Hỏi chuyện gia đình sếp
Chỉ là quan hệ công việc mà hỏi han về gia đình thì nghe có vẻ không phù hợp cho lắm, nhưng thực tế là các sếp rất mong mỏi được quan tâm theo kiểu này. Nếu bạn nhớ được tên cô con gái rượu của sếp, thêm một chút hiểu biết về sở thích và năng khiếu của cô bé thì đó chính xác là sự khởi đầu hoàn hảo.
Vì thế, khi sếp tiết lộ rằng con trai út của sếp là thành viên đội bóng đá ở trường thì bạn hãy ghi nhớ trong đầu, để có chuyện mà hỏi trong lần gặp gỡ sau. Chẳng hạn như cậu ta đá ở vị trí nào, ghi được bao nhiêu bàn thắng, có bao giờ bị chấn thương. Khi thao thao bất tuyệt nói về tuyệt tác của đời mình thì gương mặt nhăn như “quả táo tàu” thường ngày sẽ giãn ra trông thấy.
Dù vậy, hãy nhớ đừng lạm dụng hỏi han chuyện gia đình, bởi ông ấy có thể cho là bạn cơ hội, bạn tò mò tọc mạch, xâm phạm chuyện riêng tư…
Tìm sở thích chung
Không khó để biết được những sở thích của sếp, và rất dễ để xếp chúng vào cùng một loại với những gì liên quan đến bạn. Ai mà chẳng chơi tennis, nhưng vấn đề là cái vợt sếp dùng lại cùng hãng với đồ của bạn. Ngay cả khi bạn dùng đồ lởm thì bạn cũng có thể bày tỏ sự khao khát muốn có một món đồ ngon như của sếp.
Ngoài ra, bạn phải nhạy cảm để đọc ra cá tính từ những sở thích tưởng như vô thưởng vô phạt. Một cuốn sách về nghệ thuật chụp ảnh để trân trọng trên giá sách, hoàn toàn không lời, nhưng bạn có thể hiểu xa hơn một chút: Ngoài những lúc bận rộn công việc, sếp bạn cũng lãng mạn ra trò và có máu phiêu lưu đấy.
Vậy thì bạn phải mở đầu cuộc hội thoại như thế nào. Có thể tặng ông ấy chiếc vé đi xem giải tennis do Hội doanh nhân tổ chức, có thể gợi ý đưa ông ấy đi xem triển lãm ảnh. Cá với bạn là ông ấy rất bất ngờ và vui vẻ. Nhưng cảnh báo là đừng giả đò thích một thứ gì đó mà thực sự bạn không quan tâm.
Mời uống nước
Tại sao lại không chứ. Tất nhiên, không phải là bám lấy ông ấy mời đi uống nước một cách thô thiển. Trước tiên, hãy hỏi sếp về những dự định cho ngày cuối tuần. Nếu ông ấy nói rằng muốn đi câu nhưng còn lấn cấn chuyện công việc thì hãy đề nghị giúp ông ấy những gì có thể.
Mời ăn đồ cây nhà lá vườn
Nếu đem tặng sếp những hộp bánh to kếch xù thì đánh cá là ông ấy sẽ chẳng thèm nhận, nếu có thì cũng “ngại chết đi được”. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu cô vợ bạn hì hụi nướng bánh, và bạn mang đến mời cả phòng cùng ăn, rồi “tiện thể” mang vào biếu sếp. Nếu ở nhà chẳng có đặc sản gì thì chí ít cũng nên mời sếp cùng ăn mấy đồ linh tinh mà bạn hay nhấm nháp trong lúc làm việc. Được như vậy, khoảng cách giữa bạn và sếp sẽ rút ngắn lại.
Viết email thân mật
Nếu là một bản báo cáo tổng kết cuối năm thì giọng điệu hẳn là phải nghiêm túc, nhưng nếu đó chỉ là vài dòng xin tư vấn, hoặc là thư thông báo công việc thì tại sao không nhồi nhét vài câu mang dáng dấp tình cảm. Nhưng phương thức này có thể là con dao hai lưỡi, vì vậy, bạn phải học cách dùng nó một cách cẩn thận. Nếu sếp đã luống tuổi, tác phong lại tỏ vẻ bệ vệ và lạnh lùng thì đừng cố gắng rào đón làm gì mà hỏng việc.
Trở thành chuyên gia
Chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh của bạn thì đúng quá rồi, nhưng hơn thế, bạn cần học hỏi để nắm bắt những thông tin có giá với sếp. Được vậy thì chẳng cần đến mấy chiêu nịnh đầm, tỏ vẻ ngoan đạo, ông ấy sẽ phải tự mò đến chỗ bạn mà hỏi han. Tuy nhiên, bạn đừng có làm bộ làm tịch ra vẻ ta đây. Hãy đưa ra lời khuyên với thái độ trân trọng và khiêm tốn nhất. Ngoài ra, cũng đừng tự khoe mẽ, chỉ nên đưa ra ý kiến của mình khi được tư vấn.
Tỏ vẻ hài hước
Ai mà không thích tiếng cười vì thế, hãy tỏ ra mình là một nhà ngoại giao thiên bẩm và biết ném ra những câu hài hước đúng chỗ. Nhưng bạn cũng nên trau dồi khả năng gây cười, bởi nếu bạn nói toàn những câu nhạt hoét thì sẽ chỉ làm người khác chán nản mà thôi.
Bạch Kim