Được nuông chiều từ bé, tốt nghiệp phổ thông, Minh được bố mẹ gửi đi du học tại Nhật với mong muốn đất nước với truyền thống học tập và làm việc chăm chỉ này sẽ rèn luyện cậu trưởng thành. Thông qua một trung tâm du học, Minh đăng ký học tại Học tại Học viện ngôn ngữ Yokohama, thành phố lớn thứ 2 tại Nhật, nằm ở phía Nam, cách Tokyo không đến 30 phút theo đường tàu điện.
Đến sân bay Narita vào lúc 2h đêm, Minh đợi mãi mà không thấy người đến đón như đã hẹn. Cậu bắt đầu thấy hoảng vì vốn tiếng Nhật mới chỉ bập bẹ, trong khi tiếng Anh cũng amateur.
An tâm vì có người đón, đưa đến tận trường, Minh chẳng tìm hiểu gì về hệ thống giao thông ở Nhật. Các post điện thoại công cộng ở khắp nơi nhưng Minh cũng không có thẻ. Khi biết không thể đợi thêm, cậu lại gần một người đàn ông đang đứng ở post điện thoại, nói bằng miệng thì ít, bằng tay thì nhiều, nhờ gọi điện thoại. Người đàn ông sau một hồi cũng hiểu ra. Ông ta cho Minh mượn chiếc thẻ để gọi. Minh gọi cho người đã hẹn trước đến đón. Nhưng cậu bạn đó nói rằng cậu ta hôm nay bận đột xuất không đến đón được. Minh điếng người vì thất vọng. Cũng may, người đàn ông Nhật đã cho Minh chiếc thẻ với số tiền còn lại và gọi cho cậu một chiếc xe taxi đến địa chỉ trường học mà Minh cầm trong tay. Cuốc đi taxi chưa đến 1 tiếng lấy mất của cậu gần 200 USD.
Khi đã đến trường, mặc dù nửa đêm, nhà trường vẫn yêu cầu Minh làm bài test và điền vào thủ tục nhập trường. Vừa đói, vừa mệt vì không đi quen máy bay và cũng chẳng ăn gì suốt chuyến bay, cậu lại vất vả đánh lộn với bài test và những câu hỏi check lại thông tin của nhà trường. Bây giờ cậu mới thấy khổ sở vì vốn tiếng Nhật quá mỏng trong 6 tháng học tại VN của mình.
Làm thủ tục xong, nhà trường yêu cầu cậu đóng trước tiền phí ký túc xá mới được vào ở. Minh ớ người vì cậu chỉ mang theo vài trăm USD để tiêu còn tiền gia đình sẽ gửi vào tài khoản sau. Nguy cơ cậu sẽ phải ra đường vì không có tiền nộp lệ phí ký túc xá. Rất may, ông hiệu trưởng đã bỏ tiền túi ra để nộp trước hộ cậu. Và một thầy giáo người Nhật đêm hôm đi mua chăn màn cho Minh. Về đến căn phòng, chưa bằng một nửa cái phòng rộng rãi cậu vẫn sở hữu ở nhà, Minh đói cồn cào. Chưa bao giờ phải tự lo cho bản thân, Minh cũng chẳng biết làm gì. Cậu lôi gói mỳ mang từ VN ra nhúng tạm nước lạnh để ăn. Ở đây, cái gì cũng quy ra thành tiền: 1 lần bật bếp ga 2 yên, 1 lần tắm 2 yên…
Mặc dù ký túc xá chỉ cách trường vài trăm mét nhưng do buổi đêm mệt nghe ông hiệu trưởng chỉ đường không "thủng", sáng hôm sau Minh vẫn lạc đường mất đến 2 tiếng đồng hồ mới tìm được đến nơi. Lớp học hầu hết là người Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong và rải rác du học sinh đến từ Mỹ hay châu Âu. Có duy nhất một cô bé người VN trong trường nhưng Minh cũng chẳng được giúp đỡ gì vì cô bé đó “sính ngoại”, thích thân với mấy anh chàng Hong Kong và Hàn Quốc hơn. Có lần, gặp bài khó, Minh thấy cô bé giảng cho “một thằng” người Hàn rất tận tụy, Minh đến nhờ giải thích thì “nó” bỏ đi thẳng vì “bận, không có thời gian!”. "Thế mới biết, không phải cứ đồng hương đã là tốt, chơi với du học sinh Trung Quốc còn thích hơn", Minh nói.
