- Sau hai năm “ra riêng”, giờ “đủ lông đủ cánh” và được phong danh hiệu NSƯT, chị mới chính thức “tuyên bố” chia tay. Có phải vì “chiếc nôi” đã chật và chị muốn được “bay nhảy”?
- Đơn vị nghệ thuật nhà nước có những khó khăn nhất định, mặc dù, tôi luôn được ưu ái làm việc trong điều kiện tốt nhất. Tôi luôn biết ơn nhà hát đã tạo thời gian và điều kiện cho tôi học hết chương trình này đến chương trình khác, học trong nước rồi sang nước ngoài. Khi xin nghỉ việc, tôi nói rất chân thành với giám đốc nhà hát. Anh nói rằng: “Em cứ suy nghĩ kỹ đi. Anh luôn ủng hộ nếu em thấy việc này đúng...”. Các anh ở nhà hát đã động viên và tạo điều kiện để tôi tiếp tục công tác ở môi trường khác...
![]() |
Diễn viên Chiều Xuân. |
- Không ít người sau khi chia tay nghề diễn để làm nghề khác có thu nhập cao hơn đã xót xa mà rằng, sao ngày ấy lại có thể sống cuộc sống thanh đạm của một diễn viên sân khấu với cát-xê đêm diễn ngang ngửa với tiền công của một... thợ mộc. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi không đến mức bị thúc ép về vật chất mà phải chia tay nghề diễn. Nhưng tôi rất hiểu tình cảnh sân khấu bây giờ. Diễn một buổi mà vắng khán giả còn được, hai buổi cũng được, trăm buổi vẫn chịu đựng được, nhưng đến một nghìn buổi thì tôi phải tự hỏi mình: Tại sao diễn viên phải khổ như thế này ? Diễn làm gì khi mà khán giả đến xem lèo tèo? Đổ mồ hôi và nước mắt cho ai khi không nhận được sự đồng cảm của nhiều người?
Không sống trong sự đón đợi của khán giả, nghệ sĩ mất đi nhiệt huyết, vì khán giả là nguồn động viên lớn để tiếp tục làm nghề. Bản thân nghệ thuật bao giờ cũng hàm nghĩa cống hiến. Tôi không so đo mình diễn để được bao nhiêu tiền, để được danh lợi gì lập tức, nhưng tôi muốn vai diễn của mình không phải... khói thuốc bay lên trời.
- Là một nhà tổ chức sản xuất phim đòi hỏi hiểu nghề hơn cả đạo diễn, trong khi chị chưa chính thức bước vào công việc này mà chỉ mới làm các phim bài tập khi theo học tại chức ngành đạo diễn của Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh, chị tính toán thế nào?
- Làm nhà sản xuất là công việc hoàn toàn không dễ. Nhưng tôi là người khá năng động. Tôi đã học hỏi được không ít kinh nghiệm cho vị trí này trong suốt quá trình làm phim, đặc biệt là chuyến “du Nam” gần đây để đóng phim “Hoa dã quỳ”.
- Từ một diễn viên nhảy ngang sang làm giám đốc, chị phải thay đổi những gì?
- Thực dụng và toan tính là có. Nhưng toan tính về sức lực mình bỏ ra để đạt được một cái gì đấy chứ không phải dồn hết công sức để ôm về số không tròn trĩnh. Tôi nghĩ, trong hai năm nữa tôi sẽ khác và công ty của chúng tôi sẽ khác. Bây giờ, chúng tôi đang dồn sức phát triển công ty bằng những dự án nghệ thuật...
- Có người nói rằng, Chiều Xuân trông cười cười nói nói thế, chứ làm cái gì cũng sắc bén, tính toán cân đong “chắc mít”. Dựng kịch thì xin được tài trợ. Giờ làm phim cũng kéo Việt kiều vào cuộc. Chị nói sao về nhận xét này?
- Tôi cảm ơn những ai khen ngợi tôi. Nhưng phê bình đúng mới khiến tôi nể phục hơn. Thời buổi này, ai làm ăn mà chẳng phải đo đếm, cân đong cẩn thận. Thành bà chủ lớn, được thế thì tốt quá. Bà chủ lớn không có nghĩa chỉ là cái danh hão huyền mà đánh dấu bằng công việc. Tôi sẽ làm được những điều mình muốn. Khi mình thành công thì kéo theo rất nhiều người hợp tác với mình cũng thành công. Lúc đó mới thật sự lớn.
- Chồng chị - nhạc sĩ Đồ Hồng Quân - phản ứng thế nào về việc kinh doanh của chị?
- Chẳng những ủng hộ mà anh ấy còn tham gia vào việc sản xuất talk show Phong cách người nổi tiếng với tư cách là nhạc sĩ viết nhạc hiệu cho chương trình. Khi tôi “ngỏ lời” anh viết cho tôi 30 giây, anh cao hứng viết 5-7 phút nhạc. Một số varriant sẽ được sử dụng phát xen kẽ trong chương trình. Thế là vừa có “của ăn, của để”.
(Theo Hà Nội Mới)