các em, người dân làng chài Phù Vân đau đáu ánh mắt trong lặng thinh nhìn về cuối nguồn nước trên dòng sông Đáy, sự sống trực tiếp của họ. Họ xuýt xoa nuối tiếc cho cái Nhung con nhà anh T.P., thằng Tuần con nhà chị K, những đứa trẻ ngoan, nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi của trường Tiểu học Phù Vân. Nhưng đến lớp bảy, lớp tám, cả hai em đều chịu chung cảnh của bọn trẻ làng chài: Nghỉ học. Gặp Nhung lên bờ xin nước ngọt về nấu cơm, Nhung bảo em vẫn mong được đi học lắm “ Nhớ thày cô, trường lớp và nhất là được vui đùa với bạn bè. Có lúc nằm ngủ em mơ đang được cắp sách với các bạn tới trường. Tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm trên thuyền...”, Nhung cúi mặt buồn buồn. Khi chia tay, em vẫn cố với lại một câu: “Ước gì đứa em em không phải bị nghỉ học như em”.
Dân làng chài sống nhờ vào dòng sông nhưng một hai năm gần đây nguồn nước thải công nghiệp từ Hà Nội, Hà Tây đổ về khiến dòng nước trở lên ô nhiễm. Nhiều hôm trời nắng, nước bốc mùi rất khó chịu. Mùa hè năm ngoái, cá con chết hàng loạt nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cuộc sống dân chài vốn sẵn khó khăn lại càng lâm vào cảnh nghèo đói kiệt cùng.
Theo bà Dương Thị Ngọc Hoa, Trưởng thôn Lê Lợi, việc di chuyển làng chài lên bờ đã có kế hoạch từ năm 2001 nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hẹp. Hơn nữa lên bờ rồi, hơn 70 hộ này biết làm gì để đảm bảo cuộc sống, vì thế vẫn chưa thực hiện được.
Cuối tháng 3 vừa qua UBND tỉnh ra Quyết định số 1624/QD về việc “Phê duyệt dự án đầu tư di dân tái định cư làng vạn chài Phù Vân với tổng chi phí 9 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 5,6 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện được. |
Duy Phương