Thuở nhỏ, tôi mê mẩn Kiều Nguyệt Nga, Hồ Xuân Hương, Tiên Dung... từ những đêm đi nghe hát cải lương. Tôi học thuộc lời, tập ca và có lẽ ngọn lửa tình yêu nghệ thuật nhen lên từ đấy.
Khi đoàn văn công Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) tuyển diễn viên, nhiều người khen tôi có đôi mắt đẹp, giọng vang và "xúi" tôi đi thi. Tôi bắt đầu con đường diễn viên như vậy.
Suốt 5 năm đầu về đoàn, tôi chỉ đóng vai quần chúng. Có hôm chờ suốt đêm diễn để xuất hiện chút xíu và nói một câu nhưng vào đến cánh gà tôi vẫn chưa hết run. Sau đó, tôi trở nên tự ti và hoang mang về con đường đã chọn. Tuy nhiên, tình cảm của đồng nghiệp, đạo diễn cộng thêm nhiệt huyết với nghề đã giữ tôi ở lại.
Nghệ sĩ Kim Xuyến nấu ăn. |
Tôi nhận được vai diễn đầu tiên hết sức tình cờ. Hôm đó, đoàn tập vở Hà Nội năm 1946. Diễn viên đóng vai cô Soạn quên mang theo kịch bản và không nhớ lời thoại. Đến đoạn nhân vật Soạn xuất hiện, đạo diễn Trần Hoạt hỏi hú họa: "Ai nhớ kịch bản thì lên đóng thử coi". Tôi giơ tay và xăm xăm bước lên sân khấu.
Có lẽ niềm khát khao được diễn lấn át nỗi lo sợ cố hữu bấy lâu trong tôi. Tôi vào vai cô du kích ngoại thành bằng bản năng và niềm khao khát áp ủ bấy lâu. Từ đó, tôi thường được giao vai bí thư Đoàn hay những nhân vật cương nghị, đúng đắn. Các đạo diễn đã biến nhược điểm căng cứng trong diễn xuất của tôi thành thế mạnh và động viên tôi qua từng vai diễn.
Bộ phim đầu tiên tôi tham gia là Khôn dại của cố đạo diễn Phạm Văn Khoa. Sau đó ông Khoa mời tôi thử vai chị Dậu. Khi xem hình ảnh quay thử, ông ấy lắc đầu bảo mắt của tôi sắc sảo và lông mày trông dữ tướng quá... Có lẽ số tôi không có duyên với vai chính.
Niềm hạnh phúc của diễn viên chuyên đóng vai phụ là được hòa mình vào không khí của tập thể và dẫn dắt khán giả đi vào vở diễn theo ý đồ nghệ thuật. Sau này đóng phim, tôi thường được giao chỉ huy nhóm bà con ở các địa phương vào vai quần chúng.
Đứng giữa đám đông, giữa những hơi thở nồng nàn, mùi mồ hôi chua chua của quần chúng, trong tôi có niềm vui lâng lâng khó tả. Tôi thấy mình như vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc hay tướng lĩnh dẫn quân ra trận.
Vai diễn của tôi được nhiều người nhớ là chị Tâm bán phở trong phim Canh bạc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Tuy vẫn là vai phụ, vẫn đanh đá, chua ngoa và lẳng lơ nhưng phía sau hình ảnh ấy là vẻ đẹp của trái tim và lòng nhân hậu. Hai tháng rong ruổi cùng đoàn phim ở vùng sông Đà (Hòa Bình) để lại trong tôi nhiều kỷ niệm về những ngày làm phim nghiêm túc, đầy tâm huyết với nghề.
Cách đây không lâu, khi tham gia khóa học về điện ảnh ở Pháp, diễn viên Chiều Xuân có gọi điện về cho tôi. Trong chương trình học, cô ấy được xem Canh bạc nên đã hỏi bằng được số điện thoại và gọi ngay cho tôi kẻo để lâu sẽ... nguội.
Xuân cười, thắc mắc sao cách đây vài chục năm mà tôi dám mặc áo hai dây... sexy đến thế! Tôi đùa với Xuân rằng không chao chát và sexy thì... không phải Kim Xuyến!
Tôi vào vai chị Tâm khi ở tuổi ngoài 40, chắt chiu từng niềm vui nhỏ nhoi và muộn màng trên con đường nghệ thuật. Bù lại, hạnh phúc đến với tôi rất sớm và cuộc sống gia đình khá ổn định suốt mấy chục năm nay.
Tôi gặp anh ấy trong lần đi giao lưu với đội tuyển bóng đá của ngành pháp binh. Là cầu thủ, anh mộc mặc, giản dị và ít nói, chẳng bù với tôi, đi đến đâu cũng làm không khí ở đó rộn ràng hẳn lên.
Chúng tôi cưới nhau khi tôi mới 20 tuổi và anh ở tuổi 22. Hai năm sau đó, tôi sinh con gái đầu lòng. Ở nhà được ba tháng, tôi phải gửi bé để đi diễn vì lúc đó đoàn thiếu nhiều diễn viên.
Năm 1979, tôi sinh bé thứ hai, sau cháu đầu đúng một năm. Khi có bầu, tôi phải "thắt lưng buộc bụng" đúng nghĩa đen của từ này. Nhà hát hồi đó thường xuyên sáng đèn, diễn viên không nhiều trong khi vở diễn nào cũng huy động vài chục nghệ sĩ.
Đào chính không dám sinh nhiều con vì kỷ luật khắt khe từ nhà hát và sự bó buộc của công việc. Mỗi lần có bầu, đồng nghĩa với việc họ phải tạm chia tay ánh đèn sân khấu, xa vai diễn mà mỗi nghệ sĩ đều trút vào đó tất cả tâm sức và đam mê. Biết vậy nên khi mang bầu, tôi không khai báo gì cả và vẫn mặc quần áo ngày thường.
