Nhà đầu tư e ngại mua vào khi giá bán trên thị trường OTC thiếu sự thống nhất. |
Tuy nhiên, sự phức tạp từ đặc thù của thị trường không tập trung đang trở thành rào cản, nhất là khi giá các loại cổ phiếu trở nên loạn xạ bởi quá trình chia tách của các doanh nghiệp.
Giá cổ phần của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng không tránh khỏi sự sụt giảm chung của toàn thị trường trong giai đoạn tháng 4-5 và trở thành điển hình về mức giá dao động.
Lúc đó, cổ phần của Vinaconex giảm xuống mức 80.000 đồng/cổ phần, thấp hơn một nửa so với đỉnh ở thời điểm tháng hai. Và trong vòng 3 tuần qua, giá cổ phần Vinaconex đã được đẩy lên mức 95.000 đồng/cổ phần, với nhu cầu chào bán rất lớn.
Tuy nhiên, theo các mức giá cập nhật trên các mạng mua và bán cổ phiếu OTC, giá chào bán của loại cổ phiếu này lại rất lung tung, dao động từ 60.000-120.000 đồng/cổ phần. Chính vì giá bán loạn xạ như vậy đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại mua vào, dù biết rằng hoạt động kinh doanh của Vinaconex rất tốt, với nhiều dự án khả thi.
Theo anh Lê Khắc Tiến, người đã bán Vinaconex ở mức giá 120.000 đồng/cổ phần trong đợt thị trường OTC sụt giảm hồi tháng 4 cho biết, chỉ có thể thực hiện thành công kế hoạch cắt lỗ (vì mua Vinaconex ở giá 170.000 đồng/cổ phần) khi mua lại số lượng cổ phần đã bán ra ở mức giá thấp hơn.
Nay cơ hội đã đến, nhưng anh vẫn không mua được, vì không thể xác định được mức giá chung của thị trường, cho dù chỉ là tương đối. "Nguyên nhân của cái khó này bắt nguồn từ việc Vinaconex có thể phát hành thêm cổ phần mới từ nguồn vốn thặng dư và kế hoạch tăng vốn . Theo đó, nhà đầu tư tin rằng, sẽ được thưởng cổ phiếu, hoặc được mua với giá rẻ. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của nhà đầu tư lại được đặt trong bối cảnh thị trường OTC chịu sự tác động từ quá trình điều chỉnh sâu ở thị trường niêm yết. Vì thế, nhiều nhà đầu tư cho rằng, giá cổ phần Vinaconex sẽ phải giảm theo ít nhất cũng phải 1/3, tương ứng với tỷ lệ 2 cổ phần cũ được mua một cổ phần mới", anh Tiến nói.
Một nhà đầu tư khác của sàn chứng khoán Bảo Việt phân tích, dù chưa có thông tin chính xác từ Hội đồng Quản trị, nhưng giá cổ phần của đơn vị này không thể tăng cao quá 95.000 đồng, vì việc vượt đỉnh của tháng 4 trong khi không có thông tin gì mới là điều bất hợp lý.
Với tình hình thị trường giảm trong vòng một tháng qua, không thể có sự đột biến về giá như vậy. Việc thị trường OTC tự điều chỉnh giá cổ phiếu khi được hưởng quyền chia tách theo tỷ lệ tương ứng là không có gì lạ. Đơn cử, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đại dương (OCB), sau khi cổ đông nhận được cổ phần thưởng và quyền mua khoảng 50%/tổng số cổ phần nhà đầu tư nắm giữ, thì giá đã điều chỉnh từ hơn 120.000 đồng/cổ phần xuống còn gần 50.000 đồng/cổ phần.
Trường hợp loạn giá trên thị trường OTC của Vinaconex trong thời kỳ qua không phải là cá biệt. Các công ty chuẩn bị thực hiện việc chia tách và thưởng cổ phần đều ở tình trạng tương tự. Ví dụ, Ngân hàng Quân đội (MB), Anphanam, Licogi 16... đều rất khó xác định giá thị trường khi có kế hoạch chia tách, vì mức giá không chỉ chênh lệch lớn, mà còn xuất hiện tình trạng giao dịch ảo của một số nhà đầu cơ.
Giới quan sát cho rằng, sở dĩ xuất hiện tình trạng mức giá dao động trên thị trường OTC đối với những cổ phiếu có kế hoạch chia tách, bởi nhiều nhà đầu tư đã sử dụng những thông tin chia tách để kiếm lời. Cụ thể, khi đã nhận được quyền mua hoặc nhận thêm cổ phần chia tách, nhà đầu tư nắm giữ thường tích cực đăng bán và mua nhằm lòe những người không biết về thông tin chia tách.
Giá bán của họ chỉ cần rẻ hơn là đã thu hút được nhiều người khác. Cũng theo giới quan sát, cũng vì lý do này mà giá nhiều cổ phiếu trên thị trường OTC được đẩy lên cao và không phản ánh đúng quy luật cung - cầu. Có khi sức cầu giảm mà giá cổ phiếu vẫn tăng, nên rủi ro khi đầu tư vào những cổ phần này tăng lên gấp nhiều lần.
Một nguyên nhân nữa khiến những cổ phần thuộc diện chia tách làm nhiều nhà đầu tư hoang mang, gây tác động tiêu cực tới thị trường OTC là quá trình thực hiện quyền chi trả cổ tức ở các doanh nghiệp. Theo đó, những cổ phần mới chia tách thường không được nhận cổ tức từ trước đó.
Vì thế, giá của những cổ phần này thường cao hơn những cổ phần cũ. Sự chênh lệch này sẽ nhiều hơn đối với những cổ phần của các doanh nghiệp thực hiện việc chia tách cổ tức bằng cổ phiếu. Theo những nhà đầu tư OTC có kinh nghiệm, khi quan tâm và thực hiện mua cổ phiếu OTC, nhà đầu tư cần nắm đầy đủ những thông tin này. Đối với trường hợp có cổ tức, nhà đầu tư cần tách biệt cổ phiếu thành hai loại vì rất dễ bị "hố". Đặc thù của quá trình mua bán OTC là dựa trên lòng tin,
"trả tiền trước - nhận cổ phần sau" cũng dễ đẩy nhà đầu tư cổ phần OTC vào rủi ro này.
Hiện xu hướng tăng giá cổ phần trên thị trường OTC đã khá rõ, bởi giá cổ phần của nhiều đơn vị đã tăng trong bối cảnh thị trường niêm yết điều chỉnh giảm. Giới quan sát cũng dự đoán, số lượng cổ phần giao dịch thành công sẽ tăng lên khi nhiều cổ phần không thuộc nhóm blue-chips như các ngân hàng Việt Á, Sài Gòn Hà Nội... đã tăng nhẹ. Và tất nhiên, những rủi ro về giá sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Theo những nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm, để hạn chế những rủi ro trên thị trường OTC, việc công bố rộng rãi thông tin hay chủ động cải chính những tin đồn thất thiệt của các doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng. Ở đây, vai trò của cơ quan quản lý cũng được đặt ra rõ ràng hơn để đảm bảo sự minh bạch của thị trường. Tất nhiên, việc quyết định giá bán hay mua cổ phần là của nhà đầu tư, nhưng điều này sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam - đó là lòng tin của họ ở thị trường OTC.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)