Không còn xa lạ ở phương Tây, nhưng gần đây trào lưu làm tượng tay chân cho con bằng thạch cao để kỷ niệm mới được nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam quan tâm. Đây là hình thức mô phỏng như thật bàn tay bàn chân của em bé theo đúng tỷ lệ kích thước, hình dáng nguyên bản, chính xác tới từng đường chỉ tay, đường vân. Những sản phẩm này giống tới mức nhiều người lần đầu nhìn thấy sẽ không khỏi giật mình, thậm chí là sợ hãi.
Chị Nguyệt (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhiều bà mẹ mong muốn giữ được một phần hình ảnh thời ấu thơ của con một cách thật nhất bằng những hình khối 3D. Để một ngày nào đó, khi con lớn, họ vẫn có thể cầm nắm lại được bàn tay, bàn chân nhỏ xíu năm xưa.
Sản phẩm có hình dáng chuẩn "từng centimet", từ đường chỉ tay cho tới kẽ móng. |
Ở Việt Nam, loại hình này chưa phổ biến, hơn nữa giá cả lại không rẻ, dao động từ 450.000 đến 1.000.000 đồng một sản phẩm. Nhiều bà mẹ quan tâm đã phải tự tìm mua các loại nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam và thực hành theo hướng dẫn từ các video nước ngoài để tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, tự tay làm cho con mình, nhiều bà mẹ cảm thấy sản phẩm thêm phần ý nghĩa.
Chị Hà (sinh năm 1984, ở 14 Hàm Tử Quan, Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị ban đầu cũng do yêu thích rồi tự mày mò cách làm trên Youtube để thực hiện với người mẫu nhí là hai đứa con nhỏ của mình. Dần dần, chị nhận thấy nhiều bà mẹ cũng có chung mối quan tâm với mình nên đã quyết định lên kế hoạch kinh doanh.
Thoạt nhìn những bức tượng tay chân này khá... kinh dị. Chúng được làm theo tỷ lệ 1:1, đúc theo khuôn là bàn tay thật của trẻ nên khi ra thành phẩm có hình dáng y như thật, sống động. Bàn tay, bàn chân này sau hoàn thành sẽ được gắn lên khung hoặc đế cắm. Chính từ sự rùng rợn này mà đối tượng khách thời gian đầu thường là những bậc phụ huynh trẻ tuổi và có "thần kinh thép".
Bức tượng giống tới từng chi tiết khiến nhiều người giật mình. |
Nguyên liệu để làm ra một bàn tay hoặc bàn chân cũng không khó kiếm, bao gồm bột lấy dấu (loại dùng làm răng giả) và bột thạch cao y tế, đều được bán ở các cửa hàng dụng cụ y khoa. Bột lấy dấu sau khi được hòa với nước theo tỷ lệ thích hợp, sẽ được đánh nhanh và đều tay bởi chúng rất nhanh khô và quánh. Sau đó, bàn tay trẻ sẽ được nhúng ngập vào dung dịch này để lấy dấu. Để bất động tầm 2-3 phút cho bột đông lại theo đúng khuôn mẫu thì rút tay trẻ ra rồi đổ dung dịch thạch cao vào tầm 40 phút cho đông là hoàn thành phần lớn công việc.
Công đoạn thích thú nhất khi làm những sản phẩm này là lúc bóc lớp bột lấy dấu bên ngoài. "Khi đó, bàn tay nhỏ xíu, dễ thương của trẻ sẽ dần dần lộ ra. Bàn tay các bé mũm mĩm, xinh xinh như đang huơ huơ gọi mẹ. Tuy không phải là con mình nhưng khi ngắm nhìn tôi cũng cảm thấy rất đáng yêu và cảm thấy công việc của mình rất có ý nghĩa. Làm mẹ là một trải nghiệm tuyệt vời. Ngoài 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, người mẹ còn được chứng kiến con mình lớn lên mỗi ngày. Nhiều khi nhìn những bàn tay làm cho khách mà tôi cảm thấy chút nuối tiếc bởi không biết tới loại hình này sớm hơn để lưu giữ hình ảnh cho con mình ngay từ khi lọt lòng. Giờ hai bé ở nhà đã ngoài 2 tuổi mất rồi", chị Hà chia sẻ.
