Dịch vụ này, khởi đầu từ những người Hoa vùng Chợ Lớn vào những năm 50 rồi sau đó, tại các bệnh viện do người Hoa xây dựng như Bệnh viện Triều Châu (bệnh viện Nguyễn Tri Phương bây giờ), Bệnh viện Sùng Chính (nay là Trung tâm Chấn thương chỉnh hình), Bệnh viện Phúc Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi)… đều có những nhóm chuyên lo việc "sửa sang diện mạo tử thi". Dần dà, nhiều người Việt cũng muốn khuôn mặt của thân nhân mình khi chết, nhất là bị chết vì những nguyên nhân do tai nạn, chết trôi, chết cháy bớt đi cái phần ghê rợn nên sau đó đã xuất hiện thêm nhiều "gánh".
Những "gánh" này một số người cũng chính là của dịch vụ mai táng nhưng vài "gánh" lại hoạt động độc lập. Nếu có "thân chủ", cở sở dịch vụ mai táng thông báo cho họ, thù lao hai bên thoả thuận với nhau. Nhiều "gánh" còn in danh thiếp để quảng cáo và đặt quan hệ với nhân viên nhà xác của bệnh viện, để thực hiện khi có yêu cầu.
Cái chết đến với cô em gái của Lâm thật bất ngờ. Lúc ghé vào nhà xác và lúc tấm vải trắng phủ trên tử thi được kéo lên, không thể tin được khuôn mặt thanh tú hôm nào, nay đã bị biến dạng bởi tác động của lực va đập do tai nạn giao thông. Gò má bên trái dập nát, tím đen vì máu tụ, còn vùng trán thì nứt toác… Lâm đau đớn: "Lát nữa tớ đưa nó về. Cậu xem giúp, sửa lại mặt mũi cho nó, để khi bạn bè nó đến viếng, gia đình đỡ tủi được không?".
Khi nghe trình bày về trường hợp của em Lâm và cho địa chỉ, ông Long, làm việc ở một dịch vụ mai táng thuộc quận 5 nói chắc nịch: "Anh yên chí! Nửa giờ nữa tụi tôi tới liền. Còn giá cả thì phải thấy thì mới biết được, nhưng không quá 1 triệu đồng đâu".
Đúng hẹn, "gánh" ông Long gồm 3 người đã có mặt trên 2 chiếc xe gắn máy, cùng với một túi xách khá lớn. Tuỳ theo từng trường hợp tử vong, khuôn mặt biến dạng nhiều hay ít và cũng tuỳ theo công việc, nghĩa là chỉ làm đẹp thôi, chứ không tắm rửa, thay quần áo, tẩm liệm hòm quách và những vật dụng tang tế kèm theo như đồ tang, khăn sô, bàn thờ, giấy vàng mã thì "gánh" này lấy thù lao từ 200.000 đến 1 triệu đồng.
Ông Long nói: "Khó nhất là những xác chết bị cháy do hoả hoạn, hoặc chết trôi. Việc sửa chữa nhan sắc cho họ vừa phải bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa phải giống họ lúc còn sống.
Trong vụ cháy Trung tâm Thưng mại Sài Gòn trước đây, "gánh" của ông đã phục hồi diện mạo cho một nạn nhân và đã được gia chủ thưởng 5 triệu.
Theo ông Long bước vào chiếc giường, nơi đặt xác em gái Lâm. Thoạt tiên ông hỏi tử thi đã được tắm rửa chưa, vì "trang điểm xong thì chỉ đợi giờ liệm". Tiếp theo, ông xin mấy thẻ nhang, đốt lên rồi khấn vái. Sau đó, 3 người phụ việc cho ông nhấc bổng xác ra khỏi giường, để ông lót xuống dưới mặt giường một tấm nylon khá lớn. Ông giải thích: "Lót để khi rửa ráy, nước không thấm xuống chiếu, xuống nệm". Lấy từ trong túi xách ra một bình rượu trắng, một cuốn bông gòn và một xấp báo, cùng với cả nắm nào "panh", nào kéo, nào kẹp, là đồ nghề chính hiệu của bác sĩ phẫu thuật. Ông Long nói: "Đồ nghề của tụi tui đây". Đặc biệt hơn nữa, trong số những dụng cụ chuyên dùng tân trang xác chết, có cả những gói chỉ khâu cỡ "6-0" thường được sử dụng trong các ca mổ đòi hỏi sự thẩm mỹ cao, nghĩa là sợi chỉ mảnh còn hơn sợi tóc.
