Đôi uyên ương sẽ làm lễ dưới sự hướng dẫn của cha xứ. Ảnh: Liebestudio |
Nhiều cô dâu khi nghe đến việc tổ chức đám cưới trong nhà thờ thường nghĩ ngay đến cảnh tượng tuyệt đẹp, khi cánh cửa nhà thờ mở toang, cô dâu nhẹ nhàng trong chiếc váy cưới dài thướt tha bước đến nơi làm lễ giữa không gian tràn ngập tiếng thánh ca và các thiên thần nhỏ xinh đẹp. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần lãng mạn của đám cưới trong nhà thờ.
Không phải cô dâu nào cũng biết, điều kiện bắt buộc khi bạn muốn làm lễ kết hôn trong nhà thờ, đó là cả cô dâu và chú rể đều phải theo đạo. Ngoài ra, đôi uyên ương sẽ phải cùng theo học một khóa học giáo lý tiền hôn nhân do nhà thờ tổ chức trong vòng 3 đến 6 tháng liên tục.
Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu cô dâu hoặc chú rể không theo đạo, buổi lễ thành hôn chỉ có thể diễn ra nhỏ gọn, nhanh chóng, gọi là Phép chuẩn. Việc kết hôn sẽ diễn ra dưới sự làm chứng của vài người, không đầy đủ như một lễ thành hôn chính thống. Đối với người Công giáo, lễ thành hôn được diễn ra trong nhà thờ với một ý nghĩa thiêng liêng, mong muốn hạnh phúc trọn đời.
Cô dâu Ốc Thanh Vân bên bàn làm lễ nơi giáo đường. Ảnh: Hương Giang. |
Để tiến đến được một buổi lễ thành hôn lộng lẫy trong thánh đường nhà thờ, bạn phải trải qua những bước sau đây:
1. Lựa chọn Giáo xứ, nhà thờ và đặt ngày với cha xứ
Hai bạn có thể chọn nhà thờ nơi bạn sinh sống hoặc tại quê hương. Bạn nên trực tiếp đến tham khảo ý kiến của cha xứ trong nhà thờ để đặt trước một ngày phù hợp, dành cho hai bạn tổ chức lễ thành hôn. Khi tới gặp cha xứ, bố mẹ hai bên cũng cần đi cùng cô dâu chú rể để xác định rằng, hai gia đình ủng hộ cuộc hôn nhân của đôi uyên ương. Nếu không có điều kiện tới trực tiếp, bố mẹ hai bên có thể viết giấy ủy quyền và chấp thuận đám cưới.
Việc chọn lựa nhà thờ, chọn ngày cưới cần tiến hành trong ít nhất là 8 tháng, thậm chí nên làm trước 1 năm khi đám cưới diễn ra. Bởi sau khi bạn đã được sự đồng ý của nhà thờ, bạn sẽ phải tham gia các lớp giáo lý cơ bản trước khi kết hôn.
2. Học lớp giáo lý tiền hôn nhân
Nếu cả cô dâu và chú rể cùng theo đạo, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, cả hai sẽ cùng tham gia một khóa học giáo lý do cha xứ giảng dạy, chủ yếu để cho đôi uyên ương hiểu được trách nhiệm của vợ chồng và sự ràng buộc của hai người với nhau.
Nếu có một trong hai người không theo đạo, người đó sẽ phải làm lễ theo đạo để được kết hôn trong nhà thờ. Sau đó người này sẽ phải học song song hai lớp, một lớp liên quan đến những vấn đề về đạo Thiên chúa dành cho người mới theo đạo, lớp thứ hai là giáo lý hôn nhân.
Trong quy định của Thiên chúa giáo, người theo đạo đã kết hôn sẽ không được ly dị, nên việc học giáo lý này sẽ như một thử thách kiên nhẫn cũng như giúp họ hiểu được rõ trách nhiệm ràng buộc trọn đời với nhau.. Khóa học thường kéo dài 3 tháng hoặc 6 tháng, đối với một số ít nhà thờ đặc biệt, khóa học có thể diễn ra nhanh chóng trong 1 tháng.
Ốc Thanh Vân đọc lời thề nguyền cùng chú rể Minh Trí. Ảnh: Hương Giang. |
3. Thông báo hôn phối
- Sau khi đã trải qua khóa học giáo lý và được cha xứ công nhận đủ tiêu chuẩn kết hôn, nhà thờ sẽ bắt đầu việc rao hôn phối, tức là tên của cô dâu và chú rể sẽ được đọc trong nhà thờ nơi giáo xứ của cô dâu và chú rể đang cư ngụ vào các buồi lễ ngày chủ nhật nhằm thông báo cho mọi người biết 2 người sắp làm đám cưới.
Nếu mọi người trong giáo xứ biết được một trong hai người có vi phạm về phép hôn phối như đã làm phép hôn phối tại nhà thờ thì thông báo cho cha xứ. Việc ra hôn phối này thường được thực hiện trong 1 tháng. Các cặp đôi chuẩn bị đám cưới cũng cần lưu ý đến điều này để dự trù thời gian tổ chức đám cưới.
- Sau đó, hai bạn sẽ được trao một tờ hôn phối, là những điều sẽ đọc trong lễ thành hôn của hai người. Trong đó sẽ ghi rõ các trách nhiệm, yêu cầu của nhà thờ đối với đôi vợ chồng trẻ. Nếu hai người có thắc mắc có thể trao đổi, làm rõ với cha xứ.
4. Lễ thành hôn
Khi hai người đã được phép làm lễ trong nhà thờ, cha xứ sẽ là người chủ trù buổi lễ, sẽ đọc hôn phối và tuyên bố đôi uyên ương là vợ chồng. Trong buổi lễ này chỉ có những người thân thiết với cô dâu chú rể được tham dự, số khách mời còn lại sẽ được mời tới tiệc sau đó. Các nhà thờ quy định thánh đường là nơi làm lễ, không bao gồm cả phần tiệc nên tiệc cưới chúc mừng đôi uyên ương có thể tổ chức tại khách sạn, nhà hàng như bình thường.
5. Ý nghĩa của lễ cưới trong nhà thờ
Việc thành hôn trong nhà thờ, dưới sự chứng giám của cha xứ sẽ khiến đôi uyên ương hiểu được tầm quan trọng của hôn nhân cũng như cuộc sống gia đình sau này và sẽ phải có trách nhiệm yêu thương nhau cũng như yêu thương con cái trọn đời.
Bạn có thể tìm đến hầu hết các giáo xứ để hỏi về thủ tục làm lễ thành hôn bởi mỗi giáo xứ đều có nhà thờ và đây sẽ là nơi tổ chức hôn lễ thiêng liêng cho những người theo đạo.
* Cảm ơn các bạn nhatdn, tpnguyen14 đã chia sẻ các thông tin hữu ích về các thủ tục đám cưới trong nhà thờ.
Linh Phạm