Giấy phép sản xuất
Để có giấy phép sản xuất một đĩa nhạc, đơn vị sản xuất phải có một bộ hồ sơ "xin phép sản xuất" gồm: đơn xin phép sản xuất, danh mục bài hát sẽ sản xuất, cùng với ký âm và lời những bản nhạc gốc, để gửi xin phép ở Sở VH-TT.
Việc xin giấy phép sẽ khá nhanh nếu đĩa toàn là những ca khúc cách mạng, còn không phải diện trên thì phải "đi tàu chậm".
![]() |
Album Mỹ Nhân Ngư của ca sĩ Mỹ Lệ - một trong số album bị ách giấy phép vì sự rườm rà. |
Nếu trong số các ca khúc xin phép có bài nào đó trước 1975 "chưa được cho phép" thì phải làm thủ tục "xin phép được phổ biến tác phẩm" gửi đến Bộ VH-TT chờ các chuyên viên thẩm định và hội đồng xét duyệt.
Riêng công đoạn này phải chờ không biết đến chừng nào vì rất nhiều lý do: chuyên viên thẩm định thiếu, chưa triệu tập được hội đồng, các cán bộ có trách nhiệm bận đi học, đi họp, đi công tác nước ngoài...
Khi muốn sản xuất một đĩa nhạc, các nhạc sĩ biên tập và nhà sản xuất phải cân nhắc rất kỹ về tính hài hòa của chủ đề, sự hấp dẫn thính giả... mới mong bán được. Thế nhưng rất nhiều chương trình đã bị can thiệp thô bạo ngay từ công đoạn này, yêu cầu phải đổi bài này bài nọ vì "buồn quá!", "não tình quá!"..., mặc dù như thế nào gọi là "não tình" thì cũng chỉ do cảm nhận tùy hứng của chuyên viên tham mưu chứ không hề có một chuẩn mực nào cụ thể.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong các album thỉnh thoảng lại có vài bài vui vui, chẳng ăn nhập gì đến chủ đề chung.
Có quá nhiều thủ tục quá rườm rà trong công đoạn này. Chẳng hạn sản xuất một đĩa nhạc hòa tấu ca khúc cũng bắt buộc phải có lời bài hát kèm theo trong hồ sơ xin phép; cũng với nội dung ấy đã sản xuất đĩa CD, nay muốn chuyển qua VCD hoặc karaoke thì đều phải nộp hồ sơ xin giấy phép lại từ đầu...
Giấy phép phát hành
Khi đã có giấy phép sản xuất và thực hiện xong sản phẩm, đơn vị sản xuất lại phải nộp bản ở Sở VH-TT để xin giấy phép phát hành. Hồ sơ xin "giấy phép 2" này gồm một đơn "xin phép phát hành", trong đơn ghi rõ danh mục bài hát đã sản xuất và đĩa thành phẩm. Cơ quan chức năng sau khi "duyệt" nội dung và hình ảnh xong sẽ cấp giấy phép phát hành.
Trong quá trình xét duyệt, cơ quan chức năng phát hiện một lỗi gì đó (bài hát thực hiện không đúng giấy phép, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục...) thì giấy phép không được cấp và đơn vị sản xuất phải thực hiện lại nội dung theo đúng "giấy phép 1".
Sau khi sửa chữa lỗi xong, đơn vị sản xuất lại phải làm lại từ đầu việc xin giấy phép phát hành.
Đơn mua tem
Có giấy phép phát hành được đóng dấu của Sở VH-TT, nhưng sản phẩm vẫn chưa được phát hành ra thị trường bởi còn thiếu tem. Vậy là phải đi "mua tem" tại phòng quản lý băng đĩa nhạc thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn ở tận Hà Nội.
Tiếng là mua, song đơn vị phải làm đơn xin cấp tem nhãn, có đính kèm "giấy phép phát hành" của Sở VH-TT và hai thành phẩm mang nội dung xin mua tem.
Công đoạn mua tem này lẽ ra rất bình thường vì cơ quan chức năng đã xét duyệt nhiều lần, đã cấp giấy phép, song thực chất đây là một đợt duyệt lần cuối cùng ở cấp bộ.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, rất nhiều trường hợp Sở VH-TT đã cấp đủ giấy phép nhưng ra tới chỗ "con tem" thì lại bị bác lại. Nhiều khi lí do chỉ vì những lời phán hết sức cảm tính như "ca sĩ mặc váy ngắn, áo mỏng...", trong khi khái niệm "mỏng, ngắn" này chẳng có gì là rõ ràng (ngay cả bộ trưởng Bộ VH-TT ra điều trần trước QH cũng phải thừa nhận không thể đưa ra một thước tấc nào cụ thể).
Không được bán tem thì coi như sản phẩm ấy sẽ không thể ra thị trường, vì sản phẩm không có "tem" theo nghị định 87 - 88 được xếp vào loại hàng lậu. Điều đó nghĩa là giá trị của các giấy phép Sở VH-TT đã cấp không có tác dụng. Cục Nghệ thuật biểu diễn có quyền tối cao như thế thì sao không để các hãng xin phép thẳng ở cục cho đỡ vất vả và tốn kém - có công đoạn nào là "miễn phí" đâu?
Chưa hết, trên mỗi con tem đều có ghi chi tiết tên chương trình, số giấy phép. Hiệp hội Ghi âm đã kiến nghị tem cấp chỉ cần ghi tên hãng, mỗi hãng sẽ tự chịu trách nhiệm nếu sử dụng tem không đúng qui định, nhưng đề nghị này cũng không được chấp thuận. Trong khi việc cấp tem sớm hay trễ sẽ có ảnh hưởng quyết định đến doanh thu của các hãng, nhất là với những chương trình có tính chất thời điểm.
Đó là ba bước đi bắt buộc của một chiếc đĩa nếu muốn ra đời. Thế nhưng nhiều đĩa đã đi đủ ba bước, nghĩa là đã qua ba lần kiểm tra rồi, song khi ra thị trường lại được phát hiện là có "vấn đề".
Đó có thể là chuyện ảnh hộp đĩa "thiếu văn hóa" như CD Tôi là tôi của Quách Thành Danh, chuyện CD Biển nghìn thu ở lại của Quang Dũng có đến bốn ca khúc hải ngoại chưa ai cho phép phổ biến.
Xảy ra những sự cố như thế, nhà sản xuất mới ngỡ ngàng nhận ra các nhà quản lý của chúng ta tuy có vẻ rất chặt chẽ và giành toàn bộ quyền quyết định về mình trong một sản phẩm văn hóa đại chúng, thật ra vẫn còn lỏng lẻo.
Vấn đề giảm lược các khâu được ông Huỳnh Tiết, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN, cho biết sẽ đề nghị bỏ bớt một bước là giấy phép sản xuất.