Phạm nhân Lê Thị Hòa (33 tuổi, quê ở Ý Yên, Nam Định) vẫn giữ được vẻ xinh đẹp và thon thả sau hơn 6 năm ở chốn tù tội. Hòa đang cải tạo bản án 11 năm về tội giết người ở trại giam Xuân Nguyên. Đã 3 lần được giảm án, thời gian trở về với gia đình cũng không còn bao xa nữa nhưng trong lòng cô lúc nào cũng trằn trọc với suy nghĩ rằng không biết con gái sẽ nhìn nhận mình như thế nào.
Hòa sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con út nên được chiều chuộng. Mới tuổi dậy thì, Hòa đã vướng vào chuyện yêu đương, mà người đàn ông mà cô trao thân gửi phận lại là bạn của bố mình. Hòa phải lánh đi nơi khác để sinh nở và khi bé gái còn chưa kịp bi bô gọi mẹ, Hòa đã phải đưa con cho chị gái nuôi để còn có cơ hội tìm hạnh phúc cho mình.
Mang trong lòng nỗi hận đời, Hòa phạm thêm sai lầm nữa khi tự biến mình thành món đồ chơi cho những gã đàn ông thèm của lạ. Cô sống buông thả, tối ngày dập dìu với những kẻ thừa tiền nhưng khát tình.
Song cũng chính nơi đây đã cho Hòa biết thế nào là tình yêu. Người đàn ông ấy là Trần Văn Hanh, ở An Dương, Hải Phòng. Từ lúc quen Hòa, người đàn ông này đã bỏ cô vợ xinh xắn, trẻ trung cùng cậu con trai nhỏ để thuê nhà chung sống với cô. Chị Ngọc, vợ anh Hanh có nhiều lợi thế hơn cô cả về nhan sắc, đức hạnh nhưng anh Hanh vẫn chọn cô, vì thế Hòa quyết giữ bằng được người đàn ông ấy cho riêng mình.
Theo tài liệu của cơ quan công tố, Lê Thị Hòa sống với anh Hanh như vợ chồng từ tháng 6/2008. Ban đầu họ sống cùng với con riêng của Hòa ở Ý Yên, Nam Định sau đó chuyển về An Dương, Hải Phòng, thuê nhà trọ sinh sống đến ngày 23/8/2008 thì đưa nhau ra thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh thuê nhà ở.
Chiều ngày 25/8/2008, trong lúc nằm trêu đùa nhau, anh Hanh buông lời quá trớn, gọi Hòa là gái mại dâm. Câu nói của anh Hanh khiến Hòa tối sầm mặt lại. Cô ngồi lên người, dùng quai áo ngực quấn vào cổ anh Hanh, buộc lại. Không nghĩ rằng Hòa có thể giết mình nên anh Hanh vẫn nằm im, bảo: “Giết được thì cứ giết”. Hòa liền vòng tay siết cổ người tình. Thấy anh Hanh thè lưỡi, Hòa vẫn nghĩ là người yêu đùa mình nên càng siết chặt. Mãi tới khi không thấy anh Hanh cử động, Hòa mới bừng tỉnh.
Cô hốt hoảng gọi điện cho chị gái là Lê Thị Huyền, hỏi xem phải làm thế nào thì được chị gái hướng dẫn cách hô hấp nhân tạo nhưng anh Hanh đã không thể sống lại. Vừa sợ hãi vừa tuyệt vọng, Hòa nối dây điện quấn vào tay rồi cắm vào ổ điện với ý định tự tử nhưng không đạt được mục đích vì cầu chì nổ.
Sau một hồi được chị gái an ủi, trấn an, Hòa đã ra cơ quan công an tự thú. Với hành vi giết người, Hòa bị TAND thành phố Quảng Ninh tuyên phạt 11 năm tù, thi hành án ở trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng.
