Chuyến ô tô khởi hành trong đêm, từ Hà Nội di chuyển về phía Lạng Sơn sang cửa khẩu Bằng Tường, đưa 200 lưu học sinh Việt Nam sang Triều Tiên tu nghiệp. Một trong số đó có Hồ Thị Kim Cúc, nữ sinh Hà Nội vừa rời ghế nhà trường đã bước vào hành trình dài xa gia đình đi xứ lạ. Hồi tưởng lại cuộc tạm biệt quê hương năm 1967, bà Cúc, hiện đã 70 tuổi, không quên hình ảnh chiếc ô tô quân đội có thùng lớn với hai hàng ghế dọc, lao đi trong đêm khi bầu trời đầy pháo sáng của quân ta và máy bay địch gào rú. Trong bối cảnh khốc liệt, điều khiến bà và những người bạn sợ hãi không phải bom đạn mà là câu hỏi: "Sẽ đi đâu, thế nào" và cảm giác nao lòng, quyến luyến khi sắp tạm biệt chốn thân thuộc.
Nghỉ hưu sau thời gian dài công tác trong ngành xây dựng, bà Cúc hiện sống cùng chồng và các con ở quận Long Biên. Bà bảo niềm vui tuổi già là được chăm sóc gia đình, thỉnh thoảng gặp gỡ những người bạn trong đoàn lưu học sinh Việt tại Triều Tiên ôn chuyện xưa cũ. Gần 50 năm kể từ ngày rời thành phố Hàm Hưng, những ký ức về vùng đất công nghiệp hiện đại nhưng bình yên vẫn hiển hiện trong bà Cúc. Bà bảo 6 năm sống và học tập trên đất bạn là khoảng thời gian đáng nhớ, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: vui - buồn - cảm động và biết ơn.
Bà Cúc sinh ra ở Hà Nội, trong gia đình đông anh em, có bố mẹ là cán bộ. Ngày học phổ thông, một lần nữ sinh Cúc được thầy giáo gọi lên hỏi: "Có muốn đi nước ngoài không?", cô chưa hiểu qua đó làm gì nên chỉ cười. Sau đó, thấy mình có tên trong danh sách sang Triều Tiên học tập, Cúc ngơ ngác. Cô bảo từ nhỏ được bố mẹ bao bọc, chưa một lần xa gia đình nên cảm xúc đầu tiên là lo lắng về chân trời xa lạ trước mắt sẽ là hoa thơm hay tràn đầy thử thách.
Giống như các lưu học sinh Việt Nam được cử sang Triều Tiên năm 1967, Cúc tham gia khóa học chính trị tại Hưng Yên trước khi về Hà Nội nhận tư trang sang nước bạn. Hành trang cô mang theo có đủ quần áo, giầy dép và sách vở do nhà nước cấp; bố mẹ lo lắng nhưng nhắn nhủ: "Đi học để trở về xây dựng quê hương". Năm đó Hồ Thị Kim Cúc tròn 17 tuổi, chưa được nghe hay xem bất cứ hình ảnh nào về Triều Tiên. Cô bảo hiểu ngắn gọn đó là nơi tiếp nhận, giúp đỡ và đào tạo người Việt trong giai đoạn đó.
Đúng hôm rời Hà Nội, Cúc đi dạo một vòng qua các phố phường rồi về tập kết tại cổng trường Đại học Bách Khoa, sau đó di chuyển lên Lạng Sơn bằng ô tô. Đoàn tàu xuất phát từ ga Bằng Tường chở cô cùng các lưu học sinh sang Triều Tiên "mới toanh". Tiếng trò chuyện râm ran, tiếng cười giòn át cảm giác bâng khuâng của những người con trên hành trình xa xứ.
Ga Bằng Tường (Trung Quốc) là điểm dừng đầu tiên của đoàn người từ Việt Nam, được xây dựng khang trang và hiện đại. Cúc lần đầu nhìn thấy cửa kính trong suốt, không biết nên đâm sầm vào rồi ngã lăn. Không chỉ riêng mình cô, những người bạn cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Cả đoàn cười phá lên, coi đó là kỷ niệm đáng nhớ mỗi lần nhắc về chuyến đầu "sang bển". Rời Bằng Tường, đoàn sinh viên đến Bình Nhưỡng rồi từ đó tỏa đi các vùng. Cúc được phân công học tập tại Đại học Hóa học Công nghiệp Hàm Hưng. Cô về sống trong ký túc xá dành riêng cho người Việt tại thành phố này.
Nơi ở mới của Cúc là phòng dành cho hai người, rộng rãi với lò sưởi hơi nước và bếp ăn tập thể. Cô gái Hà thành từng có cuộc sống không thiếu thốn phải thốt lên: "Chốn thiên đường!". Ban ngày đi học, tối Cúc được giao lưu với các anh chị người Việt khóa trước. Cô bảo thời gian đầu quên cảm giác nhớ nhà bởi có nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn chờ được khám phá. Cuộc sống của lưu học sinh Việt tại Hàm Hưng khi ấy, với Cúc, là tươm tất, đầy đủ. Cô được đi dã ngoại mỗi cuối tuần và chơi các môn thể thao như bóng chuyền, bóng bàn với hệ thống sân tập hiện đại.
