Qua lâu rồi cái ngày xưa trồng rau nuôi lợn, tự cung tự cấp cải thiện cho cả nhà ấy vậy mà đâu đấy trong phố vẫn có những vườn rau được trồng bằng cả tình thương của các bà mẹ. Trước những nguy cơ về an toàn thực phẩm mà hàng ngày báo, đài nói ra rả, chẳng bà mẹ nào nỡ để con mình tiếp xúc với một đống hoá chất độc hại như thế cả. Và tất nhiên, vườn rau này thì không "có phần" của bố, của mẹ mà chỉ phục vụ độc quý tử hay công chúa nhà mình thôi.
Chị Thu Thuỷ sau ngày sinh bé Tạ Bảo Gia An, chị có thêm sự giúp đỡ của bà ngoại và hai người giúp việc với mục đích duy nhất là chăm bé. Mẹ vừa khỏe lên thì đến thời kỳ chuẩn bị cho con ăn dặm, chị cùng với bà ngoại gieo hạt giống rau vào các chậu nhỏ. Đến khi rau nảy mầm thì đánh ra vườn trồng. Hàng ngày, chị đi làm thì có bà ngoại ở nhà và người giúp việc thay nhau chăm sóc vườn rau. Bây giờ bé Nhím (tên thường gọi của Gia An) đã có rau sạch để ăn hàng ngày, cả mẹ và vườn rau đều "tươi tắn".
Không có điều kiện như chị Thuỷ, nhà lại ở trong ngõ hẻm nhưng chị Thuỳ Dương vẫn cố gắng trồng rau sạch cho con. Chị gieo giống vào những thùng các tông đầy đất trên tầng thượng rồi ngày ngày chăm chăm, bón bón, tranh thủ những lúc phơi phóng quần áo để tưới rau. Bé Bimbim có rau sạch ăn như các bạn, chị cũng cảm thấy đỡ buồn vì ở nhà chăm con suốt ngày.
Nuôi nấm Kefir
Cách đây 4 năm, chị Thu Hương đã nuôi con nấm Kefir để cho mẹ chị lấy sữa uống vì bà bị tiểu đường. Chị chia cho người bạn để nuôi cho cả nhà uống. Rồi sau đó, do một lần để con nấm chết, chị cũng không nuôi lại nữa. Gần đây, bé Thu An nhà chị trở nên lười ăn, hấp thu kém. Chị đưa đi bác sĩ dinh dưỡng để khám và thay đổi cách cho ăn nhưng con vẫn không lên cân. Chị bạn kia gợi ý chị nuôi nấm Kefir cho con ăn thử xem sao. Sau 4 năm rồi mà nhà chị ấy vẫn còn giữ được con nấm. Chị Hương mừng quá, lấy về làm cho con ăn. Bé thấy ngon miệng trở lại và hấp thu tốt hơn.
Từ dạo có thông tin về nấm Kefir, các bà mẹ có con nhỏ đều muốn tự tay nuôi con nấm này để tạo sữa chua Kefir cho con vì nghe nói "ăn loại này thì bé sẽ mau lớn".
Nhưng "nghề chơi" lắm công phu, muốn con nấm sống được lâu dài với mình thì ngày nào cũng phải mua sữa tươi cho nó "uống", phải canh giờ lấy sữa ra, nếu không để lâu thì sữa sẽ bị chua quá, khó uống, hoặc lâu hơn nữa thì con nấm sẽ chết.
Ngày trước, phong trào lên cao đến độ, có mẹ đang ở Canada, khi đã đạt trình độ "thượng thừa" cứ khao khát được về nước rồi mở cửa hàng, hằng mong kinh doanh và chia sẻ cùng các bà mẹ khác. Hiện nay, tuy rằng sữa nấm Kefir có bán sẵn ngoài của hàng nhưng việc tự nuôi con nấm tại nhà, tự tay làm cho con ăn đã thành niềm vui và sự thích thú riêng của các bà mẹ.
Làm phomai tươi
Các bé bây giờ ăn dặm cũng toàn ăn đồ Tây và phomai tươi đang dần trở nên phổ biến. Nhiều bà mẹ chọn mua phomai tươi của Pháp cho con ăn. Giá cả loại này tương đối cao so với thu nhập chung. Vì thế, cách làm phomai tươi tại nhà lại được các bà mẹ lưu truyền và phổ biến như một cách thể hiện phong cách và tài năng của mẹ.