Hơn 6 năm sau ngày trở thành kẻ sát nhân, lần đầu tiên Hòa viết thư về cho vợ của nhân tình. Ngay dòng đầu tiên cô đã viết: “Tôi biết khi đọc lá thư này vết thương cũ lại một lần nữa nhói đau với Ngọc. Tôi biết bây giờ có nói hàng vạn lời xin lỗi thì cũng đã là quá muộn, nhưng tôi xin Ngọc hãy cố gắng đọc hết lá thư này. Hãy xem đó như một ân huệ Ngọc dành cho kẻ tội lỗi như tôi. Tất cả những gì tôi nói hôm nay đều xuất phát từ trong tâm của một con người luôn hướng thiện”.
Cô đã tâm sự rất thật nỗi lòng mình: “Mười một năm là án tôi mang cho tội danh giết người nhưng mức án đó đã là quá nhẹ so với bản án lương tâm. Cho dù là vô tình hay cố ý, thì tôi cũng là kẻ không đáng được tha thứ khi đã cướp đi của Ngọc một người chồng, cướp đi của con trai Ngọc một người cha. Từng giọt nước mắt của Ngọc tại phiên tòa hôm đó tôi đã thấy rõ niềm đau thương đến tận cùng. Tôi cũng đã nhìn thấy mái tóc của bác Hữu (bố nạn nhân) đã bạc trắng bởi nỗi đau tôi gây ra.
Tôi đã sẵn sàng đón nhận những lời trách mắng, nguyền rủa của Ngọc và gia đình. Nhưng mọi người đã không làm như vậy. Mọi người chỉ nhìn tôi với ánh mắt như ngây dại, cùng những giọt nước mắt đua nhau lăn dài trên má. Những ánh mắt đó đã theo tôi những tháng năm qua và mãi về sau. Trước đây, khi sự việc đau lòng chưa xảy ra thì Ngọc cũng đủ tư cách xem tôi như kẻ thù, nhưng Ngọc không làm thế mà chỉ luôn nhìn tôi với ánh mắt thật buồn. Tình yêu thương Ngọc dành cho chồng con thật nhiều hay do nỗi đau tôi gây ra quá lớn, khiến cho người phụ nữ tưởng chừng như yếu đuối, đã trở nên mạnh mẽ.
Những năm tháng đã qua tôi luôn sống trong nỗi ám ảnh day dứt bởi từ đôi bàn tay này tôi đã gây ra nỗi đau không gì có thể bù đắp cho một gia đình đang yên ấm. Nếu có thể cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước nghìn lần không hối hận rằng thời gian có thể quay trở lại để tôi được làm lại từ đầu.
Cuộc đời tôi đã đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác và sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi chính là xây dựng niềm hạnh phúc của mình trên nỗi buồn đau và giọt nước mắt của người khác. Bản án tôi mang, đi mãi rồi cũng đến ngày tự do nhưng bản án lương tâm thì sẽ theo tôi suốt cuộc đời này”.
Từ ngày vào trại giam, Hòa đã được 3 lần giảm án, thời gian trở về cũng không xa nhưng dường như Hòa không để ý đến điều đó. Trong lá thư gửi vợ nạn nhân, cô thành thật: “Tôi không thể tha thứ cho việc làm của mình. Tôi muốn quên đi nhưng cứ nhắm mắt lại thì nó chỉ như là ngày hôm qua. Chưa khi nào tôi cảm thấy trút được gánh nặng trong tâm. Rồi mai đây khi trở về, chắc tôi còn khổ tâm hơn thế này vì còn phải đối diện với thực tại, đối diện với miệng lưỡi người đời nhưng đáng sợ nhất là phải đối diện với đứa con của mình”.
Không hề khóc trong suốt cuộc nói chuyện nhưng từng chữ, từng lời của Hòa cứ như cứa vào gan ruột. Cô đã khóc rất nhiều hàng đêm và những giọt nước mắt ân hận ấy vẫn tiếp tục rơi, chưa dứt.
Theo Khám Phá