Trong vở Thử lửa, tôi đóng vai cô Thục làm nghề cấp dưỡng, yêu một anh thanh niên chậm tiến. Lúc đó, tôi mang bầu tháng thứ 6 nên hơi băn khoăn. Khi "bà bầu" đang mải mê tâm sự với "người yêu", bỗng một khán giả ngồi gần sân khấu nói giọng miền Trung vọng lên: "Cô Thục có bầu".
Trong thời gian đó, tôi liên tiếp sinh ba đứa con, chỉ cách nhau năm một nên tranh thủ lo cho gia đình. Tôi quan niệm, để vừa theo nghề, vừa làm mẹ và làm vợ, cần biết cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. May mắn là chồng và các con đều hiểu, thông cảm với công việc của tôi.
Hai cô con gái lớn của tôi đã định cư ở Đức nhiều năm nay. Các cháu rất biết lo toan chia sẻ với bố mẹ trong việc nuôi em ăn học.
Năm 2004, chồng tôi sang chơi với các con. Bỗng nhiên tôi nhận được tin anh ấy bị tai biến mạch máu não. Ngày đi anh lành lặn, khi trở về một cánh tay anh buông thõng và chân chống nạng. Tôi là người lạc quan nhưng vẫn không kìm được nước mắt.
Suốt ba năm qua, bất kể mùa đông hay mùa hè, mỗi buổi sáng và chiều, tôi đều đưa chồng đến hồ Tây để tập đi. Tôi dìu anh đi trong những ngày đầu còn khó khăn. Sau này chân tay anh cứng cáp hơn, anh vịn lan can sắt xung quanh hồ phía đường Thanh Niên để tự đi. Hôm nào bận diễn, không đưa anh đi được, tôi thấy bứt rứt lắm. Có lúc vừa cười xôn xao trên sân khấu, bước vào cánh gà tôi vội vớ lấy trang phục rồi phóng xe về nhà đưa anh ra hồ Tây.
Từ khi ông xã bệnh tôi không dám nhận show nào xa nhà hay diễn vào ban đêm. Các nghệ sĩ trẻ thi thoảng ngỏ lời: "Cô cháu mình di diễn, làm mấy tiểu phẩm Gặp nhau cuối tuần vẫn "ăn" đấy cô ạ". Nghe bùi tai và không phải ai cũng được "rủ rê", nhưng tôi kiên quyết lắc đầu. Có lúc niềm yêu nghề trong tôi trỗi dậy trước vai diễn hay, với chuyến đi Quảng Ninh chỉ hai ngày... Thế nhưng, tôi không muốn khi đêm xuống, anh ấy phải một mình dò dẫm trong ngôi nhà.
Kim Xuyến vào vai Tâm trong bộ phim "anh bạc". |
Anh ngã bệnh làm tan vỡ những dự định và ước mơ ấp ủ bấy lâu của hai vợ chồng. Bao nhiêu năm chúng tôi nhọc nhằn, trút hết sức trẻ và thời gian cho công việc, con cái. Đến lúc các con trưởng thành, cả hai muốn hưởng hạnh phúc tuổi già thì bệnh tật của anh ập đến.
Chúng tôi định bụng sau khi anh đi Đức sẽ sửa sang lại nhà, bố trí nội thất. Ngoài ra, chúng tôi sẽ dùng khoản tiền tiết kiệm mua chiếc ôtô Matiz để anh và bạn bè đi thăm đồng đội cũ... Bây giờ, tất cả tinh thần và vật chất của cả nhà đều tập trung lo cho sức khỏe của anh.
Tôi học sử dụng một số dụng cụ y tế trợ giúp để hỗ trợ chồng tập luyện, xoa bóp. Không chỉ thế, tôi còn chế biến các món đặc biệt dành riêng cho anh... Trời thương nên cho tôi sự dẻo dai để làm việc không biết mệt mỏi.
Tuy nhiên, sức khỏe của tôi cũng có giới hạn. Tôi bị mỡ trong máu và huyết áp cao nên đã điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện. Tôi thậm chí không dám đo huyết áp vì sợ phải nằm viện và uống thuốc. Tôi luôn tự nhủ là mình không được phép ốm.
Đối với nghệ sĩ, hai tiếng "nghỉ hưu" mới buồn làm sao. Không còn trẻ để cống hiến nhiều như trước, sắc vóc chỉ hợp với các vai lớn tuổi, họ buồn vì có cảm giác bị gạt ra bên lề.
Bây giờ, thời gian chủ yếu tôi dành để chăm sóc chồng, nhưng nếu có vai, dù ngắn hay dài, diễn trong ngày là tôi nhận lời. Tôi cũng sợ khán giả quên mình. Có lần đạo diễn Trần Phương mời tôi đóng trong cảnh ngắn, chỉ nói một câu có 12 từ. Tôi bảo vui: "Anh giãn ra 12 tập, 12 chữ cho em có phải hay hơn không".
Có lúc, tôi đưa vào tiểu phẩm hài kinh nghiệm chăm sóc chồng bị tai biến. Lúc ấy, nỗi buồn sự mệt mỏi biến thành tiếng cười trên sân khấu. Người xem thấy tôi diễn cảnh vợ chăm sóc chồng nhẹ như không, nhưng mấy ai biết có những giọt nước mắt đã lặn sâu trong lòng tôi.
Nghệ sĩ Kim Xuyến
(Theo Tiếp Thị Gia Đình)