Ngay từ hồi học cấp II, tôi đã được ba mẹ cho học đàn, hát, nhảy và múa. Thực ra tôi học mỗi thứ một chút, không chuyên về cái gì những cũng biết nhiều hơn các bạn cùng sinh hoạt trong đội thiếu nhi. Lên cấp ba, tôi tham gia vào nhóm ca khúc chính trị TP HCM và bắt đầu đi theo con đường ca hát từ rất sớm.
![]() |
Ca sĩ Minh Thuận. |
Học lớp 10, tôi đã có show đi hát và kiếm được tiền, đến năm lớp 11 thì không cần xin tiền ba mẹ nữa, kể cả tiền ăn sáng. Trước đây ba mẹ sợ tôi mê hát mà chểnh mảng học hành nên đã không cho tôi hát và ra điều kiện: nếu cứ đi hát nữa sẽ cắt luôn 1.000 đồng tiền ăn sáng. Tôi đã phải giấu đồ biểu diễn trong giỏ để đi hát và khi nào cần may đồ mới hoặc chi tiêu, tôi xin trưởng nhóm ứng tiền quỹ ra trước. Cát-xê đi hát được 1.500 đồng thì uống ly si rô đá 700 đồng coi như mất nửa lương, nửa lương còn lại để trả nợ.
Thích và mê hát nhưng để theo con đường chuyên nghiệp và tạo dựng tên tuổi lớn, đó là những điều tôi thấy xa vời vô cùng. Lý do vì lúc ấy tôi thấy mình... nhỏ con quá nên không dám ôm mộng. Nhìn các sao thời đó như Thy Nga, Nguyễn Chánh Tín, Anh Khoa, Nhật Trường, ai cũng to cao nên tôi càng mất tự tin. Vậy mà tuổi trẻ cho mình chút liều mạng, vẫn cứ đi và dấn thân cho dù chẳng biết tương lai sẽ về đâu.
Năm 22 tuổi, cả gia đình chuẩn bị giấy tờ đi Mỹ nhưng tôi vẫn quyết định ở lại Việt Nam để theo nghề hát. Thấy tôi cương quyết ở lại, ba tôi rất giận, ông thậm chí còn bảo sẽ từ tôi nếu không thay đổi ý định. Thực tình lúc ấy tôi rất buồn. Mẹ mất rồi, tôi chỉ còn ba và 9 anh em lại ở Mỹ hết, không biết bao giờ mới gặp lại nhau vì vào thập niên 80 của thế kỷ trước, mọi thông tin liên lạc, chuyện đi lại giữa hai nước không dễ dàng.
Tôi cũng chẳng lý giải được tại sao mình lại gan đến thế, thậm chí không biết ngày mai ăn uống thế nào, một ngày có mấy bữa ăn mình có lo nổi hay không mà vẫn ở lại. Có lẽ số phận là vậy.
Tôi cũng ít nhiều được tổ đãi, vào nghề hát tương đối dễ dàng và sau một thời gian phấn đấu đã thành công khi được đứng chung sân khấu với nhiều ngôi sao lớn mà tôi từng hâm mộ. Tôi may mắn sống được bằng cả show diễn lẫn việc sản xuất album.
Trong suốt 23 năm đi hát, tôi chưa từng bỏ một lá thư hay món quà nào của khán giả. Ở nhà hát có đến hai phòng để lưu trữ các album, bài hát, hình ảnh, quà tặng, gấu bông và thư từ của khán giả.
Tôi cất giữ cẩn thận những lá thư của khán giả trong 6 va li, mỗi cái chừng vài nghìn thư. Tôi đã sửa nhà hai lần và xây nhà nữa nhưng quyết không để thất lạc hòm thư nào. Tôi nghĩ, giả sử sau này mình không còn là người của công chúng nữa thì ngồi 3 năm đọc vẫn chưa hết thư, trong đó có cả thư của những người đang nổi tiếng bây giờ là fan của tôi ngày trước. Tôi rất tự hào về những kỷ vật này và xem đó là tài sản vô giá của cuộc đời mình.
Tương lai không sao biết trước được, tôi chỉ mong luôn có đủ sức khỏe đi đến cùng đam mê của cuộc đời mình.
Ai cũng có một thời được xem là vàng son trong sự nghiệp. Với tôi, đó là thời điểm của những album đến nay nhiều người vẫn thuộc nằm lòng như Tình ca Beijing rồi Tình đầu chưa nguôi, Ta chẳng còn ai... Đó cũng chính là thời điểm mà tôi phải cầm nhà cho ngân hàng để có tiền làm đĩa mà vẫn thấy thật hạnh phúc.
Những cột mốc quan trọng đó luôn là động lực để tôi tự tin đi hết con đường mình đã chọn.
Minh Thuận
(Theo Phong Cách)