Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014 sinh con trai đầu lòng hôm 23/11/2019. Ba tháng làm mẹ đã khiến cuộc sống của người đẹp thay đổi hoàn toàn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi chưa thuê được người trông trẻ. Tuy vậy, vợ chồng cô với sự hỗ trợ của hai người mẹ cũng đã có những trải nghiệm "lên chức" khá suôn sẻ và ngập tràn hạnh phúc.
Sau ba tháng, Lan Khuê tổng kết lại những vấn đề mà hầu như mọi em bé sơ sinh đều gặp phải và chia sẻ kinh nghiệm của mình với mong muốn giúp các chị em làm mẹ lần đầu bớt bỡ ngỡ.
1. Khô da
Thời gian nằm trong bụng mẹ, làn da của bé được bao phủ bởi một lớp màng, bảo vệ bé khỏi nóng, lạnh cũng như sự tấn công của các vi khuẩn. Tuy nhiên, "màng chắn" này sẽ bong dần lúc trẻ ra đời, từ đó dẫn đến hiện tượng da của trẻ sơ sinh khô, bong tróc khi tiếp xúc với không khí, nước, quần áo...
Lan Khuê chú trọng dưỡng ẩm da mặt và cơ thể bé từ khi ra tháng bằng loại kem dịu nhẹ, dành riêng cho trẻ sơ sinh. Vấn đề tuy không nghiêm trọng nhưng cô khuyên các mẹ "đừng y ỷ" hay thờ ơ bỏ qua.
2. Chàm sữa (lác sữa)
Khi tình trạng khô da của bé không giảm và kèm theo ửng đó, ngứa, rất có thể bé đã bị chàm sữa. Nguyên nhân cũng giống như bệnh khô da, cộng thêm với việc bé bị dị ứng nguồn thức ăn của mẹ cho bú, dị ứng với thời tiết, dị ứng mùi... Vì thế, trong y khoa, chàm sữa được xếp vào nhóm viêm da cơ địa dị ứng.
Theo Lan Khuê, các bé bị chàm sữa thì tốt nhất:
- Không tắm bé quá lâu.
- Nước tắm không quá ấm.
- Dùng sữa tắm không mùi cho da nhạy cảm.
- Mẹ cần kiêng món dễ gây kích ứng cho bé khi tình trạng chàm của bé nặng. Việc ăn uống của mẹ có thể điều chỉnh khi bé đỡ hơn.
- Cho bé mang bao tay để đỡ gãi ngứa gây trầy da mặt.
- Luôn giữ ẩm cho bé.
Nếu tình trạng không khá hơn, mẹ cho bé gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.
3️. Hăm tã
Lan Khuê chỉ cho bé mặc tã từ chiều tối, ban ngày "thả rông". Và tã được thay thường xuyên, mỗi lần thay đều dùng khăn ướt (khăn thấm nước tinh khiết, không phải loại có mùi hương) để thấm kỹ nước tè của bé. Cô lưu ý thao tác là "thấm", không lau để tránh kích ứng và gây đỏ da bé. Sau khi tấm bằng khăn ướt, cô dùng khăn mềm thấm khô da lần nữa rồi mới bôi kem chống hăm.
"Kem hăm khi bôi các mẹ nhớ là bôi hẳn một bệt dày để ngăn nước tè dính vào da bé nhé, chứ bôi mỏng thì cũng như không", bà mẹ một con chia sẻ.
4️. Cứt trâu
Con trai Lan Khuê trước khi tắm đều sẽ được massage. Cô dùng dầu massage hoặc baby lotion bôi lên vùng da đầu bị cứt trâu rồi xoa tròn nhẹ nhàng để vảy bong ra. Lớp vảy này sẽ được rửa trôi khi bé tắm.
5️. Ra ghèn nhiều
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là do bé bị tắc tuyến lệ. Bên cạnh việc nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, 2 lần/ngày các mẹ massage nhẹ vào tuyến lệ, dọc theo phần trên của mũi và dọc theo mí mắt dưới.
Nếu trên 1 tuổi, bé vẫn bị ra ghèn nhiều thì mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ để khơi thông tuyến lệ.
6️. Những vấn đề khác
Lan Khuê từng "hết hồn" khi phát hiện bé có mùi hôi ở tai, sợ con bị viêm tai giữa. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ thì cô phát hiện mùi hôi ở dái tai của bé là do hăm, mồ hôi, nước còn đọng lại chỗ hăm. Nếu cũng gặp tình trạng này, Lan Khuê khuyên mẹ chỉ việc vệ sinh, thấm khô rồi bôi kem chống hăm cho bé.
Còn nếu thật sự trong lỗ tai của bé có mùi thì mẹ phải đưa bé tới gặp bác sĩ ngay.