Viết thư cho bố mẹ ngay sau 2 hôm đến trường: “Mọi việc đối với con thật kinh khủng! Con chẳng biết phải làm gì. Cứ nghĩ sang Nhật sẽ thích lắm! Tối hôm nay, con đi lang thang ngoài phố, thành phố đang bắn pháo hoa để kỷ niệm ngày gì đó mà con cũng không biết. Con càng thấy cô đơn và nhớ nhà hơn bao giờ hết. Bố mẹ gửi cho con thuốc ho vì sang bên này không quen, con bị ho suốt”.
Sự cố đối với Minh vẫn chưa hết. Chẳng hiểu nghe tin vịt ở đâu rằng ở Nhật rất dễ dàng, có trót “cầm nhầm” cái gì đó, cũng chẳng ai bắt bớ, Minh “cầm tạm” một chiếc xe đạp của ai đó ở ngoài một cửa hàng vì quả thật xe cũng chẳng khóa hay trông coi gì cả. Chỉ được 5 ngày, cảnh sát Nhật đã sớm tìm ra cậu khi đạp xe đi mua đồ qua biển số của chiếc xe. Có lẽ cậu đã bị “tống” về nước nếu không có ông hiệu trưởng đứng ra bảo lãnh.
Bây giờ, Minh đã có thể tự lo cuộc sống ở Nhật. Bố mẹ cũng khó nhận ra cậu ấm nhà mình hồi nào. Tóc dài đến quá gáy vì cắt tóc ở Nhật đắt quá. Bây giờ Minh biết đi mua hàng vào mỗi dịp đại hạ giá, biết đứng mỏi chân để đọc ké sách, mỗi ngày chỉ ngủ 5 tiếng vì phải đi làm thêm. Là một trong những học sinh xuất sắc nhất tốt nghiệp học viện ngôn ngữ Yokohama, Minh thi vào trường Cao đẳng kinh tế Tokyo. Cho đến tận bây giờ cậu vẫn nhớ về những kỷ niệm buồn hay là những bài học đắng vì thiếu thông tin, hiểu biết khi đặt chân ra nước ngoài một mình.
Chuẩn bị du học: - Để du học thành công, nhất thiết bạn phải trang bị cho mình kiến thức về địa lý, lịch sử, văn hóa và đặc biệt là pháp luật và giáo dục của nước bạn chuẩn bị đến du học như thời tiết, tỷ giá tiền tệ, phong tục tập quán, những số điện thoại trợ giúp. Điều này sẽ tránh cho bạn các cú sốc không cần thiết. - Bạn cũng nên tìm hiểu trường kỹ càng, làm quen, liên hệ với các sinh viên đã từng học tại các nước, trường đó để có quan hệ trước. - Bạn nên mở thẻ tín dụng từ trước để thuận tiện cho việc nhận tiền học phí, ăn ở. - Những hành trang tối thiểu bạn cần mang là máy tính, điện thoại,văn phòng phẩm, hộ chiếu còn thời hạn tối thiểu 6 tháng và thị thực nhập cảnh (visa), một số ảnh thẻ để dùng cho việc làm các loại thẻ khi cần. Ngoài ra, bạn cũng nên mang các giấy tờ liên quan đến trường sẽ học như thư mời học, tên người phụ trách sinh viên quốc tế tại trường đến học, một số tiền tiêu vặt trong thời gian đầu, các loại thuốc dự phòng thông thường như dầu xoa, thuốc ho, đau đầu, đau bụng... Ảnh gia đình, bạn bè và một số đĩa nhạc yêu thích sẽ giúp bạn bớt nhớ nhà trong thời gian đầu. - Bạn nên ghi số điện thoại liên lạc lên tất cả các túi hành lý để tiện trình báo trong trường hợp bị thất lạc - Tại sân bay nước bạn, tuyệt đối không mang hộ quà người lạ gửi. Bạn nên đến quầy thông tin để nhân viên hướng dẫn bạn cách bay tiếp hoặc di chuyển về nơi bạn ở bằng các phương tiện công cộng nếu cần. - Sử dụng máy rút tiền tự động ở nơi có nhiều người lui tới, có đèn sáng, không đứng ngay tại máy rút tiền tự động để đếm tiền. |
Thu Lê