Mùa tuyết rơi đầu tiên, Cúc dậy sớm đi học với chiếc áo măng tô dày. Cô bước đi nặng nề trong tiết trời lạnh giá, bật khóc vì hai bàn chân sưng nề. Thấy Cúc nhỏ người, một bạn trêu: "Con nhà ai bé tí đã cho sang đây, trông đến tội". Đêm về, cô nằm quay vào tường khóc, bảo lúc đó mới thấm nỗi nhớ nhà, nỗi buồn xa gia đình. Hai tháng một lần, Cúc viết thư và mong nhận thư gia đình. Những lá thư không đến đều bởi tình hình đất nước loạn lạc. Niềm an ủi của Cúc là ở nơi xứ người, cô có nhiều "cha", "mẹ" và "anh", "chị". Những người phục vụ trong bếp ăn tập thể được Cúc gọi là "o-ma-ni" (tiếng Triều Tiên là "mẹ") và "a-bo-chi" (bố); các nhân viên trong trường gọi là "o-pa", "o-ni" (anh, chị), còn họ đều đáp lại cô bằng danh từ thân mật như con gái hay em gái.
Bếp ăn cách ký túc xác chừng 500m, phục vụ các món truyền thống của người Triều Tiên. Ban đầu, Cúc chưa quen, sợ cay nên sút cân, nhưng sau đó cô dần thích nghi được. Đến bữa, những khay cơm và đồ ăn được bày ra, các sinh viên xếp hàng chờ đến lượt, lấy bao nhiêu tùy ý (giống hình thức buffet). Cúc nhớ các "o-ma-ni" thường bồi dưỡng cho lưu học sinh bằng trứng gà bởi mong "các con" có đủ sức khỏe học tập.
Cúc học ngành Hóa học silicat với khoảng vài chục sinh viên trong đó có cả Việt Nam và Triều Tiên. Trong mắt cô, các bạn học người địa phương rất chỉn chu, kiệm lời nhưng lịch sự. Họ hào hứng khi trao đổi kiến thức với Cúc nhưng không chia sẻ nhiều về cuộc sống.
Cựu nữ du học sinh Triều Tiên kể, cô và các bạn nữ nhút nhát chẳng dám đi đâu, còn các nam sinh viên vẫn thỉnh thoảng ghé thăm những gia đình lân cận. Cúc nghe các bạn nói đời sống của người dân Triều Tiên thiếu thốn, không đầy đủ như những gì cô và các thành viên trong đoàn được nhận. Biết chuyện, Cúc bật khóc vì cảm động trước sự bao bọc của nước bạn dành cho các du học sinh.
Chuyến về thăm nhà đầu tiên của Cúc vào năm 1972, trước khi trở lại Triều Tiên thực tập tại Nhà máy vật liệu chịu lửa Thanh Tân. Cô gom số tiền ít ỏi tiết kiệm được từ khoản trợ cấp của nhà nước mua một hộp sâm, mang về biếu bố mẹ. Lần hồi hương ngắn ngủi, Cúc chị kịp ăn bữa cơm gia đình rồi thăm lại thủ đô vài vòng. Quãng thời gian một năm thực tập cùng những người công nhân, cán bộ Triều Tiên ở nhà máy vật liệu cũng khiến cô sinh viên người Việt học hỏi được nhiều điều, đặc biệt là sự chăm chỉ, cần mẫn.
5 người trong nhóm sinh viên thực tập ngành Vật liệu chịu lửa cùng Cúc năm đó, sau này, không ai theo nghề. Cô và các bạn trở về làm việc tại các đơn vị nghiên cứu hoặc kinh doanh, giảng dạy. Nhắc về Triều Tiên, nữ sinh viên Hồ Thị Kim Cúc khi đã 70 tuổi vẫn tràn đầy hào hứng nói rằng đó là tháng năm tuổi trẻ đáng nhớ. Bà mong có chuyến đi sớm nhất trở lại thăm Hàm Hưng nhưng buồn vì có lẽ các "o-ma-ni", "a-bo-chi" đã qua đời.
Hàm Hưng là thành phố lớn thứ nhì của nước CHDCND Triều Tiên, là thủ phủ của tỉnh Hamgyong Nam. Theo miêu tả của bà Cúc, đây là thành phố biển, công nghiệp phát triển nhưng yên tĩnh, sạch sẽ với hệ thống nhà máy nối tiếp và đường phố quy hoạch hiện đại. Tại Hàm Hưng, không có các quán ăn hay cửa tiệm tư nhân nhỏ lẻ mà chủ yếu sử dụng chuỗi nhà hàng của nhà nước được xây dựng khang trang, rộng rãi. |
Xem thêm: Hình ảnh nữ du học sinh Triều Tiên sau 50 năm rời thành phố Hàm Hưng
Lam Trà
Video: Kin Wah Lok
Ảnh: Marion Schade