Việc tân trang bắt đầu bằng bông gòn, tẩm rượu rồi lau rửa nhiều lần trên khuôn mặt người quá cố. Khi đó, mới nhìn thấy xương gò má tử thi vỡ thành nhiều mảnh vụn rồi khi máu tụ thoát ra hết, gò má hình như sụp xuống. Đến lúc việc rửa ráy coi như hoàn tất, ông Long nhìn vết thương, ước lượng thể tích rồi vo tròn nửa trang báo, bóp thật chặt. Ông giải thích: "Giấy báo có đặc tính là hút nước nhưng không co lại như bông gòn. Hơn nữa khi độn vào vết thương mà nó có dầy lên thì chỉ cần ấn vài lần là nó xẹp xuống như ý muốn chứ không xẹp hẳn như bông gòn".
Nghe kể về trường hợp "gánh" ông Tư, biệt danh Tư "Đen" ở vùng Tân Bình. Do không có kinh nghiệm, nên khi được mời đến tân trang cho một người chết do chấn thương sọ não và vỡ xương hàm vì tai nạn giao thông, ông Tư "Đen" đã dùng 1 nắm bông gòn độn vào chỗ vỡ rồi may da. Chỉ vài tiếng sau bông gòn thấm đầy dịch tiết ra từ vết thương, co lại nên phần góc hàm lõm hẳn xuống. Lúc ấy tử thi đã được liệm vào hòm, phía trên có gắn tấm kính trong suốt để thân nhân, bà con họ hàng nhìn mặt lần cuối nên không thể nào lấy ra sửa lại được. Ông Long nói: "Trong lúc tang gia bối rối, gặp những trường hợp như vậy, hầu như gia chủ chẳng ai nỡ trách mình nhưng nhìn mặt họ, mình biết họ không hài lòng".
Nắm giấy báo được ông Long nhét vào vết thương. Khẽ kéo những mảnh da phủ lên cho đến khi gần kín hẳn, ông ấn ấn vài cái để gò má có vẻ tự nhiên rồi bảo người phụ việc xé cho ông gói chỉ khâu. Giây lát, lớp da rách nham nhở trên gò má và vết rách dài trên trán đã được khâu kín. Dùng bông gòn tẩm rượu lau thêm một lần nữa, ông Long bắt đầu thực hiện công việc đánh phấn, tô son.
Thông thường, cơ thể con người ta chứa một lượng nước khá lớn. Khi chết, một phần nước thoát ra qua những lỗ chân lông trên da nên xác chết nhìn có vẻ như là bé lại. Từ cổ trở xuống, người chết được mặc quần áo, được phủ vải nên ít ai nhìn thấy sự thay đổi. Riêng khuôn mặt thì nhiều gia đình muốn cho người quá cố vẫn giữ được nét tươi tỉnh, để có thể lưu được nhiều ngày, chờ con cái ở xa về, nhất là lúc ấy sự tuần hoàn máu không còn nên da chuyển sang màu tái xám.
Vì vậy, khuôn mặt người chết thường được phủ một lớp phấn, màu trắng hoặc hồng nhạt, tuỳ theo yêu cầu của chủ nhà. Nếu người chết là phụ nữ thì môi được tô son đỏ, son hồng. Ông Long nói: "Đôi khi họ còn yêu cầu tụi tui kẻ lại lông mày cho đậm, uốn lông mi cho cong lên nữa".
Mỗi "gánh" chuyên làm việc sửa lại dung nhan cho người chết, đều có những ngón nghề "độc chiêu". Gánh ông Năm Dân ở quận 4, khi nhận lời mới đến trang điểm cho một nạn nhân bị chết cháy, đã dùng bột năng khuấy lên thành hồ đặc, rồi phết một lớp mỏng và đều lên khuôn mặt. Riêng phần mũi bị cháy hết chóp mũi, ông tạo hình bằng cách đắp lên một cục hồ dày và hỏi gia đình xem đã giống chưa. Lúc người nhà nạn nhân đem cho ông tấm hình chụp chân dung nạn nhân hồi còn sống, sau vài phút quan sát, ông lấy bớt một chút hồ. Ông giải thích: " Khuôn mặt khi bị cháy thì thường sần sùi, méo mó. Bôi hồ lên để nó phẳng trở lại, lúc hồ khô bám chặt vào da, đánh phấn khó biết". Quả thật người xấu số, sau khi được ông "tân trang", gắn tóc giả, lông mày giả, đã lấy lại khuôn mặt gần như bình thường, đến nỗi bạn bè quen biết đến lúc viếng không ít người thì thầm với nhau: "Ủa, sao nghe nói ổng cháy trụi toàn thân mà mặt mũi tươi rói vậy?".
