Thỉnh thoảng, ông già mở mắt thều thào điều gì đó, thì chị cũng mở mắt. Ông già nhắm mắt ngủ, thì chị cũng nhắm mắt ngủ, nhưng cánh tay chị vẫn quạt. Bởi đã trải qua ba năm sống trong bệnh viện, chị đã tập được phản xạ, ngủ mà thức, thức mà ngủ... Ngủ trong bất cứ hoàn cảnh nào, thức trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đó là hình ảnh của một trong cả nghìn người phục vụ thuê bệnh nhân trong các bệnh viện.
“Sao mày thuê cho tao con nhỏ điếc, nói nó không nghe?”, một bệnh nhân than với người nhà. Đây là một trường hợp người già bệnh rồi thì tính tình như con nít, khó khăn đủ điều.
Chị Linh tâm sự: “Oan lắm! Người bệnh uống nhiều kháng sinh, hôn mê, nên trí nhớ không tốt. Mua một lốc nước yến, cho uống hết rồi thì lại biểu mới uống có một lon. Có khi mới uống thuốc xong, thì biểu chưa uống. Bác sĩ nói lại với người nhà...”. Gặp người nhà biết tính nết thì không sao, không biết là lãnh đủ, đổi người, hoặc không thuê nữa.
Chị Linh nói: “Trường hợp này phải giải thích rõ, nhẹ nhàng và chiều người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân. Có khi phải giả điếc trước những yêu cầu hoặc lời cằn nhằn vô lý của bệnh nhân. Sau đó, giải thích cho người nhà bệnh nhân rõ”.
Những bệnh nhân trong tình trạng đời sống thực vật, thoạt nhìn có vẻ dễ phục vụ. Ngoài việc làm vệ sinh ngày ba lần, thay quần áo, cho ăn, uống thuốc xong thì người săn sóc có thể nghỉ ngơi. Nhưng cũng phải biết các kỹ năng cơ bản của một hộ lý. Ví dụ khi đổ nước cháo qua phễu, cháo chưa chảy hết là phải bít ống để không khí không lọt vào. Nếu để không khí lọt vào nhiều, bệnh nhân có thể sẽ no hơi, ọc hết thức ăn ra ngoài.
Kỹ năng không là chưa đủ. Chị Linh cho biết, mỗi ngày công (gồm cả ăn uống) được 70.000 đồng, nếu làm mát tay, bệnh nhân mau bình phục thì được thưởng thêm. Nhưng cũng phải biết ngoại giao, “thân thiện” với hộ lý, y tá, bác sĩ. Được những người này ủng hộ thì người nhà bệnh nhân mới tin tưởng.
"Chẳng hạn, trong giờ khám bệnh thì tất cả người nhà đều bị đuổi ra khỏi phòng cấp cứu. Nếu không “thân thiện” để vào được trong giờ này, thì khi người nhà bệnh nhân đến không vào được sẽ rất buồn lòng. Ngoài ra, cũng phải giúp đỡ những người khác nằm cùng phòng bệnh. Nếu không, người nhà bệnh nhân đến, hỏi thăm tình hình, mình bị nói xấu, thì cũng bị đuổi sớm. Có khi rất khó xử. Người nhà bảo thức ăn cũ phải bỏ đi, mua thức ăn mới. Nhưng người bệnh lại tiếc của, ăn không hết thì bảo để lại bữa sau ăn tiếp", chị Linh nói.
Giờ rảnh rỗi, một nhóm những người cùng nghề tâm sự với nhau. Nguy hiểm nhất là làm việc trong phòng cấp cứu, đủ thứ vi trùng. Có khi người bệnh bị nhiễm trùng, chữa hết rồi, nhưng nằm lâu trong phòng lại bị tái nhiễm.
