Người nước ngoài hài lòng với điều kiện sống, làm việc ở Trung Quốc. |
Đặc biệt, ở Trung Quốc và Ấn Độ, nền kinh tế đang bùng nổ thu hút số lao động đến từ phương Tây nhiều chưa từng có.
Ấn Độ: Tìm lao động phương Tây giá rẻ
Các hãng công nghệ thông tin (IT) ở Ấn Độ thường thuê người nước ngoài ở vị trí chuyên gia. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Ấn Độ để tìm những công việc có vị trí thấp như nhân viên trả lời điện thoại với khoản lương thấp so với ở quê nhà.
Mỗi người có một cách giải thích khác nhau như đây chỉ là công việc tạm thời, vừa làm vừa du lịch, khám phá... nhưng phản ánh thực tế chung là giới trẻ ở Mỹ, châu Âu ngày càng khó khăn khi tìm việc làm tại quê nhà do kinh tế trì trệ.
Mặt khác, thực tế này cho thấy những nền kinh tế bùng nổ như Ấn Độ đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động thành thạo ngoại ngữ. Khách hàng thường than phiền các nhân viên người Ấn Độ có khả năng ngoại ngữ quá tồi nên nhiều công ty phải thuê người nước ngoài ở vị trí trả lời điện thoại.
Theo ước tính của Hiệp hội Quốc gia các công ty dịch vụ phần mềm Ấn Độ, ngành này thu hút hơn 30.000 lao động nước ngoài, cao gấp 3 lần so với cách đây 2 năm. Tổng số người nước ngoài đang làm việc ở Ấn Độ đã lên tới hơn 50.000, chỉ riêng ở trung tâm IT Bangalore có 12.000 người.
Ước tính tới năm 2010, các tập đoàn có chi nhánh trên khắp thế giới của Ấn Độ cần hơn 160.000 lao động có kỹ năng cao về ngoại ngữ. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Ấn Độ chỉ đáp ứng được khoảng 40.000 người và lao động nước ngoài sẽ tạo ra sự khác biệt.
Tata, một trong những tập đoàn IT lớn nhất của Ấn Độ, vừa công bố kế hoạch tăng gần gấp 3 số nhân viên người Mỹ (từ 600 lên 1.500 người) để lấn chiếm thị trường nước này.
Công ty Evalueserve ở Delhi hiện có 40 người nước ngoài trong tổng số 900 lao động và ngay trong năm nay cần thêm 150 lao động đến từ phương Tây...
Không chỉ các nhân viên quèn trong công ty mới có mức lương thấp. Lương của các chuyên gia nước ngoài tại Ấn Độ thường thấp hơn nhiều so với số tiền họ có thể kiếm được ở bản xứ.
Tuy nhiên, các công ty Ấn Độ ở bản quốc hoặc tại chi nhánh bên ngoài luôn thu hút người nước ngoài bằng cách đảm bảo cho họ một cuộc sống thoải mái, được bảo hiểm nhiều thứ và môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Trong khi nhu cầu lao động nước ngoài của các công ty Ấn Độ ngày càng tăng, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ và châu Âu lại phải liên tục cắt giảm nhân viên vì kinh doanh khó khăn. Đây cũng là lý do khiến các công ty Ấn Độ thuê được lao động nước ngoài với tiền lương rẻ hơn.
Trung Quốc thu hút lao động trẻ chuyên nghiệp
Là thị trường đang phát triển lớn nhất thế giới, Trung Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với lao động phương Tây. Ước tính số lao động nước ngoài đang sống và làm việc ở Trung Quốc đã lên tới hàng trăm nghìn người.
Anh Sam Woollard, đến từ Cambridge (Anh), từng là chuyên gia báo chí và thị trường của hãng British Airway và nhiều công ty khác ở châu Âu, Australia. Cách đây 2 năm, Sam đến Thượng Hải làm Giám đốc Xuất bản của Phòng Thương mại Đức và quyết tâm gắn bó với mảnh đất này lâu dài vì môi trường mới luôn làm cho cuộc sống của anh thoải mái.
Sam cho biết hầu hết người nước ngoài làm việc tại hơn 400 công ty của Đức tại Thượng Hải cảm thấy hài lòng với sự ưu đãi của chính quyền và phấn khích trước sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế.
Steve Kuhn, người Mỹ, tốt nghiệp ĐH Harvard, sang làm việc tại Bắc Kinh năm 2005 với vị trí chuyên gia tư vấn của hãng Goldman Sachs. Steve mở website giới thiệu với bạn bè khắp thế giới về thành phố Bắc Kinh với những đặc trưng mà ở Mỹ, châu Âu không có để khuyến khích họ đến đây làm việc.
Nhiều lao động trẻ nước ngoài rất ngạc nhiên và hài lòng trước sự thay đổi nhanh chóng của người Trung Quốc. Thomas Podvin, người Pháp, làm việc cho một tạp chí của Mỹ ở Thượng Hải, cho biết người Trung Quốc ngày nay rất cởi mở và thân thiện, thậm chí cả người già cũng không còn bảo thủ.
Đây chính là lý do níu kéo Thomas và nhiều người nước ngoài khác gắn bó với Thượng Hải.
Nhiều lao động nước ngoài khác đến với Trung Quốc đơn giản vì thức ăn ở đây rất hấp dẫn, tiền lương kiếm được nhiều, trong khi chi tiêu lại rẻ. Có người lại muốn thử sức và chứng tỏ khả năng ở một trường kinh tế phát triển nhanh và cạnh tranh cao như ở Trung Quốc...
(Theo Tiền Phong)