Gánh ông Triệu ở An Lạc cũng có "nghề" không kém: Một công nhân xây dựng trong lúc đang làm việc trên dàn giáo thì bị một thanh đà sắt rơi xuống, hớt bay mất một mảng sọ, chết ngay lập tức. Điều lạ lùng là mọi người đã toả ra chung quanh, tìm kiếm trên từng xăngtimét vuông đất, nhưng vẫn không thể tìm thấy mảnh xương sọ ấy nằm đâu. Khi được mời đến, ông Triệu dùng thạch cao, tái tạo lại phần xương sọ bị mất, thêm nắm tóc giả nữa rồi đánh phấn. Cả gia đình nạn nhân nhìn thấy dung mạo người thân mình như vậy cũng bớt đau đớn phần nào.
Quan sát ông Long làm việc, thoạt tiên thấy ông bôi lên mặt em gái Lâm một lớp kem màu trắng đục, giống như loại kem dưỡng da rồi dùng tay miết đi miết lại cho đến lúc tất cả những vết chỉ khâu biến mất dưới lớp kem. Đợi chừng 10 phút, ông dùng phấn nụ đánh phơn phớt lên rồi hỏi Lâm muốn cho cô em gái có màu son môi gì? Lâm lắc đầu, tuỳ bác. Giây lát khuôn mặt mà gần 2 tiếng đồng hồ trước bị biến dạng thì giờ đây nhìn em gái Lâm như người đang ngủ. Lớp da tuy có vẻ dày lên, không tự nhiên lắm nhưng phẳng phiu, hơi ửng hồng cộng với một chút son môi màu hồng nhạt. Ông Long đứng dậy, xoa tay trong lúc những người phụ việc thu dọn đồ nghề, lau chùi tấm nylon: "Xong rồi đó, nhưng đừng để đèn nhất là mấy cái bóng đèn tròn gần cô ấy. Nóng quá, phấn nó chảy".
Những người làm nghề trang điểm cho xác chết đều là những chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ mặc dù họ không hề được cấp bằng. Chủ một "gánh" ở quận Bình Thạnh nói: "Phấn phải đánh như thế nào cho tự nhiên, không trắng bệch mà cũng không hồng quá, nhìn rất giả tạo. Da mặt người chết sau khoảng 6 tiếng thường xuất hiện những vết nhăn, do hiện tượng mất nước rồi sau đó mới trương lên, nên trước khi đánh phấn, phải xoa kem để che bớt".
Tuy nhiên, tất cả các gánh đều thừa nhận rằng, việc giữ cho lớp phấn son trang điểm trên mặt người chết phải quàn dài ngày để chờ thân nhân từ xa, nhất là từ nước ngoài về nhìn mặt lần cuối là việc cực kỳ khó khăn vì sau khi liệm vào hòm, khoảng 3 ngày xác bắt đầu trương, phấn son rơi rụng. Hầu hết, các "gánh" khi được sự đồng ý của chủ nhà, đều áp dụng thủ pháp là dùng sáp ong nấu chảy rồi khi nó vẫn còn âm ấm, họ phết một lớp mỏng lên khuôn mặt tử thi rồi mới đánh phấn. Sáp ong có biên độ co giãn khá lớn, lại không bị nứt khi da mặt căng ra nên có thể giữ được sự trang điểm cả chục ngày.
Mặc dù là một nghề để kiếm sống, nhưng hầu hết các "gánh" đều lấy giá phải chăng, thậm chí chỉ 50.000 đồng nếu chỉ trang điểm bình thường. Ông Long nói: "Nhưng cũng có "gánh", lợi dụng lúc tang gia bối rối để "chặt đẹp". Họ bảo trường hợp chết trôi chẳng hạn, phải sử dụng hoá chất này, thuốc men nọ cho khuôn mặt xẹp xuống, chi phí đôi khi lên tới 5-7 triệu đồng".
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên nhất là tất cả mọi thao tác của họ trên tử thi đều bằng tay không nghĩa là chẳng găng tay gì. Họ cũng chẳng đeo khẩu trang để giữ vệ sinh. Khi PV An Ninh Thế Giới hỏi: "Lỡ gặp người chết vì HIV thì sao?". Ông Long cười: "Thì trời kêu ai nấy dạ. Với lại khi gia chủ kêu mình tới, chắc chắn chẳng ai nói cho mình biết là người nhà họ bị AIDS đâu…".