Phương Liên
(Bài dự thi 'Món ăn ngày Tết')
Thành phần tham dự có Nicole và chúng tôi. Nicole là một cô gái dễ thương đến từ Đức và rất yêu văn hoá Việt Nam. Chúng tôi gồm 10 sinh viên Việt Nam từng ăn bánh chưng, xem người khác gói bánh chưng nhưng chưa từng gói bánh chưng.
Nicole sắp về nước nên chúng tôi tính tổ chức buổi liên hoan này phần là để giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam cho chị, phần nữa là một dịp để mọi người quây quần bên nhau - coi như là tất niên.
Tham vọng của chúng tôi không nhiều: mỗi người tự tay gói lấy một chiếc bánh chưng. Chuyện tưởng đơn giản mà hoá lại chẳng đơn giản chút nào. Sau khi dạo quanh vài trang web tìm hiểu về bánh chưng, tôi phì cười trước cái lịch trình liên hoan + gói bánh chưng vỏn vẹn trong một buổi sáng. Văn hoá Việt Nam đấy, mà sao với tôi lại mới mẻ thế. Cuối cùng lịch trình được "giãn nở" thêm 4 tiếng và những chiếc bánh được thu nhỏ lại 4 lần.
Bắt đầu với công việc chuẩn bị khá công phu, những nguyên liệu như lá dong, lạt rất sẵn trong những ngày giáp Tết, nhưng lại rất hiếm trong những ngày "trái mùa" này. Tôi đã đi khắp các chợ lớn ở Hà Nội, mà vẫn không tìm được. Không muốn làm xuống tinh thần cả nhà, tôi âm thầm đặt status, gửi tin nhắn, tìm kiếm sự giúp đỡ khắp nơi. Thật may mắn, thứ năm - chỉ 2 ngày trước buổi liên hoan này, một người bạn của tôi đã nhờ được họ hàng mang lá dong từ quê ra. Lạt thì không khó lắm. Dù không mua được ở chợ, nhưng tôi cũng kiếm được một thanh giang, mang về nhờ bố tôi chẻ. Sau đấy, tôi đem ngâm với nước muối để lạt được mềm, dễ gói.
Khi các thành viên có mặt đầy đủ, mọi thứ nguyên liệu đều đã được tập hợp sẵn sàng, chúng tôi tiến hành rửa lá, vo gạo, thổi đậu, chẻ củi. 10 người được bốc thăm để chia làm 4 nhóm tương ứng. Tôi rất thích thú khi biết mình vào đội vo gạo. Công việc nhanh gọn lại không đòi hỏi tính chuyên môn cao. Chỉ cần vo thật kỹ, nhặt thật sạch. Vo xong để ráo, rồi rắc ít muối, trộn đều. Hoàn thành nhiệm vụ sớm, tôi ghé qua giúp đội rửa lá. Rửa lá dong thật tỉ mỉ. Chúng tôi rửa bằng một chiếc khăn mặt bông sạch, đưa nhẹ nhàng khắp hai mặt lá. Cứ như thế cho đến khi thấy nước trong, buộc túm lại phơi lên dây cho ráo nước.
Khi phơi cũng phải chú ý, không phơi ra chỗ nắng kẻo lá bị héo. Giúp các bạn phơi lá lên dây xong, tôi lại chạy qua nhóm thổi đỗ của em Chi, chị Hồng, chị Thảo. Chị Hồng đang nhóm bếp. Chị Thảo đã chuẩn bị sẵn nồi và cối giã đậu. Em Chi đang khéo léo gạn vỏ đỗ bằng một cái giá và một chậu nước. Mỗi động tác của em thật uyển chuyển, và nom cũng dễ dàng. Tôi đòi thử. Nhưng chỉ đưa được ba cái, đậu vỏ đã lẫn lộn. Tôi bỏ cuộc qua xem các anh chẻ củi. Lưỡi rìu tuy không được quen tay nhưng chẳng mấy chốc chúng tôi cũng có được một đống củi lớn, sẵn sàng cho 6 giờ luộc bánh.
Và rồi giai đoạn được mong chờ nhất cũng đến - giai đoạn gói bánh. Sau bài giảng về lý thuyết cơ bản của ông em Chi, mỗi đứa được phát 4 cái lá dong và bắt đầu gói. Ai nấy cũng muốn chiếc bánh chưng đầu tiên của mình phải thật đẹp và độc đáo. Mọi người cứ thoả sức sáng tạo. Và quả nhiên là độc đáo. Bánh chưng của chúng tôi đều không giống nhau mỗi cái một kích thước, một hình dạng. (Sau này tôi biết thêm, mỗi chiếc có một hương vị riêng nữa).
10 giờ, những chiếc bánh chưng đã được xếp ngăn nắp trong nồi. Ba anh giai đưa lên bếp củi đã được nhóm sẵn, giắc một ít gio để củi cháy đượm hơn. Chúng tôi ngồi xung quanh đống lửa hừng hực cháy, nướng khoai, trò chuyện với nhau.
Phải đến lúc bấy giờ tôi mới hiểu hết nghĩa của bánh chưng. Chính việc gói và nấu bánh chưng đã mang lại không khí đầm ấm sum vầy của gia đình mỗi ngày Tết đến xuân về. Cảm ơn Nicole, cảm ơn bạn vì đã đến Việt Nam và tìm hiểu về văn hoá của chúng tôi. Để chúng tôi, những người Việt Nam có thêm động lực để tìm hiểu về văn hoá của chính đất nước mình.