Thành công cũng phải qua "khổ luyện". Như trường hợp chị Phương Nguyên. Dù đã đọc kỹ hướng dẫn làm của người bạn trên diễn đàn, rồi làm theo từng bước rất tỉ mỉ: nào là cho men vào sữa rồi ủ sữa ấm, chờ qua 12 tiếng mới được lấy ra để tẻ nước. Ấy vậy mà, sản phẩm đầu tay lại chưa đạt yêu cầu vì sữa chưa lên men đủ. Chị không biết làm sao nên chưa dám cho con ăn, bố mẹ với ông bà cứ phải thử trước đã để đề phòng. Luyện mãi mới "thành nghề", giờ thì Sóc nhà chị đã có phomai tươi ăn đều đều. Chị tâm sự: "Cho con ăn một cốc sinh tố hoa quả với phomai tươi còn nhiều dinh dưỡng hơn là ép con ăn một bát cháo đầy".
Lùng hàng nhập
Tất nhiên là phải hàng hiệu vì hàng Trung Quốc lúc nào cũng được cảnh báo về nguy cơ từ thuốc bảo vệ thực vât. Chẳng bà mẹ nào dám cho con ăn táo, lê Trung Quốc cả. Nhưng không cho con ăn thì bé có nguy cơ thiếu chất, thiếu vitamin. Vậy nên, một số bà mẹ có điều kiện kinh tế đã ưu tiên một khoản thu nhập của mình cho mặt hàng hoa quả nhập ngoại. Gần đây, các loại đồ ăn sẵn của các hãng chế biến thực phẩm nổi tiếng thế giới đang mở rộng thị trường vào Việt Nam. Các bà mẹ trẻ bận rộn coi đây là một phương pháp giải phóng sức lao động tốt nhất.
Các loại hoa quả chế biến sẵn của Hipp hiện là một phần không thể thiếu được trong thực đơn của bé Đặng Châu Anh. Mẹ của bé là chị Diệu Anh, nhân viên ngân hàng, cho biết chị sẽ cho bé ăn tới năm 2 tuổi. Các hũ đồ ăn sẵn của Heinz cũng được săn lùng ráo riết. Lượng nhập về chỉ có hạn khiến cho nhu cầu về mặt hàng này nóng lên. Chị Vân Anh, một nhân viên của công ty liên doanh, công việc bận kinh khủng nhưng không làm cho chị quên được việc hết giờ làm phải đến ngay đại lý của hãng Heinz để mua cho Bống một loạt hũ đồ ăn mới. Chỉ vì mấy hôm cửa hàng "cháy" hàng, chị đã phải thức dậy từ sớm đi chợ, nấu cháo, ninh xương, rồi xay rau xay thịt mất cả tiếng đồng hồ trước khi cất vào tủ lạnh cho con. May mà còn có bà ngoại ở nhà trông cháu giúp từ lúc chị đi làm đến chiều về, chứ không chị cũng không biết phải xoay xở thế nào. Nghiệm ra rằng, tốn kém một chút nhưng con được ăn thực phẩm sạch, an toàn, mẹ đỡ vất vả nên chị cũng phải "gồng" lên với gánh công việc nặng nề hàng ngày.
Tham khảo các trang web nuôi dạy con của nước ngoài, chị Hằng không khỏi chạnh lòng khi thấy con mình chỉ quanh quẩn được ăn mỗi gạo nấu cháo với thịt và rau. Chị đã lùng khắp Hà Nội để tìm mua bằng được cho con những loại ngũ cốc thông dụng ở các nước châu Âu, châu Mỹ như lúa mạch, yến mạch, gạo nâu để bổ sung dinh dưỡng cho con. Vì chỉ có rất ít nguồn nhập về nên giá của các loại ngũ cốc này khá đắt so với giá gạo trong nước. Tuy vậy, con là quan trọng hơn cả nên dù tốn kém chị cũng cố gắng để mua cho bé.
Các bà mẹ càng hiện đại càng chịu khó tìm hiểu các phương pháp chăm sóc, dinh dưỡng mới cho con, dần dần gỡ được từ "vụng" khỏi danh hiệu "bà mẹ @".
(Theo Mevabe.net)