Do vậy, giá dịch vụ chung là 70.000 đồng/ngày, nhưng ở phòng cấp cứu, có lúc khan người, người nhà bệnh nhân sẵn sàng trả 100.000 đồng/ngày cũng không có người làm. Một chị đã lớn tuổi nói: “Tôi thì không sợ gì. Nhưng tôi có cháu nội còn nhỏ. Tôi thích ôm hun nó. Lỡ lây bịnh cho nó thì tội nghiệp. Tui chỉ nhận làm ở khoa tim, vì bệnh tim không lây”.
Còn chị Xuân, sau mỗi đợt nuôi bệnh, có khi kéo dài vài tháng, là phải về quê nghỉ ngơi một thời gian, để giải toả căng thẳng thần kinh.
Ở khoa này, sợ bệnh, sợ bẩn và thiếu sức khoẻ là không kham nổi. Do nguy hiểm như vậy nên ở phòng này, có khi người kén việc, chứ không phải việc kén người. Điều quan trọng để kiếm được người làm là người nhà bệnh nhân thế nào. Có đàng hoàng, có văn hoá không? Những người bệnh có người nhà mặt mũi bặm trợn, dữ dằn thì rất khó tìm người nuôi, hoặc phải chấp nhận những người nuôi mới vào nghề, tay nghề không cao.
Nhưng đó chỉ là cách “chẳng đặng đừng”, vì người nhà bệnh nhân luôn muốn người thân của mình được chăm sóc tốt. Chị Linh chỉ cô bé bên cạnh, nói: “Nhỏ đó chắc làm được chừng vài bữa là bị đuổi. Bệnh nhân đó đang trong tình trạng đời sống thực vật. Khi cho ăn bằng ống đổ thức ăn thẳng vào bao tử, phải lưu ý không để không khí lọt vào. Nếu không, bệnh nhân dễ no hơi và ọc thức ăn ra. Tôi đã nhắc nó nhiều lần rồi, mà nó vẫn làm kiểu cũ”.
“Còn con nhỏ kia”, chị Linh chỉ một cô gái khoảng 30 tuổi đang ngồi bó gối, dựa tường ngủ, “cũng sẽ bị đuổi”. Theo chị Linh: “Phải biết sắp xếp. Bệnh nhân ngủ, mình ngủ, bệnh nhân thức, mình cũng thức, mới được”.
Còn những cô sinh viên làm thêm nghề này, chưa cần bị đuổi thì đã tự bỏ việc.
Chị Linh lúc mới được chị bạn dẫn đến tập nghề vài hôm thì bị “ma cũ” tố cáo là... ăn trộm. Bệnh viện thường xảy ra mất trộm. Có khi mất cái ghế bố vài trăm ngàn, có khi bộ quần áo, có khi ngủ dậy mất dép... Đó là do mấy cô “ma cũ” tinh ý, sợ “ma mới” tranh việc.
Bảo vệ bệnh viện mời chị lên làm việc, may nhờ chẳng có chứng cứ gì là ăn trộm, lại được chị bạn nói giúp, nên chị mới được phép... về quê xin giấy tạm vắng. Rồi phải chầu chực nhờ người tìm giúp bệnh nhân để chăm sóc, chị mới chính thức được làm việc tại bệnh viện. Rồi phải làm tạm trú, tạm vắng nộp cho bảo vệ, đi báo về trình. Phải lấy lòng các đồng nghiệp cũ để khỏi bị tố là bỏ bê bệnh nhân...
Có người làm vài bữa, thì bị chồng, người nhà lên ở không, ăn bám, phải cắn răng chịu.
Đẳng cấp của người làm nghề này không chỉ ở kỹ năng, còn ở chỗ có uy tín với y tá, bác sĩ... Nhiều khi phòng cấp cứu chưa đến giờ cho người nhà vào thăm, nhưng với chị X. thì nói là y tá mở cửa ngay. Vì chị rất biết điều, luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác như đẩy xe, hoặc sẵn sàng giúp những việc lặt vặt. Chuyện này tác dụng ghê gớm, người nhà bệnh nhân nhiều khi công việc bận rộn, tranh thủ đến bệnh viện nếu nhằm giờ bác sĩ không cho vào, người thân không thấy mặt là họ không yên tâm.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)