- Anh làm "Mùa len trâu" với trí tưởng tượng của một cậu bé người Vũng Tàu, một người đàn ông xa quê hơn 30 năm, hay của một nhà vật lý?
![]() |
Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. |
- Cả ba cộng lại. Càng chiêm nghiệm về những truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, tôi càng khám phá chiều sâu của từng truyện. Tôi viết kịch bản, tự các nhân vật cứ kéo tôi đi và họ tự kể câu chuyện của họ, chẳng cần gì bàn tay dẫn dắt của Nguyễn Võ Nghiêm Minh nữa.
- Trong con mắt của một nhà vật lý như anh, trí tưởng tượng của một người sáng tác gồm những thành phần gì?
- Trí nhớ, kinh nghiệm sống, sở thích, khát vọng và cả sức khoẻ của chính người đó. Tôi thích sống ngoài thiên nhiên. Giữa cỏ cây đất trời, trí tưởng tượng dễ dàng bay bổng.
- Sự tưởng tượng với người sáng tác cần thiết đến mức nào?
- Một người sáng tác không có trí tưởng tượng thì tác phẩm của anh ta chẳng đi tới đâu. Người sáng tác không ai có thể nói là mình không vay mượn từ những người đi trước; nhưng từ những cái vay mượn đó, nếu không tiếp tục tưởng tượng thì không thể làm nên những tác phẩm rung động công chúng. Chẳng trường lớp nào dạy được điều này.
- Lớp người lớn tuổi ở Vũng Tàu giờ vẫn còn nhớ: trước giải phóng, gia đình anh là chủ hai rạp chiếu bóng lớn, một rạp mang tên ông ngoại anh Võ Ngọc Chấn - một nhà tư sản yêu nước. Anh nói sao về quãng thời gian đó?
- Những năm 1960-1970, một thằng nhỏ chưa tới 10 tuổi như tôi phải chứng kiến những trận pháo kích vào Vũng Tàu, luôn luôn cảm thấy căng thẳng, bức bối. Tôi trốn thoát những ưu phiền đó bằng cách lẻn vào rạp "nhà" xem phim, đủ các loại phim. Điện ảnh là cánh cửa sổ để tôi nhìn ra thế giới bên ngoài. Những bộ phim đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Và cả những cuốn sách cha thường mang về cho tôi đọc. Tôi bị cuốn vào thế giới ly kỳ của con chim bằng một ngày sải cánh nghìn dặm, hay giấc mơ hoá bướm của Trang Tử...
- Anh nhận xét gì về đứa con tinh thần của mình?
- Một tác phẩm điện ảnh có nhiều tầng lớp: lớp trên cùng là một câu chuyện kỳ thú, nhiều người có thể thưởng thức; lớp bên dưới là những ẩn dụ có thể cần những khán giả chọn lọc hơn. Mùa len trâu là một phim như vậy.
- Khi làm "Mùa len trâu", anh nhớ gì tới loạt tranh "Thập mục ngưu đồ" của nhà Phật?
- Một cách vô thức. Con trâu trong Phật giáo ở miền Nam, nhất là vùng Tây Nam Bộ, vừa là một vị bồ tát, một vị thần. Tuy chưa đến độ linh thiêng như con bò trong Ấn Độ giáo, nhưng khi nó chết, người ta làm đám tang nó rất long trọng. Bên cạnh đó, trâu là món hàng có thể bán với giá cao, là con vật làm việc nặng nhọc nhất.
- Anh nghĩ gì về một ngày kia sống đời "chăn trâu, cắt cỏ"?
- Một giấc mơ hấp dẫn: Ngồi lưng trâu thổi sáo, thoát tục, đạt được tới chỗ vô vi như Lão Tử.
- Trong ngũ hành, anh đã lấy nước (thuỷ) làm nhân vật quan trọng trong "Mùa len trâu". Bốn "hành" còn lại anh sẽ chọn làm những phim gì sắp tới?
- Có thể là một phim dựa theo tác phẩm của Nguyễn Tuân, có thể là về cuộc sống đương đại, cũng có thể về chiến tranh...