![]() |
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển. |
- Ông nói gì về trường hợp làm ăn thua lỗ của Pacific Airlines, một đơn vị mà Vietnam Airlines tham gia với cổ phần khá lớn?
- Làm hàng không không dễ, thành lập thì mất nhiều vốn nhưng kinh doanh rất khó có lãi. Riêng Pacific mỗi năm phải chi tới 6.600 tỷ đồng mua máy bay. Với quy mô của hãng thì khoản lỗ 10-15 triệu USD không phải là quá lớn. Đó là chưa kể dịch SARS, giá xăng dầu tăng... Tương lai, để có thêm một hãng hàng không trong nước chiếm thị phần nội địa đáng kể là rất khó khăn. Vừa giải quyết kinh doanh, chính sách lại đáp ứng nhu cầu hội nhập là một bài toán kinh khủng chứ không hề đơn giản.
Bản thân Vietnam Airlines chỉ là một cổ đông trong Pacific Airlines, chúng tôi không có đủ tư cách pháp nhân để đứng lên báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp này và cũng không có quyền can thiệp, điều hành hoạt động của họ.
- Còn chuyện Vietnam Airlines hay chậm, hủy chuyến, ông nghĩ sao?
- Một thống kê gần đây cho thấy ngay cả các hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines, American Airlines, tỷ lệ chậm, hủy chuyến lên tới 20%. Tỷ lệ tương ứng của Vietnam Airlines là 12%, tương đương với con số 1.600 hành khách mỗi ngày. Nếu tính riêng các chuyến trong nước, mỗi ngày có tới 900 người chịu cảnh chậm, hủy chuyến. Có nhiều lý do lắm, chẳng hạn bão tố, thời tiết, kỹ thuật...
- Ông cho biết về kế hoạch khai thác đường bay thẳng tới Mỹ?
- Vietnam Airlines đang cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể mở đường bay này vào cuối năm 2005 đầu 2006. Vừa rồi, khi United Airlines khai trương đường bay tới VN, tôi đã gửi thư chúc mừng bởi đã quan niệm là tự do hóa bầu trời thì hàng không Mỹ hay VN mở đường bay thẳng trước đều tốt, đều nhằm cung cấp dịch vụ cho một nhóm khách hàng, trong đó có cộng đồng người Việt mình bên Mỹ. Vietnam Airlines đi muộn hơn cũng không sao vì đầu tư cho một đường bay không nhỏ, cỡ chừng vài trăm triệu USD. Bản thân United Airlines vẫn phải quá cảnh qua Hong Kong.
- Việc tìm kiếm các điểm quá cảnh có phải là một khó khăn của Vietnam Airlines trong quá trình mở đường bay thẳng tới Mỹ?
- Tìm điểm quá cảnh không dễ vì nói là mở cửa nhưng nước nào cũng bảo vệ quyền lợi quốc gia. Chúng tôi đã làm việc với Hàn Quốc để tìm điểm dừng cho chặng sang Mỹ. Song họ nói rằng miếng bánh nhỏ lắm và họ không chủ trương cấp thương quyền cho nước nào khai thác điểm quá cảnh, chỉ cho phép dừng kỹ thuật. Cách đây 1 tuần, Vietnam Airlines cũng làm việc với Đài Loan với ý định tương tự. Họ đã chấp thuận nhưng với điều kiện đổi lại thương quyền khai thác chặng TP HCM - Paris cho họ.
- Kế hoạch mở đường bay thẳng tới châu Âu có vẻ thuận lợi hơn?
- Không dễ đâu. Ví dụ khi chúng tôi xin mở đường bay thẳng tới Frankfurt (Đức), chính phủ mình đồng ý nhưng hãng hàng không quốc gia của họ, Lufthansa, dứt khoát từ chối với lý do slot (giờ hạ cánh) của mình không hợp lý. Đích thân Tổng giám đốc Vietnam Airlines phải sang bên đó đàm phán và đến khi bàn phiên cuối cùng họ mới chịu với điều kiện trao lại cho họ một cái gì đó như bay thẳng TP HCM, hay TP HCM - Singapore. Nguyên tắc mở cửa là như vậy, mình phải mạnh dần lên và đủ sức cạnh tranh.
- Gần đây có thắc mắc về một cuộc trả lời phỏng vấn ghi âm của ông với BBC liên quan tới kế hoạch phát triển đội bay của Vietnam Airlines mà phần cuối ông đã không giữ được bình tĩnh khi trao đổi với phóng viên. Ông nói gì về vụ việc này?
- Phóng viên Việt ngữ đài BBC đã gọi vào máy của cán bộ phụ trách báo chí của Vietnam Airlines và đề nghị chuyển cho tôi để phỏng vấn, đúng vào thời điểm vừa ký xong hợp đồng mua máy bay Airbus. Thực ra những câu hỏi ban đầu của phóng viên và phần trả lời của tôi không có gì, dù trong đấy ông ấy có ám chỉ thêm những vấn đề liên quan tới quan điểm về công nghệ của Nga. Tôi cũng nói thẳng thắn là chúng tôi đánh giá và sẽ sử dụng công nghệ của Nga. Ông ấy hỏi có "đánh giá ngang bằng hay không" thì tôi trả lời ngay là chỉ đánh giá vào thời điểm ra quyết định. Ngay cả khi ông ấy hỏi về việc United Airlines mở đường bay thẳng, tôi cũng khẳng định là ủng hộ và với quy mô lớn của họ, họ có thể bay trước, Vietnam Airlines chậm hơn một chút không sao.
Quả thật tôi bắt đầu bực khi được hỏi là "ông có sợ khi các hãng sừng sỏ bay vào Việt Nam hay không". Xét vào thời điểm đó, nói đúng ra thì tôi cũng hơi quá. Phân tích ra thì chuyện xảy ra do sự vênh nhau về ngôn ngữ. Đặt một câu hỏi như vậy với một ông tổng giám đốc thì đã chạm vào tự ái cá nhân, đó là chưa kể giọng điệu phỏng vấn khiến người trả lời không thấy được tôn trọng. Tôi đã không kiềm chế được trước cách phỏng vấn mang tính khiêu khích và dàn dựng sẵn như vậy.
- Ông có nghĩ đây là một sự cố cần ghi lại để rút kinh nghiệm trong quan hệ với công chúng?
- Có 2 mặt cần cân nhắc. Một là suy nghĩ, hai là ý chí và chịu trách nhiệm. Hoàn cảnh hiện nay cần phải có những người vừa có ý chí và có trách nhiệm. Không nên thoái lui trước mọi chuyện. Thực tế thì dư luận không nói gì về nội dung cuộc phỏng vấn mà chủ yếu phê phán về ngôn ngữ và văn hoá, nhưng văn hoá thì chưa chắc ai đã hơn ai. Nếu nói đây là sự cố trong thương mại và chúng tôi huy động bằng nhiều kênh khác nhau để phản ứng lại sẽ thu xếp được. Nhưng có cần chủ trương làm việc đó hay không chỉ vì sự tự ái cá nhân thì tôi nghĩ là không nên.
Có một điều tôi xin khẳng định, sự việc xảy ra chỉ là quan hệ trực tiếp về mặt ngôn ngữ giữa cá nhân với cá nhân, chứ không phải là sự xúc phạm khách hàng và công chúng.