Khai với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, nạn nhân kể sự việc xảy ra khi chị đang chạy xe máy tại một tuyến đường thuộc quận 3. Thời điểm này đoạn đường khá vắng, người lạ chạy lên vỗ vai và đâm một vật giống kim tiêm vào vai rồi rồ ga chạy mất.
"Thao tác của người này rất nhanh. Vỗ vai tôi xong người này chạy đi. Tôi cứ ngỡ họ là loại biến thái trêu chọc. Về nhà kiểm tra tôi mới biết chính xác mình bị đâm kim", nạn nhân nói. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác nhận tổn thương giống như kim đâm và cho bệnh nhân uống thuốc chống phơi nhiễm.
Cùng ngày 14/12, một người đàn ông khác cũng đến bệnh viện với vết thương trông giống bị kim tiêm đâm. "Tôi đang đi trên đường thì bị một người không quen biết xông đến dùng vật gì đó trông như ống kim tiêm đâm vào ngực. Tôi quá lo lắng vì thấy vết thương chảy máu nghi nhiễm HIV nên vội vào bệnh viện", bệnh nhân nói.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, đây là hai trường hợp mới nhất đến bệnh viện để xin được theo dõi do nghi bị kẻ lạ dùng kim đâm. Trước đó một tuần, bệnh viện cũng đã tiếp nhận cùng lúc 9 nữ công nhân ở quận 9 bị kẻ xấu dùng vật ngọn, nghi là kim tiêm, đâm vào ngực rồi bỏ chạy.
Không ai nhìn thấy rõ cây kim trên tay của kẻ xấu và cũng chưa có xét nghiệm nào cho thấy vết thương từ cú đâm đã chứa virút HIV, tuy nhiên tình trạng trên đã khiến người trong cuộc hoảng sợ. Một nữ công nhân ở quận 9 kể lại với bác sĩ, chị và một người bạn đang đi trên đường ở gần công ty thì bị một thanh niên chạy xe máy, bịt khẩu trang đâm gì đó vào tay.
"Lúc đầu tôi cứ tưởng ai đó chọc ghẹo. Sau đó nhìn lại mới biết trên tay có một vết thương giống như vết kim đâm. Càng hoảng hơn khi trong công ty có 8 người khác cũng bị như vậy", nữ công nhân kể.
Theo Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, căn cứ vào vết thương của các bệnh nhân, các nhân viên y tế chỉ có thể đoán "giống như vết kim đâm" chứ khó biết chính xác có phải là kim tiêm hay không. Mọi thứ đều dựa vào lời khai của nạn nhân.
Theo quy trình, trong trường hợp bị giẫm kim và có mang cây kim dính máu đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu ở cây kim xem có vi rút HIV hay không. Nếu máu trên cây kim và máu nạn nhân đều dương tính với HIV, nạn nhân sẽ được điều trị chống phơi nhiễm.
Riêng những nạn nhân nghi bị kẻ xấu đâm bằng kim, do nạn nhân không có được cây kim làm vật chứng, nên tất cả nạn nhân đều được làm xét nghiệm tại chỗ và cho uống thuốc chống phơi nhiễm trong vòng 30 ngày. Thực tế điều trị cho thấy, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM chưa có trường hợp nào bị kẻ lạ mặt đâm kim bị phát hiện nhiễm bệnh.
Theo các bác sĩ, nếu bị kẻ xấu dùng kim đâm hoặc trót giẫm phải kim tiêm nghi nhiễm HIV là để máu chảy tự nhiên, tránh nặn máu, nên rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sau đó lập tức đến bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhiễm để được xử trí.
Thuốc kháng virút HIV có tác dụng phòng lây nhiễm phát huy tác dụng đến 100% trong vòng 24 giờ sau khi xảy ra tai nạn, chính vì thế sau khi bị giẫm kim hoặc bị kẻ lạ mặt đâm kim vào cơ thể, nạn nhân chỉ cần đến bệnh viện chuyên khoa trước thời gian này.
Thiên Chương