Cũng theo chị, ban đầu có nhiều người tỏ ra e dè bởi hình dáng có phần ghê rợn của những bàn tay, bàn chân này. Bản thân chị khi bắt tay vào công việc cũng vấp phải không ít ánh nhìn thiếu thiện cảm. Khi bắt đầu kinh doanh, chị đã phải thuyết phục từng bà mẹ hàng xóm để họ cho con mình làm mẫu. Ban đầu, ngoài hình dáng có phần rùng rợn, nhiều người cũng còn ngần ngại bởi quan niệm mang tính tâm linh rằng lưu giữ tượng bàn tay bàn chân sẽ không đem lại may mắn cho trẻ nhỏ.
Giá một bộ kit các nguyên liệu để tự làm ở nhà có giá từ 150.000 đồng. Ảnh: Facebook shop mẹ Bách. |
Qua thời gian, bằng chính sản phẩm đáng yêu và sống động do mình tạo ra, chị Hà đã thuyết phục được những ông bố bà mẹ này thay đổi suy nghĩ. Bàn tay, bàn chân của mỗi trẻ có một đặc điểm khác nhau, cũng như khác biệt ngoại hình cao thấp, béo gầy. Vì thế, khi cầm sản phẩm trên tay, nhiều phụ huynh đã nhận ra ngay dấu ấn rất riêng của con mình và tỏ ra thích thú. Thậm chí, có người đã mua tới vài ba bộ để lưu giữ từng khoảnh khắc sẽ không bao giờ quay lại trong đời trẻ.
Bà mẹ nào cũng muốn tận tay thực hiện tất cả các công đoạn tạo hình cho tượng, tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong lần đầu tiên. Bột lấy dấu đông khá nhanh, người làm phải đổ nước thật nhanh và phải đánh thật nhanh cho nhuyễn, nếu chậm thì hỗn hợp sẽ bị cứng quá khiến tượng không được như ý muốn. Bột lấy dấu an toàn cho trẻ bởi vốn được dùng trong y khoa, tuy nhiên lại khá lạnh khi chạm vào, nên nhiều trẻ không chịu hợp tác với mẹ khi tiến hành.
Độ tuổi thích hợp để làm tượng 3D phải là trẻ 3-4 tuổi trở lên, còn nếu nhỏ hơn, các mẹ thường phải chờ cho tới khi con ngủ say mới làm được, nếu không bé cựa quậy sẽ làm hỏng tác phẩm. Bản thân chị Hà khi đi làm cho khách cũng gặp không ít "tai nạn" do các bé không chịu hợp tác, có khi phải đi tới 5-7 lần bé vẫn không chịu ngồi yên để lấy dấu tay, gây ra mệt mỏi cho cả chủ lẫn khách.
Số lượng khách hàng thời gian thử nghiệm này chưa nhiều, chị Hà mới bán được khoảng 20-30 bộ kit (bao gồm bột lấy dấu, bột thạch cao, màu nhũ, bút lông, với giá từ 150.000 đồng) trong vài tháng trở lại đây. Trừ các chi phí vận chuyển và tiền vốn thì lời lãi không còn bao nhiêu, nhất so với công việc kinh doanh quần áo trẻ em chị đang làm.
"Khi con mình lớn lên, không chỉ cha mẹ mong muốn được ngắm nhìn phần cơ thể của con khi còn nhỏ mà ngay chính các bé cũng rất thích thú khi được tận tay sờ nắn 'bàn tay, bàn chân' của mình trước đây. Đây không chỉ là niềm vui của phụ huynh mà còn là niềm vui của những người bán hàng và khó khăn hay lợi nhuận lúc này cũng không còn nhiều ý nghĩa", chị Hà tâm sự.
SuZi Nguyễn