Chưa bao giờ, thị trường thuốc "cương dương" dành cho quý ông lại nhộn nhịp như thời điểm hiện nay. Tháng trước, các bệnh viện có khoa niệu trên toàn quốc đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng thêm loại thuốc chữa rối loạn cương dương mới có tên Adagrin (của công ty ICA Việt Nam).
Như vậy, hiện nay, tại Việt Nam đã có ba loại thuốc chữa rối loạn cương dương chính thức được phép lưu hành: Cialis, Levitra và Adagrin. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người (khoẻ mạnh hẳn hoi) lại tự tìm đến những loại thuốc khác với ảo tưởng rằng chúng sẽ giúp họ gia tăng khả năng "đàn ông" của mình!
Vừa qua, tại bệnh viện Bình Dân, TP HCM đã tiếp nhận một số bệnh nhân uống các loại thuốc "cương dương" và phải đến bệnh viện vì "cái ấy" cứ như vậy hoài nhiều giờ mà không chịu xuống.
Những bệnh nhân này đều sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, được bạn bè truyền miệng trên bàn nhậu về khả năng "kích hoạt" rất tốt. Và hậu quả là phải lên bàn mổ với lời giải thích rõ ràng của bác sĩ rằng, sau mổ sẽ vĩnh viễn không còn khả năng sinh hoạt vợ chồng được nữa!
Sở dĩ có những chuyện cười ra nước mắt kể trên cũng vì họ đã sử dụng thuốc giá rẻ. Thuốc Cialis có giá 150.000 đồng/viên/lần; Levitra có giá 154.000 đồng/viên/có thể bẻ đôi sử dụng hai lần; Adagrin là 69.000 đồng/viên.
Những loại thuốc này chỉ áp dụng điều trị cho những người bị rối loạn cương dương và phải do bác sĩ chỉ định. Trong khi đó, những viên thuốc tầm phào trôi nổi trên thị trường dẫn đến những chuyện đau lòng kia thì lại chỉ có giá 20.000 đồng/viên/lần.
Thế nên, bệnh nhân - nạn nhân chủ yếu là những người có thu nhập thấp, chọn các loại thuốc giá thấp này để chứng tỏ "bản lĩnh đàn ông thời nay" để rồi mang hoạ...
Đã sang tuổi 50, là một tay cơ bida nghiệp dư của tỉnh Vĩnh Long, vào một ngày không đẹp trời, ông Sơn đi nhậu với bạn và nghe lời đường mật rằng, có loại thuốc tăng thêm khả năng đàn ông rất hay, quan trọng hơn là giá rẻ, chỉ có 20.000 đồng/viên.
Muốn "thể hiện bản lĩnh đàn ông" với bà xã, ông Sơn dùng ngay loại thuốc này mà không cần hỏi ý kiến bác sĩ. Theo SGTT, dùng đến lần thứ ba thì có chuyện: "cái ấy" ấy mãi từ tối thứ sáu đến chiều thứ bảy mà không xuống.
Chịu hết xiết, ông liền cầu cứu đến bác sĩ tỉnh nhà. Bác sĩ bó tay, nói ông lên bệnh viện Bình Dân (TP HCM) gấp. Tại bệnh viện Bình Dân, biện pháp đơn giản đầu tiên của các bác sĩ ở đây là rạch máu trên thân "của quý" không thành công, đành phải đưa ông Sơn lên bàn phẫu thuật.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như (bệnh viện Bình Dân), trường hợp của ông Sơn đã dùng thuốc giãn mạch mạnh quá, động mạch máu tại khu vực nhạy cảm này bị giãn quá mức, không thể co lại được và tĩnh mạch thì khoá lại luôn.
Đường máu rút lui về cơ thể qua thể hang đã bị nghẹt. Việc của phẫu thuật viên là mổ ra, nối thể hang vào thể xốp. Máu sẽ theo thể xốp về lại cơ thể một cách từ từ. Chính thế, phải vài ngày sau, "cái ấy" mới quay về tình trạng bình thường.
Hai viên thuốc mà ông Sơn đã mang lên bệnh viện nằm chung một vỉ, có hai màu khác nhau. Một viên màu nâu đỏ, một viên màu xanh dương lạt. Phía sau vỉ thuốc có in bằng tiếng Trung Quốc. Viên thuốc màu xanh dương lạt bị bẻ mất 1/4 viên. Ông Sơn mới chỉ dám uống 1/4 viên mà đã phải mổ cấp cứu gấp đến thế. May cho ông, nếu uống hết một viên thì không biết sự thể còn đến mức độ nào...
Sau ca mổ của ông Sơn, bác sĩ Nguyễn Thành Như còn thêm một ca cũng tương tự. Bệnh nhân Yên (quận 9, TP HCM), được sự hỗ trợ của bà xã đã dùng thuốc Papaverine chích thẳng vào "của quý". Papaverine là loại thuốc được chỉ định dùng chống co thắt tử cung, chẳng hiểu sao một số ông lại rỉ tai nhau là có tác dụng cực tốt cho "chuyện ấy".
Và đúng là thuốc đã có tác dụng tốt đến nỗi sau gần một ngày "cứng" liên hồi, đau không chịu nổi, ông Yên phải tìm đến bệnh viện. Do đến bệnh viện kịp thời, nên các bác sĩ chỉ đơn giản dùng kim hút máu từ "chỗ ấy" ra. Sau vài tiếng, ông Yên đã có thể đi lại bình thường. Trước khi ra về, ông nói: "Tôi tởn đến già rồi, bác sĩ ạ!".
Với người đàn ông, chuyện phòng the rất có ý nghĩa trong hôn nhân và cuộc sống. Nếu "chuyện ấy" không tốt, người đàn ông dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, tự ti, công việc vì thế mà cũng chẳng đâu vào đâu, đành phải nhờ vào các loại thuốc trợ giúp.
Nói như vậy để hiểu và thông cảm với những bệnh nhân phải đến phòng mổ do tự tiện uống thuốc "cương dương", không được chỉ dẫn từ các bác sĩ chuyên khoa. Tâm trạng ban đầu của họ thường là lo lắng, hốt hoảng quá mức. Đơn giản, những bệnh nhân này không phải chỉ lo lắng cho sự việc hiện tại, mà còn lo cho tương lai dài hơn về sau nữa.